- Chưa phát huy vai trò của xã hội và người dân trong phòng, chống tham nhũng. Điểm hạn chế này xuất phát từ việc trình độ dân trí của người dân thời kỳ phong kiến là thấp, khi đó không phải ai cũng có cơ hội được đi học. Do đó, người dân trong mối quan hệ với quan thường phải chịu nhiều thiệt thòi, tự nhận mình là “dân đen”.
- So với phòng, chống tham nhũng giai đoạn hiện đại như ngày nay thì vai trò của xã hội và người dân thời phong kiến đối với việc phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Đánh trống kêu oan, gặp mặt quan phụ mẫu để nói rõ sự tình… là một số ít hình thức để người dân báo cho quan phủ biết về hành vi tham nhũng. Chống tham nhũng chưa được coi là hành động chung của toàn xã hội.
- Chưa hệ thống hóa, pháp điển hóa phòng, chống tham nhũng thành những quy định tại một luật riêng. Như đã phân tích ở trên, các quy định về phòng, chống tham nhũng thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì nằm rải rác trong bộ Quốc triều hình luật. Bộ luật này là luật hình, không phải bộ luật chuyên biệt về phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, hành vi tham nhũng khi đó chưa được nhà vua và triều đình xác định rõ, chưa hệ thống hóa thành những quy định cụ thể để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Điểm hạn chế nói trên gây khó khăn khi trong nhiều trường hợp, khi gặp phải tình huống tham nhũng không có trong bộ luật, các vị quan thường phải xin ý kiến của quan trên, thậm chí là nhà vua. Tuy nhiên, hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân khách quan về sự phát triển của khoa học pháp lý thời kỳ đó vốn còn sơ khai. Quốc triều hình luật là một trong số những bộ luật được coi là tiên tiến, đầy đủ nhất thời kỳ này.