chức, công dân và các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng
Trong thời kỳ phong kiến, có những vị vua đã rất chú trọng việc vi hành, đi sâu, đi sát với đời sống thực tế của người dân. Đây là một trong số những việc làm quan trọng, không chỉ thể hiện sự lưu tâm đến đời sống sinh hoạt của nhân dân mà còn là cách để các vị vua lắng nghe, tiếp nhận nhiều thông tin, đặc biệt là về đội ngũ quan lại của triều đình. Lê Thánh Tông là một trong số những vị vua Việt Nam rất coi trọng việc vi hành, đặc biệt là vi hành để tiếp xúc với dân chúng, phát hiện sai phạm, tham nhũng… Trong đó, có thể kể đến việc vua Lê Thánh Tông vi hành đêm giao thừa gặp Quận Gió (tên trộm chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo) qua đó phát hiện quan coi quốc khố đã lấy bạc trong kho của Nhà nước về làm của riêng đã bị vua tước bỏ mọi chức quan, cho lưu đày đi châu xa [47]. Soi chiếu câu chuyện này của vua Lê Thánh Tông đối với thời đại ngày nay, có thể nhận
thấy rằng việc lắng nghe góp ý, đóng góp của người dân đối với hoạt động quản lý nhà nước là một nguyên tắc quan trọng. Huy động sự tham gia của người dân, các thiết chế xã hội vào quản lý nhà nước nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng là nội dung có ý nghĩa, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Những năm vừa qua, đã có nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng được báo chí phanh phui, người dân phát hiện, báo cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý. Bên cạnh các sự vụ lớn, thu hút sự chú ý của xã hội, báo chí có nhiều tin bài đề cập hiện tượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở tham nhũng, hà lạm công quỹ, ăn chặn tiền bồi thường, hạch sách khi thực hiện thủ tục hành chính, thậm chí ăn nhậu ghi nợ ở hàng quán… Đây là cố gắng rất lớn của báo chí, nổi lên là nỗ lực phát hiện, điều tra, phanh phui, cố gắng vượt qua sức ép của quyền lực, cám dỗ vật chất, thậm chí vượt qua sự đe dọa về tính mạng, công việc, gia đình. Với những cố gắng đó, báo chí không chỉ tham gia phòng và chống tham nhũng mà còn kịp thời giúp nhân dân nắm bắt bản chất của sự kiện, hiểu rõ từng vấn đề, ủng hộ sự nghiêm minh của luật pháp, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã chỉ rõ: Việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã diễn ra từ nhiều năm trước và hết sức sôi nổi. Thời gian qua, báo chí với vai trò vũ khí tư tưởng mang tinh thần “phò chính trừ tà” đã đi đầu trong việc phát hiện các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí. Thực tế đã chứng minh nhiều vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện là nhờ vào thông tin, sự vào cuộc tích cực của báo chí. Bên cạnh đó, báo chí còn tham gia vào việc tạo áp lực dư luận, thúc đẩy đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra, xét xử xử lý các vụ việc nhanh hơn, mang lại hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và báo
chí trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực thời gian qua về cơ bản cũng khá nhịp nhàng, đồng bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vai trò của báo chí và dư luận xã hội trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Chẳng hạn như lợi dụng danh nghĩa báo chí để tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; sử dụng thủ đoạn “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” để trục lợi; tổ chức “đánh hội đồng”; thậm chí tiếp tay cho tham nhũng qua các bài viết ca ngợi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương có dấu hiệu tham nhũng, tô vẽ hình ảnh người tham nhũng để làm chệch hướng dư luận, cản trở công việc của cơ quan chức năng…[36] Việc thông tin tuyên truyền về các nội dung "tốt" nội dung còn ít, tính đấu tranh không cao, sức lan tỏa không lớn, chưa được thường xuyên, trong khi đưa thông tin “xấu” còn bỏ ngỏ, số vụ việc phát hiện còn ít, tính đấu tranh chưa sắc sảo, thông tin chưa vững chắc, độ dũng cảm kiên định còn bị lung lay, thậm chí bị mua chuộc.
Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính là một Chính phủ gần dân, sẵn sàng lắng nghe góp ý của công dân, doanh nghiệp. Vậy để khắc phục những tồn tại nêu trên cũng như phát huy hơn nữa vai trò của xã hội, báo chí, người dân trong phòng, chống tham nhũng, cần thực hiện:
- Nâng cao nhận thức của cơ quan báo chí, người làm báo: Để có thể tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả, báo chí không được dựa trên các suy đoán, suy luận cảm tính mà cần luôn ý thức rằng, mọi sự vội vàng, thiếu thận trọng đều có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn báo, mỗi cơ quan chủ quản báo chí cần có ý thức nghiêm túc về vai trò của mình, từ đó thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
- Cơ quan nhà nước cần xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời ghi nhận mọi phản ánh, thông tin từ người dân, doanh nghiệp về hành vi tham nhũng. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh như hiện nay, các cơ quan có thể tiếp nhận kênh thông tin từ nhiều nền tảng như thư điện tử email, hộp thư mạng xã hội như facebook, zalo… bên cạnh đơn thư là giấy tờ như truyền thống.
Việc tiếp nhận thông tin và xử lý vấn đề có thể phát triển mạnh hơn nữa mô hình “Dân hỏi – Cơ quan chức năng trả lời”, “Mô hình tiếp nhận kiến nghị từ hệ thống tiếp nhận góp ý của doanh nghiệp trên cổng thông tin Chính phủ”, hệ thống tiếp nhận và xứ lý kiến nghị của các địa phương, bộ, ngành…
Tuy nhiên, đối với những thông tin tiếp nhận trên nền tảng internet thì cần có sự kiểm duyệt, sàng lọc kỹ càng.
- Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng và đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, với đối tượng là học sinh, sinh viên cần đa dạng hóa hơn nữa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hình thức phổ biến cần kết hợp việc thực hiện giáo dục thông qua tuyên truyền miệng với tình huống hóa, tọa đàm, trao đổi trực tiếp với học sinh, sinh viên.
Các Bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trực thuộc thực hiện thường xuyên tổ chức, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật tại các cơ sở giáo
dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ tuyên truyền viên là người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; giáo viên, giảng viên là những người tình nguyện giảng dạy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ tuyên truyền nòng cốt này.
- Bản thân người dân cần chủ động nâng cao ý thức làm chủ của mình, tích cực tìm hiểu các quy định pháp luật để xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, hành động trên cơ sở pháp luật, có hành vi xử sự tích cực trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm phòng, chống tham nhũng. Từ đó, công dân sẽ có hiểu biết, có ý thức thực hiện đúng quy định của pháp luật (hành xử trong phạm vi pháp luật không cấm); ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Công dân có thể lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng bằng nhiều phương thức, cách thức phù hợp với chuẩn mực về pháp lý và đạo lý; tạo dư luận phản đối các hành vi tiêu cực; gây áp lực đối với người có hành vi tham nhũng.
- Nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước: Tiếp cận thông tin một cách đầy đủ là cơ sở để người dân nắm bắt được các hoạt động của cơ quan nhà nước. Chỉ khi nắm bắt được đầy đủ thông tin thì người dân mới có cơ sở để đưa ra các yêu cầu giải trình của mình. Ngược lại, khi đã được tiếp cận đầy đủ thông tin cần thiết, người dân sẽ không phát sinh các thắc mắc, yêu cầu giải trình, kiến nghị, phản ánh nữa. Bên cạnh đó, các thông tin được công khai sẽ khiến cho cán bộ, công chức ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình trong việc cung cấp, giải thích thông tin cho người dân, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước người dân.
Cần xây dựng trách nhiệm giải trình với người dân, doanh nghiệp là một quy chế, quy định vừa tạo được sự hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa linh hoạt, chuyên nghiệp thể hiện nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, một Chính phủ, chính quyền kiến tạo, liêm chính.
- Phải đề cao trách nhiệm, xem việc bảo vệ người tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, từng cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố giác thuộc phạm vị quản lý; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu để buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý bị trả thù, trù dập khi tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. hội đồng nhân dân các cấp tăng cường hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ người tố giác; có kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng quý và thường xuyên.
Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và tích cực phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện bao che các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những hành vi thiếu trách nhiệm đối với người tố giác, trả thù, trù dập và phê phán những hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật.
Ngoài việc phát huy vai trò của các thiết chế xã hội, cần tăng cường sự phối hợp, khả năng phòng, chống tham nhũng của cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng: Cần tăng cường hơn nữa tính độc lập của một số cơ quan trong phòng, chống tham nhũng. Chẳng hạn, đối với cơ quan thanh
tra nhà nước các cấp hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cần tăng tính chủ động, giảm sự phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Đổi mới nhận thức cũng như nâng cao vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng, chống tham nhũng không chỉ là cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp việc mà phải là đơn vị giữ nhiệm vụ đi đầu trong phòng, chống tham nhũng.
Để thực hiện được mục tiêu giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, các cơ quan như Lục Khoa, Ngư sự đài… là những cánh tay nối dài của nhà Vua. Điểm mạnh mẽ và hiệu quả của những cơ quan này là hoạt động một cách tương đối độc lập, chịu sự chỉ đạo duy nhất của nhà vua. Do vậy, tất yếu thông tin đến với nhà vua về hành vi tham nhũng là nhanh nhất và có độ tin cậy cao. Trong thời đại hiện nay, phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Tuy vậy, trong hệ thống chính trị cũng có sự phân định rạch ròi những cơ quan giữ vai trò chuyên trách về phòng, chống tham nhũng như thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án… Đó là những cơ quan thường xuyên, liên tục và có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, bảo đảm nền hành chính Việt Nam trong sạch, phát triển hiệu lực, hiệu quả. Các cơ quan, tổ chức giữ vai trò chuyên trách trong phòng, chống tham nhũng là những hạt nhân quan trọng trong tổng thể công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, cần tạo lập sự phối hợp trong phòng, chống tham nhũng giữa các cơ quan. Ví dụ, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, quyết định của mình trong
quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện, cộng tác với cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.