Mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền xã từ thực tiễn huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 35 - 39)

Theo Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định về bản chất Nhà nước và cách thức tổ chức quyền lực: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2.Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

Bộ máy nhà nước ta hiện nay được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hơn nữa để tổ chức quyền lực Nhà nước tại địa phương, Nhà nước ta cũng như mọi quốc gia khác đều phân chia lãnh thổ ra các đơn vị hành chính và tổ chức cơ quan quản lý ở đó để bảo đảm mối liên hệ giữa Trung ương và địa phương, thực hiện chính sách của Nhà nước tại địa phương và quản lý địa phương. Đó cũng là lí do có mối quan hệ chặt chẽ giữa HĐND và UBND - cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Mối quan hệ giữa HĐND và UBND đã được hình thành, phát triển và hoàn thiện qua từng bản hiến pháp. Trong đó quan hệ giữa HĐND và UBND được hình thành trong các lĩnh vực về tổ chức, quá trình hình thành, trong các

hoạt động giám sát, quyết định và thi hành các vấn đề quan trọng ở địa phương. Sự vận hành nhịp nhàng, đồng bộ của bộ máy nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực mà nhân dân trao cho nhà nước được thống nhất và xuyên suốt trong quá trình điều hành và quản lý.

Xuất phát từ Điều 113 Hiến Pháp 2013 quy định: “ 1. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. 2. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.”; Điều 114 Hiến Pháp 2013 quy định: “1.Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. 2. Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.”; Tại Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Điều 8 quy định về Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Trên cơ sở các căn cứ đó Điều 30 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về Chính quyền địa phương ở xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã. Trong đó Hội đồng nhân dân xã gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã bầu ra

[Điều 32, 43]. UBND xã do HĐND xã bầu ra và chấp hành nghị quyết của HĐND xã.

Từ các căn cứ pháp lý đó có thể thấy mối quan hệ giữa UBND xã và HĐND xã trong các phương diện sau:

Thứ nhất, trong cách thức tổ chức

Chính quyền địa phương ở nông thôn bao gồm HĐND và UBND đều được tổ chức ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó HĐND là cơ quan đại diện quyền lực Nhà nước của nhân dân trên địa bàn lãnh thổ – được coi là một bộ phận hợp thành quyền lực Nhà nước chung của toàn quốc. UBND cũng không phải là một cơ quan hành chính của cấp trên đặt ra ở địa phương mà là một cơ quan do chính HĐND thành lập và trực thuộc HĐND với nhiệm vụ chính là

chấp hành” HĐND, đồng thời được giao thực hiện các nhiệm vụ quản lý

hành chính Nhà nước ở địa phương. Vậy cả hai cơ quan này đều thuộc cơ cấu chính quyền địa phương thống nhất, cùng có chức năng quản lý địa phương theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì HĐND và UBND được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. Như vậy, HĐND và UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa... Có thể thấy mối quan hệ giữa HĐND xã và UBND xã là quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung nhằm đạt được những mục tiêu thống nhất đặt ra trước nhà nước.

Thứ hai, trong cách thức thành lập

Cùng với thẩm quyền thành lập ra UBND xã thì HĐND xã cũng có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh lãnh đạo như Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban và Ủy viên của UBND xã căn cứ vào kết quả giám sát theo

Điều 83, Điều 84, Khoản 3, Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Đồng thời HĐND xã có quyền lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh và người giữ chức vụ lãnh đạo của UBND xã theo Điều 88, Điều 89 và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên trong UBND xã theo Khoản 6 Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015

Thứ ba, trong phối hợp hoạt động

Chính vì mối quan hệ đặc biệt của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong cách thức thành lập nên hoạt động của hai cơ quan này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau, thể hiện như sau:

HĐND xã có quyền giám sát đối với hoạt động của UBND xã cùng cấp theo Khoản 5, Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015: HĐND xã giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân cùng cấp; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp. HĐND xã bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND xã và Chủ tịch UBND xã theo Khoản 8, Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

Thông qua hoạt động phối hợp công tác giữa Ban của HĐND xã cử thành viên tham gia hoạt động của Thường trực HĐND xã theo yêu cầu của Thường trực HĐND [Khoản 4, Điều 110, 43]

UBND xã là cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND xã, biến các quy định trong nghị quyết đó thành hiện thực. Trong các kì họp HĐND thảo luận và quyết định các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... ở địa phương. Với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở xã, UBND xã chấp hành các nghị quyết của HĐND cùng cấp, căn cứ vào các nghị quyết đó UBND xã tiến hành họp, bàn bạc ra Quyết định, Chỉ thị và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó để các chủ trương của HĐND xã đi vào thực tế cuộc sống. Các văn bản của UBND xã ban hành không được trái với

Nghị quyết của HĐND cùng cấp và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Từ phía UBND xã trong quá trình hoạt động có quyền xây dựng các đề án trình HĐND xã xem xét như các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách hàng năm và quỹ dự trữ của địa phương; các kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm ở địa phương, kế hoạch huy động nhân lực tài chính để giải quyết các vấn đề cấp bách ở địa phương, từ đó HĐND xã xem xét và đưa ra các nghị quyết thực hiện.

Ủy ban nhân dân xã còn phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân xã và các Ban của Hội đồng nhân dân xã cùng cấp chuẩn bị nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân, xây dựng đề án trình Hội đồng nhân dân xã xem xét

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền xã từ thực tiễn huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)