thẩm quyền tuyển dụng công chức
2.2.1.1. Căn cứ tuyển dụng công chức
Theo Điều 3 Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ, khi tuyển dụng công chức phải có các căn cứ sau:
- Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng công chức.
- Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng công chức.
- Hàng năm, cơ quan sử dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, báo cáo cơ quan quản lý công chức để phê duyệt và tổ chức tuyển dụng công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua các cuộc thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ liên quan đến tuyển dụng công chức tại 24 Bộ, cơ quan, tổ chức và 61 tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương cho thấy, một số cơ quan, đơn vị khi tuyển dụng công chức chưa đối chiếu với các căn cứ hoặc thực hiện nhưng chưa đảm bảo yêu cầu, trong đó có các tỉnh Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Tây ninh, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông. Số đơn vị thực hiện đầy đủ các căn cứ tuyển dụng công chức là 67/85, chiếm 78,8%.
2.2.1.2. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức. Cơ quan sử dụng công chức có thể xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng. Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức quy định, những người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. - Đủ 18 tuổi trở lên.
- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng. - Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp. - Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. - Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.
- Có các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Qua thanh tra, phần lớn các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt về điều kiện tuyển dụng công chức, đề ra các tiêu chuẩn tuyển dụng.Tuy nhiên vẫn còn một số cơ quan, đơn vị khi thông báo công khai còn thiếu các điều kiện theo quy định. Một số cơ quan, đơn vị khi xây dựng căn cứ tuyển dụng công chức còn chưa xác định, mô tả vị trí việc làm đối với vị trí dự tuyển; quy định các điều kiện khác chưa phù hợp với quy định, như phải có bằng đại học chính
quy, quy định có kinh nghiệm công tác.Trong kỳ thi tuyển công chức năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Tây Ninh quy định thêm điều kiện dự tuyển đối với người dự tuyển không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh là không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức. Có đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu của vị trí tuyển dụng chưa phù hợp với Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; bổ sung điều kiện dự thi nhưng không báo cáo Bộ xem xét, phê duyệt hoặc có hồ sơ dự thi không đáp ứng đầy đủ tiêu chí quy định nhưng vẫn được Hội đồng thi tuyển đánh giá đạt tiêu chuẩn để được dự thi.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Tây Ninh quy định điều kiện đăng ký dự tuyển và phê duyệt nhu cầu tuyển dụng của một số vị trí việc làm yêu cầu chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Số các cơ quan, đơn vị thực hiện không đúng quy định về điều kiện đăng ký tuyển dụng công chức không nhiều, gồm 05 đơn vị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tây Ninh, Khánh Hòa, chiếm khoảng 5 %.
2.2.1.3. Thẩm quyền trong tuyển dụng công chức
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2018 và các văn bản hướng dẫn, thẩm quyền tuyển dụng công chức trong các cơ quan nhà nước gồm các cơ quan sau:
a) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;
c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
Các cơ quan, đơn vị được thanh tra đều thực hiện đúng thẩm quyền tuyển dụng công chức theo quy định tại Điều 6 Nghị định 24/2010/NĐ-CP và Thông tư 13/2010/TT-BNV. Các cơ quan, đơn vị được phân cấp tuyển dụng công chức đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt theo quy định.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, quy định cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức trong các cơ quan nhà nước bao gồm:
a) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;
c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định thêm thẩm quyền tuyển dụng công chức trong các cơ quan nhà nước cho tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
2.2.1.4. Thành lập Hội đồng thi tuyển, xét tuyển công chức
có thẩm quyền tuyển dụng quyết định việc thành lập Hội đồng thi tuyển khi tổ chức thi tuyển và Hội đồng xét tuyển khi tổ chức xét tuyển.Trường hợp không thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức (dưới 30 thí sinh), bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức giúp người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thực hiện việc tuyển dụng công chức theo quy định.
Khi thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức một số cơ quan, đơn vị ban hành quyết định thành lập nhưng không đúng thành phần, số lượng thành viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP là 05 - 07 thành viên(Hội đồng thi tuyển công chức năm 2014 ở Tây Ninh có 09 thành viên; Bình Dương: 10 thành viên; Đồng Tháp: 06 thành viên; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 10 thành viên;). Hội đồng thi tuyển công chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Y tế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập trước khi hết thời hạn nhận hồ sơ tuyển dụnglà không đúng quy định Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 13/2010/TT-BNV. Hội đồng tuyển dụng công chức tại Bộ Y tế năm 2014 không có Phó Chủ tịch Hội đồng là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2010/NĐ-CP.
Ở một số cơ quan, đơn vị bố trí Trưởng Ban phúc khảo đồng thời làm Trưởng Ban chấm thi (Kiên Giang); thành viên Ban coi thi đồng thời là thành viên Ban chấm thi (Hà Tĩnh). Tại Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, thành viên Ban phúc khảo cũng là thành viên Ban chấm thi.