Những kết quả đạt được và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền xã từ thực tiễn huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 77 - 79)

Trong thời gian qua, nhận thức được tầm của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền xã ở 22 địa phương đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để chủ động tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần tích cực cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh của người dân, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề xã hội khác ở nông thôn.

Chính quyền nhiều xã cùng với ngành dân số chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình nhằm nâng cao chất lượng dân số, thông qua nhiều hình thức hoạt động, như tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh,... Mạng lưới y tế cơ sở được hình thành và phát triển đến tận thôn, làng, bản, với đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn được xây dựng mới, nhiều điểm trường được mở thêm ở các thôn, bản, góp phần làm giảm tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở nhiều xã trên địa bàn huyện, chính quyền xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người nông dân, cung cấp dịch vụ gắn với bình đẳng giới trong các hộ gia đình nông thôn; thực hiện các chính sách dân tộc, như định canh, định cư, phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ hình thành các mô hình

kinh tế mới, như trang trại, làng sinh thái, làng nghề, làng nông nghiệp công nghệ cao..., thúc đẩy sự biến đổi về cơ cấu xã hội, liên kết xã hội ở nông thôn.

Chính quyền các xã tích cực tham gia xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, chính quyền nhiều xã đã thực hiện việc công khai kịp thời các nội dung theo quy định, như tình hình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; lấy ý kiến của nhân dân về việc triển khai các chương trình, quy hoạch sử dụng đất đai, chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được cấp ủy, chính quyền nhiều xã thực hiện theo luật định. Một số địa phương chú trọng phát huy sáng kiến và tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc quản lý xã hội và cộng đồng.

Chính quyền xã ở nhiều nơi tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trấn áp hoạt động của tội phạm ma túy, ngăn chặn “đầu vào” của đối tượng nghiện, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa nhằm từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy ngay từ cơ sở. Nhiều địa phương xây dựng được những mô hình, phong trào thu hút đông đảo nhân dân tham gia, như “Quần chúng đấu tranh, tố giác tội phạm về ma túy”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Ba không, ba có, ba giảm”, “Xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học, doanh nghiệp không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, “Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng”.

những thành tựu đáng khích lệ đó là do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có thể kể đến:

- Do nhận thức được vị trí vai trò của chính quyền cấp xã là một tế bào quan trọng cấu thành đất nước, là nơi tổ chức thực hiện thắng lợi mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Các cấp ủy Đảng huyện Phúc Thọ từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Coi trọng bố trí trong bộ máy chính quyền cấp xã hoạt động có hiệu quả.

- Phong trào xây dựng chính quyền cấp xã vững mạnh được cấp ủy Đảng cơ sở trực tiếp lãnh đạo gắn với việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh và được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia tích cực.

- Trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển, chính quyền cấp xã đã có những biện pháp tích cực trong việc đảm bảo ngân sách vật tư, tiền vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

- Bản thân các cán bộ xã đã có nhiều cố gắng rèn luyện tu dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt, củng cố đoàn kết, khắc phục khó khăn.

- Tổ chức xóm từng bước được củng cố hoàn thiện, tuy không phải là cấp hành chính, không có chính quyền nhưng thực sự là cánh tay vươn dài đắc lực của UBND xã đến nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền xã từ thực tiễn huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 77 - 79)