phạt đối với hành vi tham nhũng
Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) là một trong số những bộ luật thể hiện bước phát triển rất cao, vượt bậc về tư duy pháp lý cũng như kỹ thuật lập pháp của nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ Quốc triều hình luật ngày nay chúng ta còn giữ được cho thấy đây không chỉ là thành quả lớn lao ngành lập pháp đời Lê Thánh Tông mà nó được sinh ra trên cơ sở kế thừa nhiều thành tựu lập pháp của các triều đại trước, của Trung Quốc và của các vua đầu triều Lê. Ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã ban hành nhiều những quy định về hình phạt và luật lệ kiện tụng, về chức tước các quan văn võ, về phân cấp hệ thống chính quyền địa phương… [32] Thái Tổ tỏ ra đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thời hậu chiến như: hạn chế thế lực và quyền hạn của các quan đại thần, tướng hiệu, việc lập sổ điền, sổ hộ, việc cấm bỏ hoang ruộng đất… nhằm nhanh chóng thiết lập lại kỉ cương nhà nước, trật tự xã hội, củng cố địa vị của Vua, kiểm soát chặt chẽ đất đai, thuế khoá… Dười thời Nhân Tông, hiện tượng mua bán, chuyển nhượng ruộng đất trở nên phổ biến và thường gây ra những cuộc tranh chấp đòi hỏi phải có quy định rõ ràng để giải quyết. Năm 1449, Lê Nhân Tông ban hành 14 điều luật, bổ sung vào Hình luật chương Điền sản. Và trong Quốc triều hình luật, 14 điều này
được xếp vào một phần riêng thuộc chương VI với tiêu đề “Điền sản mới tăng thêm” (từ điều 374 đến điều 387). Ngoài ra, Quốc triều hình luật còn thừa kế trực tiếp thành tựu từ các bộ luật của triều đại trước như Hình thư đời Lý và Hình thư nhà Trần. Chủ yếu là Quốc triều hình luật trên cơ sở những quy định của hai bộ luật này và bổ sung thêm những yếu tố phù hợp. Ví dụ như bổ sung thêm hai hình phạt đồ, lưu để hoàn chỉnh hệ thống hình phạt. Điều đó được thể hiện ở các điều 9, 24, 26, 51, 411, 412, … Điều 22, 27, 46 hoàn thiện hơn hình phạt biếm được đưa ra từ thời nhà Hồ (1406).
Lê Thánh Tông cũng cho tham khảo và tiếp thu chọn lọc pháp luật Trung Hoa. Đầu tiên là học tập về cấu trúc, mô phỏng theo bộ luật nhà Đường (các chương về cơ bản rất giống nhau về tên gọi và phạm vi điều chỉnh). Tuy nhiên, Quốc triều hình luật có 4 chương khác là chương 3, 4, 6, 7 và 9, thể hiện sự độc lập tương đối của các nhà làm luật triều Hậu Lê. Những điều luật được soạn thảo ra trong “Quốc triều hình luật” thực chất là xuất phát từ ý nguyện của vua Lê Thánh Tông, và cho dù nó gắn bó với thực tiễn cuộc sống nhưng về cơ bản nó mang những tư tưởng, tình cảm và quan niệm của Lê Thánh Tông, mang theo lòng nhân ái của vị vua lỗi lạc đó. Điều đó đã được khẳng định từ lâu nay. Nguyên tắc cơ bản nhất và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của “Quốc triều hình luật” là bảo vệ, củng cố chế độ quân chủ phong kiến, lợi ích của nhà nước, nhà vua và hoàng tộc. Những hành vi xâm phạm đến lợi ích, sự an toàn và bình yên của Vua, Hoàng tộc và chính quyền đương thời sẽ bị liệt vào tội “thập ác” với những hình phạt nghiêm khắc nhất (điều 1, 2) [32].
Quốc triều hình luật được vua Lê Thánh Tông ban hành và áp dụng thành công trong thời gian trị vị Đại Việt. Với tầm nhìn của bản thân cũng như tham khảo ý kiến từ các mưu sĩ trong triều đình, 722 điều luật tuy chủ yếu là luật hình song những giá trị về mặt nhân văn, các lĩnh vực khác trong
đời sống xã hội khác như dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, quân sự và đặc biệt là phòng, chống tham nhũng đã có những quy định tương đối rõ ràng, mạch lạc và cụ thể.
Về bố cục, Quốc triều hình luật gồm 6 quyển, cụ thể:
+ Quyển I có 2 chương: Danh lệ (49 điều), Vệ cấm (47 điều). + Quyển II có 2 chương: Vi chế (144 điều), Quân chính (43 điều).
+ Quyển III có 3 chương: Hộ hôn (58 điều), Điền sản (59 điều), Thông gian (10 điều).
+ Quyển IV có 2 chương: Đạo tặc (54 điều), Đấu tụng (50 điều). + Quyển V có 2 chương: Trá nguỵ (38 điều), Tạp luật (92 điều). + Quyển VI có 2 chương: Bộ vong (13 điều), Đoản ngục (65 điều). Là một trong những người vận dụng triệt để học thuyết Nho giáo trong trị nước an dân, Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng tính liêm khiết của đội ngũ quan lại, trong đó tham nhũng, hủ hóa, bè phái được “liệt” vào những quốc nạn mà ông cùng quần thần không thể không diệt trừ. Song, nhận thức mới và đáng khâm phục hơn nữa chính là việc triều đình vua Lê Thánh Tông đã hoàn thiện và ban hành những quy định mang tính pháp lý trong đó nêu rõ tội danh và chế tài xử phạt đối với hành vi tham nhũng. Rõ ràng, trong chế độ phong kiến – nơi mà cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trọn trong tay của nhà Vua thì với sự có mặt thêm của hệ thống pháp luật cụ thể đã góp phần tạo nên sự kỷ luật, kỷ cương, nghiêm minh gần như tuyệt đối.
Trước khi đi vào làm rõ những điều luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tác giả giải nghĩa một số hình phạt được sử dụng trong Quốc triều hình luật: (1) Biếm: giáng chức quan; (2) Đồ: đồ hình, tội giam cầm bắt làm việc khổ sai; (3) Lưu: lưu phóng, đày người có tội đi nơi xa.
Đồ hình cụ: Trượng (đầu lớn 5 phân, đầu nhỏ 2 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song lớn, không róc bỏ những mấu mắt); Roi (đầu lớn 3 phân, đầu nhỏ 1 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song, róc bỏ những mấu mắt).
Dẫn chứng một số điều luật trong Quốc triều hình luật đã nhận diện rõ hành vi tham nhũng, quy định chế tài xử phạt như sau:
- Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thất thoát tài sản, trục lợi, bòn rút tài sản công: “Làm những thuyền ngự, cầu hay đường ngự cùng những cung điện thường hay ngự mà không bền chặt thì người thợ phải tội lưu đi châu xa, người chủ làm bị xử tội biếm hay đồ; quan giám đương được giảm tội một bậc. Nếu không chỉnh đốn hay thiếu thốn thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, nhẹ thì được giảm môt bậc” [59; tr.163]
- Tội nhũng nhiễu vì vụ lợi: “Các quan tướng súy tại các phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình sách nhiễu tiền tài của nhân dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả lại cho dân…” [59; tr.73]
- Tội nhận hối lộ: “Những vị đại thần và các quan văn võ đối với các nhà không phải họ hàng anh em và người thuộc hạ của mình mà không có việc gì cần lại cứ hay đi lại để họp đảng uống rượu và nhận hối lộ hay dùng tài vật để kết giao, đuổi hết người nhà để nói thầm hoặc yêu mến mà quyến luyến kẻ tội nhân, thì coi như có âm mưu phản nghịch, theo sự tình nặng nhẹ mà định tội”[59; tr.84]
- Hay là quy định: “Quan ty làm ăn trái luật màăn hối lộ từ một quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức; từ 10 quan đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém. Những bậc công thần quý thần cùng những người có tài được dự vào hạng bát nghị mà ăn hối lộ từ một quan đến 9 quan thì xử phạt tiền 50 quan; từ 10 quan đến 19 quan thì phạt tiền từ
60 quan đến 100 quan; từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ, những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho” [59; tr.68]
- Tội lạm quyền chiếm đoạt tài sản xác định: “…Nếu người nào lạm chiếm quá phần đất đã định thì bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư; người có vườn ao rồi mà lại chiếm nơi khác thì tội thêm một bậc. Nếu người nào có công được vua cấp thêm đất thì không kể”[59; tr.88]
- Trong một số trường hợp, những người biết tội phạm mà không báo cáo lại còn ăn hối lộ để bao che thì cũng bị xử lý. “Những người coi chợ và người lính thợ thấy trong chợ có người làm đồ vật giả dối hay phá hủy tiền đồng mà tha thứ không bắt trình quan, thì bị tội biếm hoặc phạt. Người ăn hối lộ dung túng việc đó thì tội cũng giống như chính phạm” [59; tr.81]
- Nếu nhận hối lộ để làm không đúng quy định thì xử lý nặng hơn: “Viên quan được sai đi công tác, xem xét việc gì về tâu trình không đúng sự thực thì phải tội biếm hay đồ, nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sự thực thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm 2 bậc” [59; tr.84]
Ngoài những điều luật nêu trên, Quốc triều hình luật còn có một số quy định khác chỉ rõ những tội danh tham nhũng và hình phạt kèm theo. Mặc dù, quy định về tội tham nhũng trong Quốc triều hình luật chưa bao quát hết những hành vi tham nhũng cũng như đưa ra giải pháp phòng, chống tham nhũng cụ thể song với hành lang pháp lý cơ bản đã được thiết lập thì quân, thần, quý tộc triều Lê phần nào sẽ không dễ để lạm quyền, lộng quyền. Những quy định trong Quốc triều hình luật vào thời kỳ đó là căn cứ để nhà Vua trị tội những người thực hiện hành vi tham nhũng. Ngoài ra, quy định rõ tội tham nhũng và đặc biệt là chế tài xử phạt nếu vi phạm còn đóng vai trò phòng
ngừa, răn đe đối với quân quan, quý tộc có mưu đồ trục lợi, lạm dụng quyền lực.