- Phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua Lê Thánh Tông đã xây dựng và thiết lập được những quy định pháp luật mang tính nền tảng, cơ bản có tính khuôn phép và răn đe đối với đội ngũ quan lại. Các quy định về phòng, chống tham nhũng trong Quốc triều hình luật thể hiện quan điểm coi trọng pháp luật, vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội của triều đình vua Lê Thánh Tông.
- Hình thành nhiều cơ chế, thiết chế giữ vai trò giám sát, kiểm soát, phòng, chống tham nhũng như Lục Khoa, Ngự sử đài và hạn chế tập trung quyền lực vào tay của một hoặc một nhóm người dưới quyền. Những cơ quan này được chỉ đạo bởi duy nhất vua Lê Thánh Tông, do vậy việc phát hiện và
xử lý các hành vi tham nhũng của quan lại khi đó được diễn ra hết sức nhanh chóng và nghiêm minh.
- Coi trọng việc sử dụng hiền tài, nhân tài của đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc để họ góp sức vào sự phát triển chung của đất nước. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, giáo dục, thi cử được đặc biệt coi trọng. Quan lại được tuyển chọn dựa trên nhiều tiêu chí mang tính quy chuẩn và khắt khe, trong đó vừa phải có tài và đức.
- Vua Lê Thánh Tông đã vận dụng hiệu quả những chính sách sử dụng, bố trí, đánh giá, kiểm tra đội ngũ quan lại một cách hợp lý. Những giải pháp như áp dụng luật hồi tỵ, sát hạch quan lại… đều là các nội dung tạo điều kiện để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, triệt để ở các cấp, đặc biệt là cấp chính quyền các địa phương.
Nguyên nhân của những ưu điểm trên là:
- Sự đồng lòng, ủng hộ của quan thần trong triều đình, sức mạnh tập thể này cùng với ý chí quyết tâm của vua là điều kiện thúc đẩy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.
- Khai thác hiệu quả những lý thuyết quản lý của Nho giáo, trong đó chú trọng xây dựng nhân cách con người, coi trọng chữ đức cùng với tài năng, chính sách giáo dục, chế độ khoa cử được đề cao.
- Tài trí, tính cách cương trực, nghiêm minh, quyết đoán của vua Lê Thánh Tông giúp vua xử lý tham nhũng một cách công tâm, dù cho đó có là công thần hay đại thần của triều đình. Những tính cách tốt này cũng là tấm gương để quan thần triều đình nêu gương vua để sống liêm khiết, chính trực.