Bối cảnh lịch sử Đại Việt khi vua Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua lê thánh tông và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay (Trang 42 - 49)

(1460-1497)

- Về tình hình chính trị, hành chính:

Vua Lê Thánh Tông lên ngôi sau một khoảng thời gian đầy những biến cố và sóng gió của thời kỳ đầu Hậu Lê, khi đó cái chết của bậc đại công thần Nguyễn Trãi và những tranh đấu ngai vàng khiến tình hình chính trị Đại Việt

hết sức bất ổn. Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, tình hình chính trị, hành chính của quốc gia dần đi vào ổn định, vua bắt đầu thực hiện những cải cách mạnh về quan chế triều đình. Vua đặt lệ cho các công thần được phong tước quốc công, quận công, hầu, bá. Những người không có đức độ, công lao rõ ràng đối với triều đại, thì không được xem như công thần và không được phong các tước đó. Đời vua Lê Thái Tổ, Đại Việt được chia làm 5 đạo, các đơn vị hành chính dưới đạo là phủ, lộ, trấn, châu, huyện, xã. Quan cai trị đạo là Hành khiển, Tuyên phủ chánh phó sứ; cai trị phủ là Tri phủ; cai trị lộ là An phủ sứ; cai trị trấn là Trấn phủ sứ; cai trị huyện là Chuyển vận sứ, Tuần sát sứ; cai trị xã là Xã quan. Đến thời Lê Thánh Tông, năm 1466, nhà vua chia nước thành 12 đạo thừa tuyên và phủ Trung đô phủ, lại đặt các ty Đô, Thừa để cai quản. Thánh Tông đổi lộ thành phủ, trấn thành châu, đổi chức An phủ thành Tri phủ, Trấn phủ thành Đồng tri phủ, Chuyển vận sứ thành Tri huyện, Tuần sát sứ thành Huyện thừa, Xã quan thành Xã trưởng [58; tr.537]. Ngày 4 tháng 4 âm lịch năm 1490, bộ bản đồ Đại Việt được hoàn tất, gọi là bản đồ Hồng Đức. Bản đồ ghi nhận nước Việt có 13 thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường. Như vậy, có thể nhận thấy, bối cảnh chính trị và bộ máy hành chính vào thời vua Lê Thánh Tông trị vì về cơ bản đã ổn định, là tiền để để vua thực hiện nhiều cải cách, trong đó có những quyết sách để phòng, chống tham nhũng.

- Về tình hình văn hóa - xã hội:

Là một người trọng quan điểm trị nước của Nho giáo nên vua Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng vận dung những tư tưởng Khổng Tử vào ổn định xã hội. Trong đó, các bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bắt đầu dựng vào thời đại của ông không chỉ có ý nghĩa về lĩnh vực giáo dục, mà chúng thực sự là các công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, lưu lại tới ngày

nay trở thành di sản văn hóa thế giới. Để xây dựng một xã hội trật tự, người dân đối đãi bằng văn hóa, nghĩa lý thánh hiền, vua Lê Thánh Tông cũng đặc biệt chú trọng đến giáo dục. Triều đình thời ông có Hàn lâm viện, Đông các viện, Quốc sử viện, Quốc Tử Giám, nhà Thái học là những cơ quan chuyên phụ trách văn hóa - giáo dục trong nước [26; tr.101].

Bên cạnh đó, dấu ấn về mặt ổn định xã hội của vua còn là việc minh oan cho đại công thần Nguyễn Trãi. Đây không chỉ là cởi nút thắt về những uẩn khúc trong bộ máy triều đình, về những đối đầu, lợi ích giữa các phe phái mà còn cho thấy tầm nhìn của vua về trị nước. Muốn xã hội ổn định, không loạn lạc thì trước tiên vua phải là người công tâm, minh oan đối với những người có công trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Ông ca ngợi Nguyễn Trãi là Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo, truy tặng tước Tán Trù Bá, ban cho con là Anh Vũ chức huyện quan. Năm 1467, Lê Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Việc làm này có thể đã góp phần bảo tồn một phần quan trọng các di sản văn hóa mà Nguyễn Trãi đã để lại.

Dưới thời Hậu Lê nói chung, và trong thời vua Lê Thánh Tông nói riêng, Phật giáo, Đạo giáo bị đẩy lui xuống sinh hoạt ở các làng xã, trong khi đó, Nho giáo lại được coi trọng và lên ngôi, đặc biệt là khu vực triều đình và giới Nho học. Đó là đặc điểm chính của thời kỳ này. Mặt khác do trước đó chịu sự tận diệt của nhà Minh nên nhiều chùa chiền, cung điện và các Phật tử phát triển rực rỡ ở các triều đại nhà Lý, nhà Trần đã bị xóa bỏ. Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông cũng đánh giá cao đạo Phật và trong bộ “Hồng Đức quốc âm thi tập” của ông có nhiều bài vịnh như Chùa Trấn Quốc (chữ Nôm) và chữ Thơ khắc ở cột chùa Tu Mộng (Tu Mộng Tự Trụ Khắc, chữ Hán) ca ngợi vai trò của Phật giáo đối với việc giữ gìn đế đô, xây dựng đất nước. Ngoài ra, trạng nguyên Lương Thế Vinh – một trong những danh thần thời Lê Thánh Tông – cũng là một người theo Phật giáo.

Việc xây dựng và coi trọng pháp luật cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định về xã hội dưới thời vua Lê Thánh Tông. Nội dung này sẽ được phân tích cụ thể trong chương tiếp theo của đề tài. Sự ổn định về trật tự xã hội, việc củng cố văn hóa, trọng giáo lý thành hiền là một trong số những cơ sở để vua Lê Thánh Tông nỗ lực làm trong sạch bộ máy triều đình. Đây cũng là mong muốn của người dân Đại Việt trong thời kỳ đất nước thịnh trị thái bình.

- Về tình hình kinh tế:

Thời kỳ quân nhà Minh xâm lược đất nước ta là một trong số những lần Đại Việt bị tàn phá rất nghiêm trọng. Kinh tế trước thời kỳ Hậu Lê được khắc họa rõ trong một số câu của bài Bình Ngô Đại Cáo nổi tiếng:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế, Gây binh kết oán trải hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,

Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc. Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,

Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt. Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,

Sau khi giành chiến thắng trước quân Minh, vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi cùng quan thần đã ra sức khôi phục lại nền kinh tế của đất nước. Đến thời vua Lê Thánh Tông, trên cơ sở kế thừa thành quả của cha ông, vua cũng đưa ra nhiều phát kiến, cải cách mạnh mẽ về kinh tế. Vua cho sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, kêu gọi người phiêu tán về quê, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng đất cho mọi người. Chủ trương trọng nông của Lê Thánh Tông cũng được tỏ rõ qua việc nhà vua tự mình cầu đảo vào những lúc trời không mưa, hạn hán [25; tr.567]. Vua Lê Thánh Tông đã lập các chức quan Hà đê, Khuyến nông để dễ chăm lo việc nông tang. Ông còn ra lệnh cho Bộ Hộ và các quan địa phương báo cho ông biết nơi nào có đất hoang, rồi ông dụ phủ huyện đôn đốc dân đi khai hoang, mở ruộng [26; tr.99]. Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông cũng phát triển rực rỡ. Nghề in và làm giấy ở Đại Việt đạt một trình độ cao của thế giới thời bấy giờ. Số lượng sách in thời này khá đồ sộ. Đặc biệt nhất thời kỳ này là thành tựu trong công nghệ chế tạo vũ khí và đồ sắt chiếm ưu thế. Đồ gốm, sứ thời Lê sơ phát triển đạt được độ tinh xảo và hoa văn đẹp. Việc giao thương buôn bán đã chắp cánh cho đồ gốm thời này đi xa và hiện nay bộ sư tập về đồ gốm Lê sơ cũng rất phong phú. Chính nhờ sự chú trọng và xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc gia Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông trị vì là một trong những thời kỳ người dân được hưởng sự thái bình thịnh trị, cuộc sống ấm no sau sự tàn phá của giặc Minh xâm lược. Sự ổn định và phát triển bền vững về kinh tế cũng được coi là đòn bẩy, là điểm tựa để vua Lê Thánh Tông vững tâm, quyết chí có nhiều quyết sách trong phòng, chống tham nhũng, xử lý những kẻ bòn rút của công, tham ô, nhũng nhiễu nhân dân.

- Về tình hình an ninh – quốc phòng:

được coi là thời kỳ thái bình của đất nước. Tuy nhiên, cũng giống như các nhà nước khác, trong thời bình nhưng vua cũng đặc biệt chú trọng đến quân sự, đề cao sức mạnh, quân đội của Đại Việt. Vua khẳng định: “Có quốc gia là phải có võ bị. Nay phải tuân theo trận đồ nhà nước đã ban, trong địa phận của vệ mình, phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính phép đi, đứng, đâm, đánh, hiểu được hiểu lệnh, tiếng chuông, tiếng trống khiến cho binh lính tập quen cung tên, không quên võ bị” [35]. Vua ban hành chính sách tuyển quân: cứ 3 năm một lần làm lại hộ khẩu gọi là “tiểu điển”, 6 năm một lần gọi là “đại điển”. Cứ 6 năm 1 lần, các xã trưởng mang sổ hộ khẩu của mình tới Thăng Long chiếu vào viết lại trong chính thư của triều đình về số dân hiện tại trong xã. Lê Thánh Tôn còn đặt lệ tổ chức thi võ 3 năm 1 lần ở kinh sư; những người mang tước công, hầu, bá, tử, nam và mọi quan võ trong triều, ngoài địa phương đều phải dự thi. Các quan, tướng thi đạt đều được phong thưởng, người thi không đạt phải bị xử phạt [26; tr.101].

Là một ông vua trọng Nho giáo, vậy nên ngoài việc củng cố tiềm lực quân sự, Lê Thánh Tông luôn chú tâm đến việc “trị quốc và bình thiên hạ”. Năm 1469, quân Chiêm Thành vượt biển sang đánh phá châu Hóa. Năm 1470, Trà Toàn sai sứ thần sang cầu viện nhà Minh, thân hành đem 10 vạn quân thủy, bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hóa Châu. Tướng trấn thủ Hóa Châu là Phạm Văn Hiển cự địch không lại, phải đóng cửa thành chống giữ, cho người phi ngựa đem văn thư cáo cấp về kinh đô Thăng Long. Vua Thánh Tông lập tức ra lệnh bổ sung quân lính, trưng thu lương thực. Vua Lê Thánh tông quyết định đem quân thân chinh dẹp loạn, đánh phá quân Chiêm Thành. Với sự đồng tâm, hiệp lực của quân quan, vua Lê Thánh Tông dành thắng lợi, mở rộng lãnh thổ Đại Việt xuống phía Nam. Lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân tới bắc Phú Yên ngày nay) được sáp nhập vào Đại Việt, lập thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Lê Thánh Tông thực hiện

chính sách bình định và Việt hóa dân chúng người Chiêm Thành.

Như vậy, sự ổn định về an ninh – quốc phòng của đất nước là cơ hội để vua Lê Thánh Tông có nhiều thời gian, giải pháp phòng, chống tham nhũng, giữ vững sự trong sạch của nền quan chế. Tuy nhiên, sự ổn định của quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng cũng có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, hưởng thụ của quan lại, điều này đã được lịch sử chứng minh bởi rất nhiều ví dụ về việc các quan thần, thậm chí là vua chúa ăn chơi hưởng lạc khi đất nước thái bình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua lê thánh tông và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay (Trang 42 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)