công tác phòng, chống tham nhũng thường xuyên phải tiếp xúc với những vụ việc có tính “nhạy cảm” cao hơn so với những cán bộ ngành, lĩnh vực khác. Điều này đặt ra yêu cầu đối với họ phải có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng để vượt qua cám dỗ, lôi kéo về vật chất và tinh thần. Trong thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa hoạt động nâng cao nhận thức qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng cần phải tuân thủ đúng nội quy, quy chế đơn vị, đặc biệt là quy tắc ứng xử, văn hóa công sở của cơ quan, ngành công tác…
2.3.4. Tăng cường kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng tham nhũng
Kiểm soát quyền lực là vấn đề quan trọng của mọi nhà nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị hay mô hình tổ chức quyền lực... Đây là vấn đề luôn được chú trọng kể từ khi xuất hiện các học thuyết chính trị - pháp lý trên thế giới về nhà nước. So với những thời kỳ trước đó, vua Lê Thánh Tông đã có nhiều sự kế thừa và phát triển các cơ quan, cách thức giữ vai trò kiểm soát quyền lực, hình thành cơ quan giữ vai trò giám sát, kiểm tra. Ý nghĩa của việc kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng vẫn còn có ý nghĩa cho đến hiện nay.
Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ
quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” [41]. Nguyên tắc kiểm soát QLNN tuy đã được hiến định, nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa một cách hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Do đó, cần phát huy hơn nữa cơ chế kiểm soát QLNN. Chẳng hạn, phải củng cố và phát huy tính tối cao của Hiến pháp. Tất cả các cơ quan nhà nước được nhân dân uỷ quyền không những phải tổ chức và hoạt động theo quy định của hiến pháp mà các cơ quan này còn phải ban hành các văn bản pháp luật (kể cả các văn bản luật và văn bản dưới luật) phù hợp với hiến pháp. Xuất phát từ nguyên tắc này thì: các văn bản dưới luật phải được ban hành trên cơ sở các văn bản luật, phù hợp với các văn bản luật, nội dung không được trái với các văn bản luật, nhằm để thực hiện các văn bản luật; văn bản của các cơ quan chấp hành và điều hành phải được ban hành phù hợp với văn bản của các cơ quan quyền lực, đại diện; văn bản của các cơ quan cấp dưới phải được ban hành phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên, nhưng phải bảo đảm sự phân định rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan ở mỗi cấp; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp. Tính tối cao của Hiến pháp được bảo đảm, các văn bản ban hành sẽ bảo đảm tính khách quan, phù hợp thực tế, không phục vụ cho một cá nhân hoặc một “lợi ích nhóm” nào khác.
Đối với Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (TCCT-XH) việc kiểm soát quyền lực nếu xét từ góc độ pháp lý, các tổ chức trên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, hay như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gọi là “nhốt quyền lực” vào trong lồng quy chế lập pháp [44].
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, vấn đề kiểm soát
quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói riêng đã được thể hiện xuyên suốt, đầy đủ ở các nội dung của Nghị quyết. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền được xác định là một trong số những giải pháp trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới của đất nước. Triển khai nghiêm túc Quy định số 205- QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Bên cạnh kiểm soát quyền lực, coi đó là giải pháp có tính phòng ngừa cao thì trong bối cảnh mới hiện nay, Chính phủ kiến tạo, liêm chính đặt ra yêu cầu cơ quan, tổ chức khi phát hiện sai phạm cần phải xử lý triệt để, tận cùng vấn để, không bỏ xót bất kỳ cá nhân nào, đồng thời có chế tài xử phạt thích đáng, đúng người, đúng tội. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những lĩnh vực còn chậm, còn khó khăn, vướng mắc. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được khởi tố, điều tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới. Xử lý nghiêm minh để giáo dục, răn đe, nhất là các vụ việc, vụ án dư luận xã hội quan tâm. Chủ động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện chức năng, nhiêm vụ được giao. Chú trọng vào những ngành, lĩnh vực nhạy cảm như thuế, đất đai, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, công an… Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh của đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.