Quan niệm về Chính phủ kiến tạo, liêm chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua lê thánh tông và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay (Trang 26 - 31)

Chính phủ kiến tạo, liêm chính là một thuật ngữ có nội hàm rộng và phức tạp, điều này xuất phát từ chính sự đa dạng trong hoạt động quản lý của Chính phủ. Làm rõ Chính phủ kiến tạo, liêm chính về phương diện lý luận có thể căn cứ vào một số cách tiếp cận như sau:

Chính phủ kiến tạo, liêm chính có thể có nguồn gốc từ sự hình thành của Nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental state/ Developmental government) do Chalmers Johnson đề cập từ những năm 1980 với nội hàm gắn là những nội dung, hành động hướng đến việc xây dựng một Nhà nước trong bối cảnh mới của thế giới. Khi đưa ra lý thuyết này, các quốc gia như

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tìm kiếm một phương thức quản lý kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể, thu hút nguồn lực của xã hội, phục vụ cho sự phát triển kinh tế. Theo nghĩa này, một Chính phủ kiến tạo, liêm chính có những đặc điểm là: Bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả; Nhà nước, Chính phủ có biện pháp thích hợp can thiệp và điều tiết nền kinh tế; Một Chính phủ “mạnh”, quy tắc quản lý, quản trị ổn định, khuôn phép và đặc biệt là “sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư” [13; tr.10].

Chính phủ kiến tạo, liêm chính có thể bắt nguồn như là một trong số những tiêu chí để đánh giá quản trị nhà nước tốt (Good Governance) [62]. Theo đó, lý thuyết về quản trị nhà nước tốt do Ủy ban Kinh tế và xã hội đối với Châu Á và Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đưa ra 8 tiêu chí đánh giá như sau: Quản lý theo các quy định của pháp luật; đảm bảo tính minh bạch; tính thích ứng linh hoạt đối với sự thay đổi; đảm bảo sự định hướng và đồng thuận; bình đẳng và công bằng; hiệu lực và hiệu quả; trách nhiệm báo cáo, giải trình; đảm bảo sự tham gia của các chủ thể trong xã hội. Có thể nhận thấy rằng, Chính phủ kiến tạo, liêm chính không nằm ngoài việc đạt được những tiêu chí đánh giá nêu trên của lý thuyết về quản trị nhà nước tốt. Những tiêu chí trên về cơ bản tương đồng với những định hướng mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra về Chính phủ kiến tạo, liêm chính ở Việt Nam. Đó là:

Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Thứ hai, là Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm.

Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.

Thứ ba, theo Thủ tướng, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Thứ tư là Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử… Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Như trên tôi đã nêu, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng cùng với đường lối, chính sách của Đảng để chủ động tốt hơn, chứ không phải rơi vào thế bị động” [48].

Có tác giả cho rằng, Chính phủ kiến tạo, liêm chính đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước. Theo đó, ngay từ những ngày thành lập Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm hết sức tiến bộ và nhân văn về vai trò và trách nhiệm của Chính phủ. Cũng ngay từ thời điểm ấy, Người đã phê phán việc lợi dụng chức quyền biến việc công thành việc tư, dùng người nhà mà gạt đi hiền tài trong bộ máy Nhà nước. Khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính, đó chính là sự kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào Chính phủ sẽ hành động vì dân, vì quyền lợi và cuộc sống của dân, cho nên dựa vào dân, có sự giúp đỡ ủng hộ

của dân thì chúng ta sẽ nhất định vượt qua được những khó khăn và thực hiện được mục đích cao cả mà Chính phủ đã đề ra. Bác đã viết tác phẩm có tên: “Sửa đổi lề lối làm việc”, thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên khi Đảng đã nắm quyền, trong đó Người phê phán những căn bệnh như chủ nghĩa cá nhân, không có đạo đức cách mạng trong sáng, thiếu kiến thức nhưng coi thường việc học hành, bệnh địa phương cục bộ, bệnh nói nhiều làm ít. Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính thì phải vừa xây dựng, tạo cơ hội, tạo môi trường làm ăn, kinh doanh tốt cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp đồng thời phải quyết liệt chống tham nhũng. Liêm chính là chống bằng được tham nhũng - căn bệnh đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chống được tham nhũng thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh, nhân dân mới thụ hưởng được lợi ích chính đáng của mình [2].

Từ những cách tiếp cận nêu trên về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, trong công trình nghiên cứu này hiểu: Chính phủ kiến tạo, liêm chính là một mô hình có tính hệ thống, chủ động trong việc tạo lập hệ sinh thái, điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý các ngành, lĩnh vực, đồng thời bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước liêm khiết, chính trực, công bằng trong thực thi công vụ.

Có thể nhận diện Chính phủ kiến tạo, liêm chính ở Việt Nam qua các đặc điểm sau:

- Nhà nước/Chính phủ chuyển đổi vai trò từ trực tiếp thực hiện sang quản lý mang tầm vĩ mô, định hướng, hay còn gọi là từ vai trò “chèo thuyền” sang “lái thuyền”: Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển giúp cho gánh nặng quản lý của Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng được giảm tải rất nhiều. Điều đó đặt ra yêu cầu Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quản lý vĩ mô thay vì trực tiếp thực hiện mọi hoạt động quản lý. Thay vì chờ đợi yêu cầu từ

phía doanh nghiệp, người dân, Chính phủ phải là người chủ động đề xướng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như xử lý nghiêm minh các sai phạm.

- Chính phủ chú trọng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước: Nền hành chính hiện đại, bên cạnh tính hiệu lực thì hiệu quả luôn là một trong số những tiêu chí được đề cao. Hiệu quả quản lý hành chính nhà nước có thể đánh giá dựa trên sự so sánh về chi phí, công sức Chính phủ, chính quyền các cấp bỏ ra so với kết quả đem lại. Rõ ràng, một Chính phủ trong bối cảnh hiện đại ở thế kỷ XXI phải nỗ lực loại bỏ những yếu tố mang tính “hành chính hóa” mà hoạt động một cách năng động, mạnh mẽ, hiệu quả cao. Tính hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước là yêu cầu tiên quyết để phát triển bền vững Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

- Chính phủ được vận hành bởi bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt, đội ngũ nhân sự năng động, hiện đại: Chính phủ trong thời kỳ mới tất yếu phải là một Chính phủ hành động. Nếu muốn hoạch định, thực thi cũng như đánh giá chính xác, nhanh chóng kết quả quản lý hành chính nhà nước thì rõ ràng Chính phủ phải thiết lập cho mình một bộ máy vừa tinh gọn nhưng vẫn đầy đủ, hiệu quả. Trong đó, hạt nhân quan trọng nhất để vận hành Chính phủ là đội ngũ cán bộ, công chức hiện đại, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhanh nhẹn, linh hoạt, năng động trong quá trình xử lý công việc.

- Chính phủ kiến tạo, liêm chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp: đây là sự đổi mới về tư duy quản lý nhằm xây dựng một Chính phủ lắng nghe, tiếp xúc nhiều hơn với xã hội. Một Chính phủ của thời kỳ mới không những làm tốt công tác quản lý mà còn hành động nhiều hơn để phục vụ, cung ứng các dịch vụ công chất lượng cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ kiến tạo, liêm chính là Chính phủ dám nghĩ, dám làm, dám chịu

trách nhiệm về những quyết sách, quy định đề ra; cán bộ, công chức cởi mở, thân thận trong xử lý công vụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua lê thánh tông và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)