Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nông nghiệp huyện đại lộc tỉnh quảng nam (Trang 43 - 46)

7. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

a. Vị trí địa lí

Đại Lộc là huyện trung du nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ khoảng 70 km.

Phía Đông giáp huyện Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, nơi có điều kiện tương đồng tạo sự hợp tác và liên kết trong phát triển sản xuất ...

Phía Tây giáp huyện Nam Giang và một phần huyện Đông Giang, nơi có nguồn nông lâm - thủy sản phong phú và đa dạng, có khả năng cung cấp nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản.

Phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, huyện Quế Sơn.

Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung thuận lợi về thị trường, vốn, khoa học công nghệ và là đầu mối giao thông nối liền với các vùng miền của đất nước.

b. Địa hình

Đại Lộc là vùng đất vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, mang tính chất trung du. Trong cấu trúc địa hình của huyện, đồi núi là một bộ phận quan trọng. Rừng núi chiếm gần 2/3 diện tích đất đai toàn huyện (37.621,46 ha rừng và đất trống, đồi trọc). Đồng bằng chiếm hơn 1/3 diện tích, được hình thành tại các chân núi hoặc các vùng đồi núi bị sụt võng. Địa hình Đại Lộc cao ở phía Tây - Tây Bắc thấp dần về phía Đông. Vùng đồi núi rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch sinh thái, nông - lâm nghiệp, cây công nghiệp dài

ngày và các loại cây ăn quả. Vùng đồng bằng thuận lợi trồng cây lương thực, thực phẩm, rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt.

c. Thời tiết, khí hậu

Khí hậu ở Đại Lộc là khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển quanh năm của động thực vật. Đại Lộc là một vùng đồi thấp nối liền với một vùng rộng lớn rừng núi cao và dốc ở phía tây, tây bắc huyện và một vùng đồng bằng hẹp ở đông và nam, theo độ cao từ tây bắc thấp dần xuống đông nam. Do địa hình áp sát đồi núi, độ dốc lớn, sông suối ngắn và dốc nên mưa lớn hàng năm thường gây ra lũ lụt vào các tháng 9, 10, 11 và có khi cả tháng 12 ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện. Tổng lượng mưa của 4 tháng này chiếm 70%-75% tổng lượng mưa cả năm. Lạnh trong các tháng 12, 1 và 2. Thời kỳ khô hạn và nắng nóng kéo dài suốt các tháng mùa hạ. Tổng lượng mưa của các tháng này chỉ chiếm khoảng 12-15% lượng mưa toàn năm. Nhiệt độ trung bình là 25,90

C. Hằng năm có trên 2.000 giờ nắng và hằng tháng đều có ít nhất 100 giờ nắng, số ngày không nắng của mỗi năm là từ 24 đến 30 ngày, thường tập trung vào các tháng mùa mưa. Vì vậy, huyện cần đầu tư hoàn chỉnh các công trình thủy lợi phục vụ tưới trong mùa hạn, tiêu trong mùa mưa lũ và có cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ hợp lý để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

d. Tài nguyên thiên nhiên

- Tài nguyên đất

Đất đai là cơ sở của sản xuất nông nghiệp, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là đối tượng lao động độc đáo, đồng thời cũng là môi trường duy nhất sản xuất ra lương thực, thực phẩm với giá thành thấp nhất. Do đó, chiến lược sử dụng đất tất yếu là một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái và phát triển bền vững. Đầu tư theo chiều sâu vào đất đai phải đạt các mục tiêu sau:

+ Nâng cao năng suất, chất lượng nông sản về mặt hàm lượng các chất dinh dưỡng đặc trường và loại trừ dần các độc tố chứa trong nông sản đó.

+ Nâng cao hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, do đó cần phải đầu tư theo chiều sâu vào đất phải đem lại lợi nhuận ngày càng tăng cao cho người sản xuất.

+ Nâng cao và ổn định lâu dài độ phì nhiêu thực tế của đất. Tận dụng mối quan hệ tương hỗ giữa đất với các yếu tố khác để phát huy ưu thế của độ phì nhiêu thực tế ngay cả đối với những đất có độ phì nhiêu thấp.

Dưới sự tác động của địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn khác nhau nên đất đai đa dạng và chia làm 4 nhóm chính. Nhìn chung, đất đai Đại Lộc phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.

+ Đất cát 645 ha trải dọc theo các bờ sông. Đất cát có độ PH chua ở lớp mặt (20-25cm), xuống sâu độ chua giảm dần. Đất nghèo độ phì, thiếu ẩm, khô hạn. Đất này có thể cải tạo thành phần của đất để trồng hoa màu như khoai, đậu các loại bằng cách bón phân xanh, phân chuồng và trộn thêm đất sét. Đất này sau khi được cải tạo sẽ phù hợp trồng dưa hấu trong vụ Đông Xuân.

+ Đất phù sa 8.320,68 ha, phân bố chủ yếu dọc theo hai con sông Thu Bồn và Vu Gia. Loại đất này có hàm lượng mùn và dưỡng chất khá, không chua có khả năng giữ ẩm. Loại đất này phù hợp với các loại cây: Lúa, bắp, các loại cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Đất xám bạc màu chiếm 139 ha, thường ở địa hình cao và dốc. Do ảnh hưởng của cường độ mưa và lượng mưa lớn nên đất bị rửa trôi và xói mòn mạnh. Đất nghèo dưỡng chất, khả năng giữ nước, giữ màu của đất kém, cây trồng rất dễ bị hạn, kể cả trong mùa mưa, chỉ thích hợp trồng cây công nghiệp, khoai, đậu phụng, thuốc lá trên đất này. Thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác thủy lợi để phục vụ sản xuất ở diện tích này. Tuy nhiên, cần

thường xuyên bổ sung các dưỡng chất cho diện tích đất này.

+ Đất đỏ vàng chiếm 1.013,98 ha, phì nhiêu, hàm lượng bazơ còn khá và đất ít chua. Đất này được sử dụng rộng rãi để làm ruộng, nương rẫy, trồng cây công nghiệp lâu năm, trồng hoa màu ... Trải qua thời gian sử dụng lâu dài, đất bị thoái hóa, bạc màu. Đòi hỏi phải thường xuyên đầu tư cho đất các loại phân bón cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

- Tài nguyên nước

Tài nguyên nước là lượng nước có thể khai thác, sử dụng phục vụ cho đời sống và phát triển kinh tế, xã hội trên quan điểm phát triển bền vững. Tài nguyên nước đang chịu tác động của các yếu tố:

+ Xu thế thay đổi các yếu tố khí hậu.

+ Nhu cầu dùng nước gia tăng nhanh chóng do sự tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Đại Lộc có hệ thống sông ngòi, đập, hồ phong phú với 1.248,9 ha. Hai dòng sông lớn chảy qua huyện là sông Thu Bồn và sông Vu Gia tạo thành một mạng lưới giao thông thuận tiện, đặc biệt là hồ chứa nước Khe Tân có trữ lượng nước gần 50 triệu m3

đồng thời cũng là những kho dự trữ nước ngọt trong những tháng mưa lũ để cung cấp nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Tài nguyên nước ở Đại Lộc dồi dào nhưng phân bổ theo không gian và thời gian không đồng pha với nhu cầu dùng nước nên dẫn đến hiện tượng thiếu nước trong mùa khô. Do đó cần nghiên cứu và bố trí các công trình đảm bảo tưới chủ động cho các loại cây trồng trong mùa khô để nâng cao hệ số sử dụng đất, đảm bảo an ninh lương thực góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nông nghiệp huyện đại lộc tỉnh quảng nam (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)