2.2.1.1. Tổng quan về giao thông đường bộ ở tỉnh Gia Lai
Gia Lai là một tỉnh miền núi, với địa hình đồi núi, nhiều đèo dốc quanh co vì vậy ở địa phương tồn tại và phát triển hai hình thức giao thông vận tải chính đó là bằng đường bộ và đường hàng không, trong đó vận tải bằng đường bộ chiếm tỷ trọng lớn, gần 98% sản lượng. Với đặc điểm điều kiện địa lý nên hệ thống mạng lưới đường bộ phát triển mạnh, hệ thống đường tỉnh, đường huyện được xây dựng khá hoàn chỉnh, kết nối các trung tâm hành chính, khu dân cư trong tỉnh với nhau, hệ thống đường quốc lộ kết nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền trung, Nam Trung bộ và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh góp phần thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đường bộ: Tỉnh Gia Lai có 06 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 723 Km, trong đó đường Hồ Chí Minh chạy theo hướng Bắc – Nam (dài 105 km), nối với tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk; quốc lộ 19 chạy theo hướng Đông – Tây
(dài 157 km), nối với tỉnh Bình Định và nước bạn Campuchia. Còn quốc lộ 25
(dài 112 km), nối với tỉnh Phú Yên; quốc lộ 14C (dài 90.5 km), chạy dọc biên giới phía Tây của tỉnh; Quốc lộ 19D kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 19; đường Trường Sơn Đông đoạn qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 213 km nối với tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk. Ngoài ra, còn có 10 tuyến tỉnh lộ dài 372 km, đường đô thị 965 km, đường huyện 1.900 km, đường chuyên dùng 513 km và đường xã, thôn bôn dài 7.706 km. Tổng chiều dài là 12.183 km. Tất cả các hệ thống hạ tầng giao thông này đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai.
Biểu đồ 2.1: Tỷ lệ các loại đường bộ tỉnh Gia Lai
Phương tiện giao thông đường bộ: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ trong tỉnh tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Tính đến 31/12/2018, tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đã đăng ký là 837.109 phương tiện. Ngoài ra còn có 38.646 xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được đăng ký vì vướng mắc về thủ tục.
Biểu đồ 2.2: Phương tiện cơ giới đường bộ tỉnh Gia Lai
(Nguồn: Công an tỉnh Gia Lai) 2.2.1.2. Tai nạn giao thông đường bộ
Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 01/3/2013 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí song diễn biến phức tạp, rất khó lường. Từ năm
2013 đến năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 2.421 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.649 người và bị thương 2.735 người (xem phụ lục 1).
Theo báo cáo kết quả điều tra dư luận xã hội về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai thì đa số các ý kiến cho rằng tình hình trật tự an toàn giao thông thời gian qua có chuyển biến ở cả 03 khu vực: thành phố, thị xã, thị trấn và nông thôn. Trong đó khu vực thành thị có chuyển biến tích cực nhất (27.2%) và khu vực nông thôn được đánh giá là có chuyển biến nhưng còn hạn chế (19.3%); khu vực thị trấn được đánh giá là có chuyển biến ngày càng phức tạp (15.2%).
Tỷ lệ tai nạn giao thông trên 10.000 phương tiện: Số lượng phương tiện giao thông cơ giới những năm qua tăng nhanh chóng. Trong khi đó, số vụ tai nạn giao thông và số người chết có sự biến động, tăng, giảm thất thường dẫn đến số người chết trên 10.000 phương tiện có sự thay đổi không ổn định.
Đồ thị 2.1: Quan hệ gia tăng phương tiện cơ giới đường bộ và tai nạn giao thông đường bộ tỉnh Gia Lai
Tai nạn giao thông theo mức độ nghiêm trọng: Các tai nạn nghiêm trọng chiếm khoảng 46.3% tổng số vụ tai nạn giao thông. Các tai nạn rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm khoảng 5.6%. Tỷ lệ của cùng một mức độ nghiêm trọng tăng, giảm thất thường. Từ đó, có thể thấy tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp và khó lường.
Biểu đồ 2.3: Thống kê mức độ nghiêm trọng của tai nạn giao thông đường bộ tỉnh Gia Lai
(Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai) Tai nạn giao thông liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số: Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44.75% dân số của tỉnh, trình độ văn hóa còn nhiều hạn chế. Về tai nạn giao thông có liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua có xu hướng tăng dần qua từng năm. Từ năm 2013 đến năm 2018 xảy ra 612 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 25.3% tổng số vụ), làm chết 499 người (chiếm 30.3% tổng số người chết vì tai nạn giao thông) và bị thương 541 người (chiếm 19.8% tổng số người bị thương) (xem phụ lục 2).
Tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, xe tự chế: Luật Giao thông đường bộ năm 2001, đặc biệt là Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã quy định “từ ngày 01/01/2008 đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3,4 bánh”. Đến Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008, Chính phủ có quy định các tỉnh, thành phố hoàn thành trước 31/12/2008. Tuy nhiên, cũng như các địa phương có đặc thù chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thì việc sử dụng xe tự chế, xe công nông để phục vụ sản xuất vẫn diễn ra. Với đặc điểm của phương tiện không đảm bảo về điều kiện an toàn kỹ thuật do đó trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe tự chế, xe công nông, mức độ nguy hiểm cao: 110 người chết/111 vụ tai nạn giao thông (xem phụ lục 3).
Tuyến đường xảy ra tai nạn: Tai nạn xảy ra trên quốc lộ chiếm 33.3% (806/2.421 vụ), đường tỉnh chiếm 12.2% (296/2.421 vụ), đường nội thị chiếm 13.3% (323/2.421 vụ) và đường giao thông nông thôn chiếm 13.3% (323/2.421 vụ).
Biểu đồ 2.4: Tai nạn giao thông theo loại đường
Phương tiện, đối tượng trực tiếp gây ra tai nạn: Tai nạn chủ yếu do phương tiện mô tô. Từ năm 2013 đến năm 2018 phương tiện, đối tượng trực tiếp gây ra tai nạn cụ thể như sau: Mô tô 1.006 trường hợp (chiếm 63.7%), ô tô 321 trường hợp (chiếm 20.3%), người đi bộ 47 trường hợp (chiếm 3%), phương tiện khác 57 trường hợp (chiếm 3.6%), chưa rõ 149 trường hợp (chiếm 9.4%) (xem phụ lục 4).
Giới tính trong các vụ tai nạn giao thông: Nam chiếm 85.3%, nữ chiếm 5%, còn lại chưa rõ đối tượng gây tai nạn giao thông chiếm 9.7% (xem phụ lục 5).
Độ tuổi trong các vụ tai nạn giao thông: Chủ yếu xảy ra ở độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi (xem phụ lục 6).
Thời gian xảy ra tai nạn giao thông đường bộ: Từ 7h đến 11h (184 vụ, chiếm 11.2%), từ 11h đến 13h (98 vụ chiếm 6%), từ 13h đến 17h (342 vụ chiếm 20.7%), từ 17h đến 22h (792 vụ chiếm 48%), từ 22h đến 7h hôm sau (234 vụ, chiếm 14.2%) (xem phụ lục 7).
Nguyên nhân gây tai nạn giao thông: Qua bảng thống kê số liệu cho thấy, tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh xảy ra chủ yếu do lỗi của người tham gia giao thông (chiếm 98.1%). Các lỗi phổ biến gồm: Lấn đường, đi sai làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ; không chú ý quan sát; tránh, vượt sai quy định; sử dụng rượu bia; vi phạm quy trình, thao tác xe. Có thể thấy, ý thức chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông hiện nay còn thấp (xem phụ lục 8).
2.2.1.3. Vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra thường xuyên. Các vi phạm chủ yếu: vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như lấn, chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trái phép để buôn
bán hoặc nơi trông giữ xe, vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ, dừng, đỗ phương tiện trên lòng đường, đua xe,....
Từ năm 2013 đến năm 2018 qua công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng: Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an xã, lực lượng tự quản an toàn giao thông tham gia tuần tra kiểm soát và lực lượng kiểm soát quân sự đã phát hiện 654.898 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 192,117 trường hợp và xử lý 462.781 trường hợp với tổng số tiền là 234.701 tỷ (xem phụ lục 9).
2.2.2. Thực trạng quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai