Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗; 25 tháng 8 năm 1442 – 3 tháng 3 năm 1497), là hoàng đế thứ năm của nhà Lê sơ nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1460 đến năm 1497, tổng cộng 37 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Lê sơ. Lê Thánh Tông được xem là một vị hoàng đế anh minh thời Hậu Lê. Sử thần Ngô Sỹ Liên trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được” [14; tr.220]. Trong thời kỳ cầm quyền của ông, nhà nước Đại Việt quật khởi mạnh mẽ thực sự, phát triển rực rỡ ở mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự. Ông cũng mở rộng đáng kể lãnh thổ Đại Việt sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man. Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành một cường quốc lớn mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
Lê Thánh Tông húy là Tư Thành, con thứ tư của vua Lê Thái Tông (1434-1442), mẹ là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Vua sinh ra chỉ 14 ngày trước khi xảy ra một trong số những sự biến lớn nhất thời hậu Lê, đó chính là cái chết đầy bí ẩn của vua Lê Thái Tông gắn liền với vụ án Lệ Chi viên kết thúc bi thảm cuộc đời của bậc đại công thần Nguyễn Trãi. Không giống như những người huynh đệ khác trong hoàng tộc nhà Lê, Tư Thành thuở thiếu thời phải sống cùng mẹ lánh mình ngoài dân gian. May mắn thay, công lao sinh
thành và dạy dỗ của Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đã giúp vua hình thành nhiều phẩm giá, tư cách hơn người, “trong cung đình, kẻ sang người hèn đều gọi bà là Phật sống” (Văn bia Khôn nguyên chí đức do Nguyễn Bảo và Nguyễn Xung Xác soạn, dựng năm 1498 tại Lam Sơn). Biết rõ thân phận và hoàn cảnh của mình không được như các vị huynh trưởng, Tư Thành “sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim nghĩa lý Thánh hiền”[57; tr.388].
Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đang đêm bắc thang lên tường thành, rồi chia làm ba đường lẻn vào cung cấm làm binh biến. Vua Lê Nhân Tông và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Hưng (天興). Nghi Dân phong Bình Nguyên vương Tư Thành làm Gia
vương (嘉王), và sai dựng phủ Gia Hưng bên trái nội cung để Tư Thành ở.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại: “Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng các nịnh thần, sát hại bề tôi cũ và thay đổi pháp chế, cho nên không được lòng dân và các đại thần, văn võ. Một nhóm các trọng thần là Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang muốn binh biến lật đổ Thiên Hưng Đế (Lê Nghi Dân) nhưng việc bị bại lộ, tất cả đều bị giết” [57; tr.429]. Sau đó, các huân hựu đại thần gồm Thái phó Á quận hầu Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nhập nội kiểm hiệu Á thượng hầu Lê Lăng, Tư mã tham dự triều chính Đình thượng hầu Lê Niệm, Tổng tri ngự tiền hậu quân Á hầu Lê Nhân Thuận, Tổng tri ngự tiền trung quân Quan nội hầu Lê Nhân Khoái, Tổng tri ngự tiền thiện trạo doanh quân Quan phục hầu Trịnh Văn Sái, Thiêm tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Trịnh Đạc, Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung, thiết đột tả quân đại đội trưởng Nguyễn Yên, Nhập nội đại hành khiển Lê Vĩnh Trường,... cùng bàn với nhau làm binh biến, lật đổ Lê Nghi Dân. Ngày 8 tháng 6 âm lịch năm 1460, Gia vương Lê Tư Thành lên
ngôi ở điện Tường Quang, lấy niên hiệu là Quang Thuận (光順) và ban chiếu đại xá thiên hạ. Ông cũng truy tặng miếu hiệu, thụy hiệu cho mẹ con Lê Nhân Tông và lập bài vị thờ hai người họ trong Thái miếu [57; tr.429].
Trong suốt 37 năm trị vì đất nước, bằng những phát kiến, cải cách mạnh mẽ của mình ở khắp các phương diện từ pháp luật, thiết chế bộ máy, nhân sự… vua Lê Thánh Tông đã xây dựng nền quan chế trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Điều này hoàn toàn khác biệt so với thời gian vua Lê Thánh Tông mới lên ngôi, khi đó đất nước chìm trong tham nhũng, tướng sĩ lo bòn rút, hưởng lạc, quan lại chia bè phái, nhân dân đói khổ oán thán. Song, với khả năng của bản thân cùng với những vị công thần của triều đình Đại Việt lúc đó, vua Lê Thánh Tông đã khẳng định vị thế, tiếng nói của Đại Việt với các vương quốc, nhà nước lân cận. Vua Lê Thánh Tông thể hiện là người có quan điểm trọng Nho giáo sâu sắc, không chỉ tập trung mạnh mẽ quyền lực vào ngai vàng mà còn định hướng học tập của kẻ sĩ trong thiên hạ. Các cải cách của Vua Lê Thánh Tông rất đa dạng, tác động trực diện đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là việc thiết lập nên hệ thống pháp lý và nền quan chế kỷ cương, nghiêm minh, hiệu quả. Bên cạnh đó, vua Lê Thánh Tông còn được đánh giá là vị vua “hiền” khi đã trọng dụng và sử dụng rất nhiều đại thần là nhân tài của Đại Việt thời bấy giờ như Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh…