Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền xã từ thực tiễn huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 79 - 84)

Việc tổ chức và hoạt động của chính quyền xã ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội còn tồn tại một số mặt hạn chế, thiếu sót và bất hợp lý như sau:

- Việc bố trí sử dụng các cán bộ chuyên môn còn nhiều tùy tiện, chưa dựa trên những tiêu chuẩn, căn cứ khách quan, chưa thực sự xuất phát và đáp ứng theo yêu cầu của nhiệm vụ. Do ranh giới công việc giữa ủy viên UBND với các chức danh chuyên môn chưa rõ, vai trò trách nhiệm của ủy viên UBND nói chung không được thể hiện cụ thể.

Đội ngũ cán bộ xã ngày càng đông. Nếu tính tất cả những người có quan hệ đến công việc chung của xã, thôn, được hưởng sinh hoạt phí hoặc các

khoản phụ cấp do ngân sách chi trả thì bình quân 1 xã vào khoảng trên dưới 100 người, bao gồm cán bộ chủ chốt của Đảng, đoàn thể ở xã, đại biểu HĐND, thành viên UBND, các chức danh chuyên môn của UBND, trưởng xóm, công an viên, bí thư chi bộ xóm, giáo viên mầm non, cán bộ y tế, bưu tá, cán bộ khuyên nông, giao thông thủy lợi, văn hóa thông tin... Hiện nay xu hướng tăng thêm cán bộ xã được hưởng các khoản phụ cấp ngày càng phổ biến và đang là vấn đề đáng quan tâm.

- Hoạt động quản lý hành chính của UBND xã còn nhiều yếu kém tùy tiện, ở một số nơi còn có biểu hiện chưa thực sự dựa vào pháp luật mà còn nặng về tập quán, thói quen, tình cảm đạo đức...

Một số nơi UBND có xu hướng đẩy việc xuống cho trưởng xóm, thôn tự biến thành cấp trung gian, làm cho các trưởng xóm phải làm quá sức, quá nhiều việc vốn là của UBND xã (thu thuế, tuyên truyền pháp luật, văn hóa thông tin...).

- Trình độ kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước của các đại biểu HĐND còn hạn chế, phương tiện và điều kiện làm việc của HĐND chưa được quan tâm đúng mức.

- HĐND chưa thực sự trở thành cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương trong việc xem xét quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của xã, chất lượng hoạt động chưa cao, còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả giám sát còn hạn chế, việc giảm sát của HĐND mới được thực hiện chủ yếu thông qua các kỳ họp.

- Lề lối làm việc của UBND còn mang nặng tính chất hành chính quan liêu, không sát thực tế.

- Quản lý lãnh thổ đất đai và vốn đầu tư cho các công trình chưa chặt chẽ, tính trạng lãng phí, cấp đất, bán đất trái phép, không đúng thẩm quyền xảy ra ở một số nơi.

- Quản lý tài chính còn tùy tiện, không tuân thủ đúng quy định của Nhà nước. - Công tác tiếp dân còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, lãnh đạo

còn né tránh đùn đẩy khi tiếp xúc với những vụ khiếu nại phức tạp.

- Đội ngũ cán bộ cấp xã đông nhưng không mạnh, chất lượng hoạt động hiệu lực hiệu quả quản lý thấp.

Còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trên là do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của chính quyền xã đối với quản lý phát triển xã hội. Trong đó, ba yếu tố: nhận thức và năng lực của cán bộ, công chức cấp xã; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã và kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có tỷ lệ khá cao. Tiếp đến là các yếu tố khác như: mức sống của người dân; phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân; vai trò của người có uy tín, trưởng thôn, xóm; quan hệ dòng họ, gia đình.

Bên cạnh đó kết cấu hạ tầng ở nông thôn, như giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, hệ thống trường học..., nhất là ở khu vực nông thôn vẫn có nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Nhiều xã chưa có quy hoạch đồng bộ và chưa có mô hình quản lý thống nhất về mạng lưới giao thông nông thôn, dẫn đến việc đầu tư còn tự phát, chưa có tính định hướng, gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này.

Việc đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn chưa gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chất lượng lao động trong khu vực nông nghiệp ngày càng giảm sút.

Chất lượng chăm sóc y tế ở các xã còn thấp. Chi phí cho y tế của hộ nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương vượt quá khả năng tài chính của họ. Y tế cộng đồng bao gồm các biện pháp thúc đẩy lối sống lành mạnh, bảo vệ môi trường trong sạch, phát triển y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu,... chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.

Chính quyền một số xã chưa chú trọng xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, chưa tập trung củng cố, kiện toàn và tăng cường về tổ chức và hoạt động của các lực lượng nòng cốt trong bảo đảm an

ninh, trật tự, như hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự cấp xã, ban bảo vệ thôn, xóm, đội dân phòng, tổ tự quản,... trên địa bàn. Do đó, tội phạm ở nông thôn có chiều hướng gia tăng. Tai nạn giao thông, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, tình trạng bạo hành gia đình ở nông thôn còn diễn biến phức tạp. Tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều xã còn có biểu hiện phức tạp.

Trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nhiều chính quyền xã mới chỉ thực hiện tốt nội dung “cần thông báo cho nhân dân được biết”, còn những nội dung khác, như đưa vấn đề ra thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân; nhân dân có quyền quyết định hay giám sát, kiểm tra việc giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương... chưa được quan tâm tổ chức triển khai.

Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, kể cả ở một số xã đã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Hầu hết nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, chăn nuôi, sản xuất tiểu, thủ công nghiệp,... đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối; quy hoạch và xây dựng chợ không gắn với việc xử lý rác thải.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó là:

- Việc nhận thức vai trò, nhiệm vụ của bộ máy chính quyền còn chưa đủ rõ, chưa đạt được sự thống nhất cao.

- Mặc dù những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương giải pháp tích cực để củng cố kiện toàn cán bộ xã nhưng giải pháp còn tính chắp vá, xử lý tình huống thiếu tính tổng thể đồng bộ lâu dài.

- Chưa chủ động tích cực trong công tác chuẩn bị nguồn cho cán bộ xã. - Cán bộ cấp cơ sở do cơ chế bầu cử mà hình thành nên sau mỗi nhiệm kỳ nếu không trúng lại trở về lao động sản xuất, gây cho cán bộ tâm lý coi công tác xã là hoạt động nghiệp dư và không đầu tư cao.

- Tác động của nền kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, đời sống cán bộ. Nhiều người có vốn, có năng lực, kinh nghiệm không thích tham gia vào công tác chính quyền mà thích đi theo con đường sản xuất kinh doanh.

Tiểu kết chương 2

Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, sự phối hợp chặt chẽ của UBND xã, Ủy ban MTTQ, các phòng, ban, ngành chuyên môn, cử tri và nhân dân, HĐND xã đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Các hoạt động giám sát được tăng cường, thực hiện bài bản, trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả tốt. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, chuẩn bị, tổ chức kỳ họp hội nghị... được đổi mới nâng cao chất lượng. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đôn đốc giải quyết đơn thư được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác phối hợp giữa thường trực HĐND xã với UBND xã, Ủy ban MTTQ xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan được tăng cường, chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Kết quả hoạt động trên đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình hình an ninh chính trị xã hội được ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế nên việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, các ban, thường trực HĐND xã còn gặp phải một số khó khăn hạn chế. Đó là phối hợp giám sát, khảo sát của các ban HĐND có nội dung còn chưa khoa học, giám sát chuyên đề còn ít.

CHƯƠNG 3

PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN XÃ – TỪ THỰC TIỄN

HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của chính quyền xã từ thực tiễn huyện phúc thọ, thành phố hà nội (Trang 79 - 84)