Trọng hiền tài, lựa chọn cá nhân có năng lực, phẩm hạnh tốt vào làm việc trong bộ máy chính quyền phong kiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua lê thánh tông và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay (Trang 58 - 64)

vào làm việc trong bộ máy chính quyền phong kiến

Trên thế giới tài nguyên ngày càng cạn kiệt, còn tri thức và sức sáng tạo của con người là vô hạn. Tri thức là sản phẩm trí tuệ của con người. Chính vì vậy hiền tài, nhân tài và lao động trí thức đã trở thành một lực lượng sản xuất mới, giữ vai trò quyết định hơn cả nguồn vốn tài chính và tài nguyên. Hiền tài và nhân tài là những thuật ngữ được sử dụng tương đối phổ biến trong khoa học xã hội, đặc biệt trong công tác quản lý điều hành đất nước. Có thể điểm ra một số điển tích cổ của Việt Nam nhắc đến những nội dung mang hàm nghĩa nhân tài, hiền tài như:

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương; Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt thời nào cũng có – trích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.

Hay là:

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hựng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương, không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên – trích Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất 1442 của Thân Nhân Trung.

Trong bối cảnh hiện đại, Chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam từ 2011 – 2020 cũng nhấn mạnh giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Nhà nghiên cứu TS. Hồ Văn Hoành (Trung ương Hội Khoa học phát triển Nguồn lực – Nhân tài Việt Nam) cho rằng: “Ở nước ta hiện nay, đại diện cho lực lượng ưu tú trong xã hội là Người tài và Hiền tài; còn Nhân tài vốn là thuật ngữ Hán-Việt, Nhân là ngườI, có nghĩa là Nhân tài đồng nghĩa với Người tài. Vì vậy, khẳng định rằng ở nước ta chỉ có 2 khái niệm nhân tài (người tài) và hiền tài”. Theo cách hiểu này, nhân tài, hiền tài dùng để chỉ những người tài, trong đó, người hiền tài “phải có năng lực phát hiện ra tài năng, biết tiến cử, sử dụng và phát huy năng lực của những người tài giỏi hơn mình, biết quy tụ, đào tạo và sử dụng họ” [21]. Như vậy, hiền tài mang hàm ý sâu sắc và quan trọng hơn, đặc biệt đối với sự phát triển của tổ chức, địa phương, hay rộng lớn là ở cả quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sở dĩ nhân tài, hiền tài được mọi nhà nước coi trọng và coi đây là nguồn lực quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc ở một số điểm như sau:

- Họ là những người trực tiếp đưa nền sản xuất, sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, dân tộc đi lên theo hướng hiện đại, văn minh.

- Đây là những người được xã hội kính nể, coi trọng, là tấm gương để thế hệ sau noi theo.

- Nhân tài, hiền tài là những người gánh vác các trọng trách lớn, kinh bang, tế thế, trị quốc, đưa đất nước đến sự phát triển cao độ.

- Nhân tài, hiền tài không tự xuất hiện, mà Nhà nước cần phải có chính sách, đường lối để đào tạo, trọng đãi họ, gắn sự nghiệp của họ với quá trình phát triển đất nước.

Với 37 năm trị vì của mình, Lê Thánh Tông thể hiện mình là người có quan điểm trọng Nho giáo sâu sắc, không chỉ tập trung mạnh mẽ quyền lực vào ngai vàng mà còn định hướng học tập của kẻ sĩ trong thiên hạ. Với tư tưởng đó, Lê Thánh Tông cùng quần thần của mình đã tổ chức việc học tập, hướng kẻ sĩ vào con đường chính thống Nho giáo đó là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong bốn điều tu - tề - trị - bình ấy thì tu thân phải là gốc của mọi ý nghĩ và hành vi suốt cuộc đời. Đạo lý này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, khi sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi chúng ta là nền tảng vững chắc cho sự thành công sau này. Theo đó, tu thân phải đạt được ba đức tính nhân - trí - dũng. Nhân tức là có nhân nghĩa, thể hiện tấm lòng yêu thương cha mẹ, gia đình. Trí là trí tuệ của kẻ sĩ, dùng trí đó giúp gia đình, đất nước vững mạnh. Có nhân, có trí nhưng cần có cả dũng. Dũng ở đây rộng lớn hơn vũ lực, dũng còn là sự dũng cảm, dám đương đầu với thử thách, dám “làm nghiệp lớn”. Để hướng kẻ sĩ vào con đường học tập, Lê Thánh Tông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng các nhà học, trường học, mở rộng quy mô giáo dục ra toàn quốc, vốn các triều đại trước đó còn có sự bó hẹp trong phạm vi giới quý tộc. Đặc biệt, vua thường xuyên giám sát việc giảng dạy cũng như học tập ở Quốc tử giám, đích thân đọc các bài thi, tự mình gặp gỡ, đối đáp và lựa chọn nhân tài làm việc. Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân - Văn bia năm 1487.

Lê Thánh Tông, được các nhà sử học nhận định là một trong những vị vua học tập và áp dụng triệt để học thuyết Nho giáo (đặc biệt là Tống nho) để xây dựng nền quan chế, quản lý xã hội. Triều đại vua Lê Thánh Tông, cùng với thời kỳ vua Minh Mạng (triều Nguyễn sau này) cầm quyền là đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền ở Việt Nam, trật tự xã hội được thiết lập dựa trên những nguyên tắc, phẩm hạnh, quy chế nhất định, kỷ luật, kỷ cương được

bảo đảm. Khi nhắc đến thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì, chúng ta không thể không điểm ra những nhà Nho nổi tiếng, những học giả uyên bác như Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Nguyễn Cư Đạo, Đàm Văn Lễ, Nguyễn Bảo…

Nhận thức được rằng “trăm quan là nguồn gốc của trị loạn”, chính vì vậy, vua Lê Thánh Tông đã xây dựng và thi hành nhiều chính sách để đào tạo, tuyển dụng và bố trí sử dụng nhân tài làm việc trong triều đình của mình. Để lựa chọn đội ngũ quan lại có tài năng, “thực học”, triều đình trị tội rất nặng với mọi hành vi gia lận trong thi cử. “Những cử nhân vào thi hội mà mượn người làm hộ bài thi cùng người làm hộ đều phải biếm ba tư; thi hương thì phải biếm hai tư. Người giấy sách vở đem vào trường thi bị phạt 80 trượng” [59; tr.60]. Trong các bài thi, người ra đề đặc biệt chú trọng khai thác những điển tích Nho giáo, thơ kinh Khổng tử hướng học trò xây dựng hình tượng người quân tử hội tụ đầy đủ phẩm chất “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Những phẩm chất, cốt cách đó chính là nền tảng để triều đình vua Lê Thánh Tông có được những cá nhân “tài đức vẹn toàn” tận trung làm việc, tránh xa thói hủ hóa, tham ô, nhũng nhiễu dân lành.

Bên cạnh việc chú trọng giáo dục, thi cử thì trong triều đại vua Lê Thánh Tông thực hiện việc đa dạng hình thức tuyển chọn quan lại như đề cử, tuyển cử và tập ấm. Bằng những ví dụ từ các triều đại phong kiến trước đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng những hình thức tuyển chọn nhân tài này là không mới. Tuy nhiên, với những phát kiến và tầm nhìn mưu lược của bản thân vua cũng như quần thần, triều đình vẫn có thể lựa chọn được người tài mà không cần phải đợi đến các kỳ thi. Điểm đột phá trong chế độ tuyển dụng nhân tài của vua Lê Thánh Tông đó chính là đề ra tiêu chí “hiệu quả công việc”. Triều đình luôn tiếp nhận những đề cử, tuyển cử, con em của bậc quý tộc, quần thần song họ phải là những người có thực tài, sát hạch kỹ càng của

quan cấp trên. Ngoài ra, vua Lê Thánh Tông cũng quy định trách nhiệm đối với người tiến cử nhân tài, dù nắm giữ vị trí đại thần nhưng nếu tiến cử người không đủ tài, không đảm đương được nhiệm vụ thì cũng phải chịu phạt. “Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì xử tội nặng thêm hai bậc” [59; tr.77]. Không những vậy, chính việc đề cử những người có thực tài cũng là cách để các vị đại thần củng cố uy tín của chính mình trong triều đình. Những người tài khi được lựa chọn vào đội ngũ lại phải tuân thủ những nghĩa vụ cụ thể do vua ban hành, chú trọng sự tận tụy, chuyên cần, kịp thời trong xử lý công việc; công minh, chính trực, nghiêm cấm sự nể nang, bao che trong thực thi công vụ.

Trọng đãi người tài là vấn đề cốt yếu trong việc trị nước. Bởi vì, nếu không có hiền tài hỗ trợ thì một hoặc một vài cá nhân của bộ máy quan chế khó lòng quán xuyến mọi việc của xã hội. Lê Thánh Tông bên cạnh những chính sách đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân tài thì cũng đặc biệt lưu tâm việc trọng đãi họ. Trọng đãi nhân tài, luận công ban thưởng, đúng người, đúng việc sẽ tạo lập được động lực làm việc lớn cho quan lại. Đồng thời, trọng đãi cũng là cách để thiết lập, gắn kết hơn nữa mối quan hệ “vua – tôi” giữa Lê Thánh Tông và triều thần của mình. Trong đãi nhân tài, đa phần mọi người thường cho rằng đó là những tặng phẩm, là tiền bạc, vật chất nhưng Lê Thánh Tông, bằng tầm nhìn cũng với mưu lược của mình đã trọng đãi họ, với một chuẩn mực và nguyên tắc riêng. Để người được trọng đãi cảm thấy muôn phần kính phục và hết lòng hết sức phụng sự triều đình, trung hưng Đại Việt.

Nhằm lưu giữ lại những điển tích, áng thơ văn kiệt xuất của những bậc anh tài cũng như vua Lê Thánh Tông được lưu lại muôn đời. Vua cho lập Hội Tao Đàn, thường được gọi là Tao đàn nhị thập bát Tú hay Tao đàn Lê Thánh Tông. Tác phẩm thơ của hội Tao Đàn rất phong phú và chiếm phần lớn trong

các tác phẩm văn học viết nửa sau thế kỷ XV. Tất cả các tác phẩm được chép trong bộ “Thiên nam dư hạ tập” gồm 100 quyển bao gồm đủ các mục như thơ, ca, phú, bình luân, địa chí. Sự ra đời của hội Tao đàn đánh dấu bước phát triển cao về văn chương thời đó. Thành viên Hội Tao đàn đều những người có năng lực, trình độ, giữ vị trí quan trọng trong triều đình của vua Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông đã dùng tình, dùng trí của mình để trọng đãi nhân sĩ, coi hiền tài như bạn tri âm, tri kỉ, cùng đàm luận văn chương. Nhưng, lấy văn chương để đo lòng quân tử, dùng thơ văn để ca ngợi đạo quân thần, yêu nước, thương dân. Đó chẳng phải là trọng đãi nhân sĩ nhưng vẫn gắn với công vụ triều đình, phát triển quốc gia hay sao?

Để trọng đãi, vinh danh người đỗ đạt có học vị cao, cũng giống như những triều đại phong kiến khác, vua Lê Thánh Tông cũng tổ chức công bố “bảng vàng”, cho Trạng Nguyên và các học sĩ vinh quy bái tổ. Tuy nhiên, so với những triều đại và các vị vua khác, Lê Thánh Tông tổ chức các buổi lễ công bố kết quả kỳ thi, trọng đãi người đỗ đạt cao rất long trọng. Nhà vua ngự điện Kính Thiên, trăm quan mặc triều phục chúc mừng, treo bảng vàng ở ngoài cửa Đông Hoa, bàn dân thiên hạ chụm đầu ngắm xem đều bảo rằng “Thánh triều văn minh, nhân tài nườm nượp thật là cuộc gặp gỡ chân chính thời thinh vậy” (Văn bia năm 1847). Vua Lê Thánh Tông đã khai thác triệt để học thuyết Nho giáo, lấy cái sự chính danh, lễ tiết, phẩm hạnh đề cao quan lại. Quan lại như tấm gương để người dân soi chiếu, đánh giá bộ mặt triều đình. Và cũng vì thế, việc tổ chức mừng hiền tài long trọng không chỉ là đề cao kẻ có học, mà cũng nhắc nhở hiền tài không ngừng cố gắng, nỗ lực cho xứng với vị trí mình vừa đạt được.

Với mong muốn đem lại nhiều vinh hiển hơn nữa cho những kẻ sĩ, nhân tài của đất nước, Lê Thánh Tông truyền lệnh dựa bia đá khắc tên những người đi đỗ và đặt ở của Quốc Tử Giám. Đây là những hạng mục di vật lịch

sử vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Mục đích của việc này là khiến cho mọi kẻ sĩ trong nước thấy mình được hâm mộ, như thế mà thêm phấn khởi, cố gắng rèn luyện danh tiết, cố gắng phục vụ hoàng thất. Rõ ràng, để được xướng tên lên bia đá không phải là chuyện đơn giản, vừa phải là kẻ có học, nhân tài xuất chúng, vừa phải có cái đức độ, sự cần cù trau dồi năng lực học vấn và cả những đánh giá của vua Lê Thánh Tông. Thân Nhân Trung, hiền sĩ bên cạnh vua Lê Thánh Tông đã lý giải kỹ hơn về việc dựng bia đá, ông cho rằng trước hết kẻ sĩ chốn trường ốc, lều tranh, số phận nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ và lòng tự trọng khiến họ phải hết lòng báo đáp ân Vua. Trong số những kẻ sĩ ấy cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi vì lúc họ sống chưa được nhìn thấy tấm bia đá trinh bạch này thôi [20; tr.35]. Bia đá Văn Miếu không chỉ là những minh chứng vô cùng có giá trị về lịch sử mà còn khẳng định cho các dân tộc, quốc gia khác một điều: Việt Nam là một nước lớn, có bản sắc văn hóa, giáo dục, lễ nghi, trọng giáo dục, lấy nhân tài làm gốc của đất nước, cái trí của kẻ sĩ hướng đến việc phụng sự, trung hưng tổ quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng, chống tham nhũng dưới triều đại vua lê thánh tông và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)