thành công chức từ cấp huyện trở lên
Cán bộ cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức khi thôi giữ chức vụ theo nhiệm kỳ và công chức cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức (gồm 07 chức danh: Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội) được xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên trong trường hợp có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định.
Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý.
Qua thanh tra cho thấy, phần lớn các cơ quan, tổ chức đã thực hiện tương đối tốt việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tuyển dụng được những công chức có chất lượng cho các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên. Tuy nhiên, việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên đối với một số trường hợp chưa đúng trình tự, thủ tục, chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Tại các tỉnh Cần Thơ, Lâm Đồng, việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên vẫn có trường hợp tại thời điểm có quyết định xét chuyển chưa có đủ các tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức tương ứng, chưa có đủ 60 tháng công tác trở lên là không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
Một số hồ sơ của cán bộ, công chức cấp xã được chuyển thành công chức cấp huyện trở lên tại các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng còn thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B, tin học là thực hiện không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tây Ninh chưa thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với các trường hợp xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện theo quy định; việc xét chuyển còn kéo dài.
Tại tỉnh Tây Ninh có 03 trường hợp, tỉnh Quảng Bình có 30 trường hợp xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xét tuyển, chưa phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng quy định tại Điều 25 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
Một số cán bộ, công chức cấp xã được xét chuyển thành thành công chức từ cấp huyện trở lên tại tỉnh Tây Ninh, Bến Tre chưa có lý lịch tư pháp đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 13/2010/TT-BNV.
Hạn chế phổ biến nhất trong xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên là các trường hợp xét chuyển không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện, thời gian công tác để xét chuyển; hồ sơ xét chuyển không đầy đủ. Có 13/85 cơ quan, đơn vị thực hiện không đúng quy định về các nội dung này, chiếm 15,3%.
Sau thanh tra, các cơ quan, đơn vị đã bổ sung hoàn thiện đối với các trường hợp chưa có lý lịch tư pháp đầy đủ theo quy định.
công chức trong cơ quan nhà nước của Bộ Nội vụ
2.3.1. Những kết quả đạt được
Thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước do Thanh tra Bộ Nội vụ thực hiện trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào giám sát, đánh giá hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước. Việc Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định quy trình, nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức là cơ sở quan trọng để Thanh tra Bộ Nội vụ xem xét, đánh giá hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước trong những năm vừa qua, giúp các cơ quan nhà nước bảo đảm chất lượng tuyển dụng công chức, góp phần phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, đảm bảo quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân.
Những phát hiện, kết luận và kiến nghị của các đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong các cơ quan nhà nước. Nội dung thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức đã bám sát vào những vấn dễ xảy ra sai phạm trong hoạt động tuyển dụng công chức.
Với sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên của lãnh đạo Bộ Nội vụ, sự cố gắng của lãnh đạo và công chức thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước của Bộ Nội vụ trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả sau:
Một là, nhìn chung Thanh tra Bộ Nội vụ đã thực hiện nghiêm túc quy trình
thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị thanh tra; tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra. Trước khi ra quyết định thanh tra, Thanh tra Bộ đã khảo sát, nắm tình hình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Trên cơ sở kết quả khảo sát, nắm tình
hình Thanh tra Bộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kế hoạch thanh tra.
Hai là, trong quá trình thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong
cơ quan nhà nước, Thanh tra Bộ đã thực hiện đầy đủ các nội dung thanh tra: thanh tra về căn cứ tuyển dụng, điều kiện dự tuyển, thẩm quyền tuyển dụng công chức; việc tổ chức thi tuyển công chức; xét tuyển công chức; trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức; việc thực hiện chế độ tập sự; việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên.
Ba là, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và
công chức Thanh tra Bộ luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, trung thực và cẩn trọng trong quá trình thanh tra, không để xảy ra những sai phạm trong quá trình thanh tra và kết luận thanh tra. Không có cán bộ thanh tra nào vi phạm các quy định về nghiệp vụ và kỷ luật thanh tra.
Bốn là,thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước
đã đạt được một số kết quả trong việc xem xét, phát hiện và kiến nghị với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức; xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý công chức và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong hoạt động tuyển dụng công chức. Một số cơ quan, đơn vị, cá nhân đã bị xem xét xử lý trách nhiệm vì có sai phạm trong hoạt động tuyển dụng công chức đồng thời đã thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi các quyết định tuyển dụng công chức không đúng quy định.
Năm là, qua công tác giám sát việc thực hiện chức năng thanh tra hoạt
động tuyển dụng công chức trong những năm vừa qua chưa phát hiện các trường hợp vi phạm từ các Đoàn thanh tra. Các ý kiến phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra đều cho thấy các Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm được giao, không ảnh
hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về công tác thanh tra.
Từ năm 2010 đến nay, không có khiếu nại liên quan đến hoạt động thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước của Thanh tra Bộ Nội vụ. Chỉ có ý kiến trao đổi của đối tượng thanh tra liên quan đến việc chưa thống nhất với nội dung kết luận thanh tra của đoàn thanh tra.
Sáu là, đa số công chức Thanh tra Bộ Nội vụ đã chấp hành nghiêm túc
các quy định pháp luật trong thực thi công vụ, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như 5 điều kỷ luật ngành và chuẩn mực đạo đức của công chức ngành thanh tra.
2.3.2. Những hạn chế, bất cập
Từ thực tiễn thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước của Thanh tra Bộ Nội vụ trong những năm vừa qua cho thấy hoạt động thanh tra tuyển dụng công chức vẫn còn những hạn chế, bất cập sau:
Một là, một vài cuộc thanh tra chưa làm tốt các yêu cầu trong giai đoạn
chuẩn bị thanh tra. Công tác khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra chưa được quan tâm đúng mức; việc thu thập tài liệu còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm.
Hai là, khi tiến hành thanh tra các đoàn thanh tra chưa tận dụng tốt thời
gian để thảo luận đề cương, kế hoạch thanh tra, bàn các biện pháp tiến hành thanh tra và phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ thanh tra. Khi thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp quá nhiều thông tin, có những thông tin không có liên quan đến nội dung thanh tra, gây khó khăn cho cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra. Có cán bộ thanh tra còn chưa nhìn nhận đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, chưa có tinh thần hợp tác với cơ quan, cán bộ, công chức được thanh tra.
trong quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra; quy định báo cáo việc thực hiện tiến độ thanh tra chưa được thực hiện nghiêm túc, kể cả trong nội bộ đoàn thanh tra và giữa đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra.
Bốn là, vẫn còn việc ban hành kết luận thanh tra chậm so với quy định tại
Luật Thanh tra và Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ (15 ngày sau khi ban hành quyết định thanh tra). Riêng năm 2018 có 04 kết luận thanh tra chậm so với thời gian quy định. Một số kết luận thanh tra còn chung chung, không nêu cụ thể được mức độ sai phạm, chưa chỉ rõ căn cứ và nguyên nhân của các sai phạm và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan; chưa chú trọng đến việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng công chức. Một số kết luận, kiến nghị thanh tra chưa được các cơ quan nhà nước nghiêm chỉnh thực hiện. Hình thức các bản kết luận thanh tra cũng không thống nhất về bố cục, nội dung, kết luận, kiến nghị xử lý các sai phạm.
Năm là, nhận thức của một số cán bộ, công chức về ý nghĩa và tầm quan
trọng của công tác giám sát hoạt động thanh tra tuyển dụng công chức còn chưa đúng. Hoạt động giám sát hoạt động thanh tra tuyển dụng công chức còn thiếu cụ thể, trình tự, thủ tục giám sát chưa thống nhất.
Sáu là,Thanh tra Bộ Nội vụ chưa thực sự kiên quyết trong việc sử dụng
thẩm quyền của mình đối với các vi phạm đã được phát hiện trong hoạt động thanh tra tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện một số sai phạm trong việc bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng sau khi có báo cáo kết quả thi tuyển; những sai phạm trong khâu ra đề, bảo mật đề thi, chấm thi; tiếp nhận không qua thi tuyển đối với một số trường hợp chưa đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn; không lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ và báo cáo kết quả tuyển dụng về Bộ Nội vụ theo quy định. Đối với những sai phạm cần phải kiến nghị kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm của cơ
quan, cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện không đúng quy định pháp luật về tuyển dụng công chức; hoặc có biện pháp cụ thể để khắc phục những sai phạm. Tuy nhiên, việc này làm chưa được nhiều và không hiệu quả. Các kiến nghị thể hiện kiên quyết trong việc xử lý mới được thực hiện từ cuối năm 2017 (sau khi có các Thông báo, Hướng dẫn của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác cán bộ).
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
Những hạn chế, bất cập trong thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất,trong quá trình thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong
cơ quan nhà nước, công chức Thanh tra Bộ chưa thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc, quy trình thanh tra tuyển dụng công chức, chưa có ý thức không ngừng rèn luyện tu dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Một bộ phận cán bộ, công chức trong Thanh tra Bộ chưa thật sự nhiệt tình, sáng tạo và thể hiện sự chuyên nghiệp.
Thứ hai,sự phối hợp trong quá trình thanh tra giữa Thanh tra Bộ Nội vụ
với các cơ quan nhà nước là đối tượng thanh tra còn chưa chặt chẽ và hiệu quả. Một số cơ quan nhà nước chưa chấp hành đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của mình, không cung cấp đầy đủ và kịp thời các số liệu và tài liệu có liên quan; không có ý kiến kịp thời vào kết luận thanh tra. Sự phối hợp giữa Thanh tra Bộ với các cơ quan nhà nước trong xây dựng và công bố kết luận thanh tra trong một số trường hợp cũng chưa tốt.
Thứ ba,Thanh tra Bộ Nội vụ chưa có nhiều thẩm quyền để giám sát các cơ
quan nhà nước và cán bộ, công chức thực hiện các kết luận thanh tra. Mặc dù thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức của Thanh tra Bộ Nội vụ đã phát hiện một số sai phạm trong hoạt động tuyển dụng công chức của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhưng việc xử lý các vi phạm trong hoạt động
này còn ít, chưa đủ mạnh, không có tính răn đe.
Thứ tư, do thanh tra tuyển dụng công chức nhiều nội dung, quy trình, thủ
tục nên Thanh tra Bộ chưa có điều kiện đi sâu xem xét một cách kỹ lưỡng, cụ thể tất cả các nội dung cần thanh tra. Các đoàn thanh tra có số lượng thành viên ít, thời gian thanh tra thường ngắn cũng ảnh hưởng đến chất lượng thanh tra (tối thiểu 02 tuần, đối đa hơn 04 tuần làm việc để thanh tra 01 bộ, ngành hoặc 1 tỉnh, trong khi thanh tra nhiều nội dung khác nhau).
Thứ năm, tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ hiện nay còn có những
hạn chế, bất cập. Thanh tra Bộ chưa bảo đảm tính độc lập tương đối trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thanh tra công vụ nói chung, thanh tra tuyển dụng công chức nói riêng. Hiện chưa có cơ chế buộc đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm chỉnh kết luận thanh tra trong hoạt động tuyển dụng công chức.
Tiểu kết chương 2
Trong chương 2 học viên đã trình bày khái quát về Thanh tra Bộ Nội vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ; cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Thanh tra Bộ Nội vụ. Trên cơ sở nghiên cứu các kết luận thanh tra tại 85 Bộ,ngành và các địa phương và thực tiễn thanh tra hoạt động tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước trong 10 năm (2010 - 2019), học viên đã phân tích thực trạng thanh tra hoạt động