“hồi tỵ”
Chính sách Hồi tỵ xuất hiện lần đầu tiên và sớm nhất ở Trung Quốc vào thời nhà Tùy (581-619), và tiếp tục được phát triển ở các triều đại tiếp theo cho đến thời nhà Thanh. Theo đó, quan lại không được phép làm quan tại quê hương của mình để gia đình và bạn bè không thể ảnh hưởng đến công việc của họ. Thời hạn làm quan tại một địa phương chỉ kéo dài từ 3 - 4 năm, sau đó
họ sẽ được luân chuyển đi nơi khác nhậm chức. Cha mẹ và con trên 15 tuổi không được đi theo [31].
Vào khoảng thế kỷ 16, ở vùng đất nay thuộc Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan, đế chế Mughal (Mongol) do Akbar đại đế thống trị cũng đã từng xuất hiện hệ thống tương tự “hồi tỵ”. Hệ thống này nhằm đảm bảo nhà nước được vận hành trôi chảy và ngăn chặn nguy cơ tham nhũng. Quan lại không được giữ chức quá lâu để tránh thâu tóm quyền lực ở địa phương và trở nên uy vọng hơn Hoàng đế. Sau một khoảng thời gian nhất định, các quan chức sẽ được điều chuyển và thẩm quyền sẽ được luân chuyển thường xuyên. Việc vận hành hệ thống này dưới thời vua Akba đã giúp ngăn ngừa tham nhũng và sự thiên vị. Tuy nhiên, cách làm này đã bị các hoàng đế thế hệ sau lãng quên [31].
Vào thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, triết lý hồi tỵ - nghĩa chữ Hán là tránh đi cũng là một trong số những phát kiến quan trọng của vua Lê Thánh Tông trong việc bố trí và sử dụng quan lại. Hồi tỵ tập trung vào một số chính sách cơ bản như:
- Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó.
- Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo.
- Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó.
- Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Hồi tỵ là giải pháp giúp vua Lê Thánh Tông có thể quản lý và khống chế đội ngũ quan lại câu kết, ngăn ngừa sự lạm dụng chức quyền, địa vị để kết
bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình. Chính sách này cũng góp phần phòng ngừa, tạo cơ chế giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương. Lịch sử đã chứng minh rằng, đây là một chính sách quản lý quan lại quan trọng của một số triều đại phong kiến nước ta, trong đó điển hình dưới thời vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng.
Trong lịch sử nước ta, Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên ban hành và đồng thời là người đầu tiên hiện thực hóa chính sách hồi tỵ. Cụ thể: Ngày 22 (tháng 5, năm 1486), cấm quan lại nhận chức ở ngoài lấy đàn bà con gái trong bộ hạt của mình. Tháng 9 (1488), xuống chiếu rằng: Từ nay, các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau. Tháng 8, ngày mồng 2 (1495), có lệnh cho châu huyện chọn đặt xã trưởng. Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng trong một xã. Ngày 28 (tháng 4, năm 1497), định lệnh đổi đi nơi khác. Như các viên quản quân, quản dân ở Nghệ An, nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì bộ Lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay. Lệnh này sau đó được áp dụng trong phạm vi cả nước [57; tr.530].
Trong Quốc triều hình luật cũng đã có một số quy định mang hàm nghĩa hồi tỵ, chẳng hạn như: “Các quan chủ ty chấm thi cùng với người dự thi có thân thuộc, cần phải hồi ty (chỉ việc từ chức quan được nhận để tránh sự hiềm nghi) mà không từ chối thì phạt 50 roi, biếm một tư; nếu là các quan di phong (phong kín những quyển thi trong những cuộc thi đình để dâng vua), đằng lục (sao chép khi thi hội, thi đình) thì đều phải phạt 80 trượng” [59; tr.60].
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay cho thấy, đối tượng thực hiện hồi tỵ thời Lê sơ là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương, tương đương với 3 cấp hành chính của nước ta hiện nay. Có thể nói, hồi tỵ là chính sách và sắc luật quan trọng trong việc quản lý quan lại của một số triều đại phong kiến nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ đã được lịch sử đánh giá là thành công và có giá trị lâu dài. Ưu điểm cơ bản của nguyên tắc hồi tỵ là phòng tránh, hạn chế được mặt tiêu cực trong văn hóa ứng xử của những người nắm công quyền. Chính sách hồi tỵ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tính công tâm, khách quan trong việc phụng sự lợi ích nhà nước của đội ngũ quan lại. Chính điều này đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.