8. Cấu trúc luận văn
1.3. GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TIỂU HỌC
1.3.1. Mục tiêucủa giáo dục kỹ năngsống cho HS tiểu học
Mục tiêu giáo dục của Việt Nam đã chuyển từ cung cấp kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, hình thành và phát triển những năng lực cần thiết [2]. Ở người học trong đó các kỹ năng là một thành phần quan trọng để đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước. Học sinh không chỉ cần có kiến thức, mà còn phải biết làm, biết hành động phù hợp trong những tình huống, hoàn cảnh [10].
Các tác giả đã phân tích tầm quan trọng của việc GDKNS cho học sinh trong các trường phổ thông, KNS là nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh, KNS thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội. GDKNS là yêu cầu cấp thiết đối với thế hệ trẻ nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và cách tiếp cận phương pháp GDKNS cho học sinh [17].
Các công trình nghiên cứu về KNS và GDKNS của các tác giả như: Đặng Quốc Bảo [3]; Phạm Minh Hạc [21]; Phạm Văn Nhân [36]; Trần Thời [45]; Nguyễn Thanh Bình [5,6,7,8,9] cũng nhất quán về mục tiêu của giáo dục KNS là: “Nâng cao tiềm năng của con người để có hành vi thích ứng và tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu, sự thay đổi, các tình huống của cuộc sống hàng ngày, đồng thời tạo ra sự thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Chương trình rèn luyện KNS nhằm giáo dục, rèn luyện khả năng giao tiếp, ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, giúp các em có khả năng ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm; ý thức tự rèn luyện và bảo vệ sức khỏe, biết cách phòng tránh các tai nạn thương tích. Thông qua chương trình, giúp các em tự trang bị KNS, hiểu về giá trị sống, tạo những thói quen có ích trong cuộc sống, trong học tập, trong giao tiếp và sinh hoạt cộng đồng. Giáo dục, trang bị kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm giúp các em hình thành nhân cách, quan điểm sống tích cực [49].
Giáo dục kỹ năng sống cho HS tiểu học nhằm các mục tiêu sau:
- Trang bị cho HS những kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp, hình thành cho HS những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực.
- Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển hài hoà về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
- Có khả làm chủ bản thân, thích ứng và sẵn sàng ứng phó trước những tình huống khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
- Hình thành cho học sinh hành vi, thói quen, cách ứng xử lành mạnh, mang tính xây dựng, rèn luyện sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng; Biết trải nghiệm sáng tạo từ các hành vi để vận dụng thực tiễn.
1.3.2. Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học
Nội dung GDKNS cho HS rất phong phú, trong đó có thể nói đến một số KNS cốt lõi, cơ bản nhất đối với lứa tuổi tiểu học như:
* Kỹ năng giao tiếp – hòa nhập cuộc sống
Giao tiếp là bản chất của các mối quan hệ của con người. Mối quan hệ của HS rất phong phú, đa dạng như: quan hệ với người thân trong gia đình, họ hàng với thầy cô giáo, với bạn bè cùng lứa tuổi trong và ngoài trường học, với những người họ gặp gỡ trong cuộc sống. Giúp các em biết giới thiệu về bản thân, gia đình, trường lớp và bạn bè thầy cô giáo; Biết chào hỏi lễ phép trong nhà trường, ở nhà và nơi công cộng; Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
* Kỹ năng tự nhận thức
Tự nhận thức là một KNS cơ bản, nó giúp cá nhân hiểu rõ về bản thân mình như: đặc điểm, tính cách, thói quen, thái độ, ý kiến, cách suy nghĩ, cảm xúc, các mối quan hệ xã hội cũng như những điểm tích cực và hạn chế của bản thân. Mỗi cá nhân đều có nhận thức riêng, có những ưu điểm đáng tự hào và những nhược điểm cần cố gắng, hoàn thiện thêm.
* Kỹ năng xác định giá trị
Giá trị là những gì con người cho là quan trọng, có ý nghĩa đối với bản thân mình, có tác dụng định hướng cho suy nghĩ, hành động trong cuộc sống. Giá trị có thể là những chuẩn mực đạo đức, thái độ...; Có thể thay đổi theo thời gian, theo các giai đoạn trưởng thành của trẻ.
* Kỹ năng hợp tác nhóm
Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. Kỹ năng hợp tác là khả năng cá nhân biết chia sẻ trách nhiệm, biết cam kết và cùng làm việc có hiệu quả với những thành viên khác trong nhóm. Bởi HSTH là công dân tương lai, cần phải được trang bị kỹ năng làm việc đồng đội, biết chia sẻ và hợp tác, biết giúp đỡ của những người xung quanh để tự hoàn thiện mình, biết tự nhận thức về bản thân và người khác, biết bày tỏ quan điểm cá nhân và kiên định với mục tiêu đã chọn, biết giữ lời hứa và tôn trọng những người xung quanh.
* Kỹ năng ứng phó với tình huống căng thẳng
Khi một cá nhân có khả năng đương đầu với sự căng thẳng thì nó lại là một nhân tố tích cực, bởi vì chính những sức ép sẽ buộc cá nhân phải tập trung vào công việc của mình và ứng phó một cách thích hợp. Tuy nhiên, sự căng thẳng còn có sức mạnh hủy diệt cuộc sống cá nhân, nếu nó quá lớn và không giải tỏa nổi nếu thiếu kỹ năng ứng phó.
* Kỹ năng trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình trước đám đông
Là cách để học sinh thể hiện bản thân, phát triển các khả năng tiềm ẩn nhằm cung cấp cho các em những kiến thức hữu ích, các kỹ năng “mềm” cần thiết về giao tiếp bằng lời nói và ngôn ngữ, giúp các em luôn mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, thể hiện bản thân. Khi tập cho các em các kỹ năng này, cha mẹ, thầy cô cần bắt đầu từ việc đơn giản như: kể chuyện theo tranh, hay dạng hỏi đáp đơn giản. Lúc các em đã mạnh dạn và có cái nhìn tổng quát về trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình trước đám đông, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo có thể nâng cao nội dung thuyết trình lên một mức mới sẽ giúp các em kiểm soát được hành vi của bản thân khi diễn đạt, giao tiếp thông qua những hoạt động tương tác nhóm để giáo dục các em tự tin, mạnh dạn trước tập thể.
* Kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung
Việc GDHS ý thức giữ vệ sinh cá nhân, trường lớp cần phải thực hiện thông qua những hoạt động cụ thể, sinh động hơn, dần dần nâng cao về mặt nhận thức, hình thành các thói quen tốt trong bảo vệ môi trường cho HS. Từ đó, các em được GD chu đáo, hiểu sâu sắc về ý nghĩa giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp.
1.3.3. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học
N.X.Leytex đã khắc họa: “Tuổi tiểu học là thời kì của sự nhập tâm và tích lũy tri thức, thời kì mà sự lĩnh hội chiếm ưu thế. Chức năng trên được thực hiện thắng lợi nhờ các đặc điểm đặc trưng của lứa tuổi này - sự tuân thủ tuyệt đối vào những người có uy tín với các em (đặc biệt là thầy, cô giáo), sự
mẫn cảm, sự lưu tâm, đặc biệt là thái độ vui chơi ngây thơ đối với các đối tượng mà các em được tiếp xúc” [37].
Mỗi HSTH là một chỉnh thể, một thực thể hồn nhiên. Các em trong độ tuổi tiểu học có sự phát triển bình thường về thể chất và tâm lý, một bộ phận nhỏ thể lực còn yếu và một số ít trẻ em có tật. Nhu cầu nhận thức của HSTH đã phát triển khá rõ nét từ nhu cầu tìm hiểu các sự vật hiện tượng riêng lẻ (lớp 1,2) đến nhu cầu phát hiện những nguyên nhân, quy luật và các mối liên hệ, quan hệ (lớp 3, lớp 4, lớp 5). Với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao hơn, các gia đình đều sinh ít con, con cái trở thành tài sản quý giá, hiếm hoi nên hầu hết các gia đình đều chăm lo cho con cái vì thế, các em phát triển thể lực hơn thế hệ trước cùng tuổi.
Học sinh tiểu học còn là một nhân cách đang hình thành rất dễ xúc động và rất khó kìm hãm xúc cảm của mình. Tình cảm của các em còn mỏng manh, chưa bền vững, chưa sâu sắc. Cho nên, trẻ dễ tiếp thu sự nuôi dưỡng, giáo dục, dễ thích nghi với điều kiện sống và học tập. Do đời sống được nâng cao, nhất là ở thành phố, trẻ em đa số được nuông chiều, ít phải tự lực vượt khó khăn, có sự hỗ trợ nhiều của máy móc,... nên một số phẩm chất như ý chí, tinh thần vượt khó, lòng dũng cảm, tính kiên trì chậm phát triển, không bằng các thế hệ trước. Đồng thời các em được tiếp cận sớm và nhiều với các phương tiện thông tin hiện đại. Bên cạnh các mặt tích cực, các em rất dễ bị ảnh hưởng xấu của các mặt tiêu cực. Vì vậy, công tác GDKNS cho HS ở lứa tuổi tiểu học cần có sự phối hợp với các LLGD, tạo nên sự thống nhất giữa nhà trường - gia đình - xã hội để hình thành và phát triển nhân cách cho HS phù hợp với yêu cầu hiện nay. Dựa vào đặc điểm HSTH, căn cứ vào các kỹ năng sống cần giáo dục cho học sinh, căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng học sinh tiểu học, căn cứ vào những kỹ năng được phân loại theo nhóm trong giáo dục chính quy ở nước ta [12], có thể đưa ra một số KNS cần giáo dục cho HSTH bao gồm:
+ Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với chính mình + Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với người khác + Nhóm kỹ năng ra quyết định một cách có hiệu quả
Với từng lứa tuổi mà yêu cầu về mức độ đạt được của các kỹ năng của học sinh là khác nhau.
1.3.4. Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học
GDKNS là yêu cầu cấp thiết đối với HSTH nhằm phát triển toàn diện cho HS, là cầu nối giúp con người biến kiến thức thành những hành động cụ thể, những thói quen lành mạnh.
Kỹ năng sống của HS đã từng bước được hình thành từ việc giáo dục của gia đình ngay từ khi các em còn nhỏ, trải qua môi trường GD của trường mầm non, các KNS của HS ngày càng được định hình rõ nét hơn. Đối với HSTH, việc GDKNS có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì ở lứa tuổi này, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về thể chất, thì óc tò mò, xu thế thích cái mới lạ, thích được tự khẳng định mình, dễ hành động bộc phát. Do thiếu kinh nghiệm sống và suy nghĩ nông cạn, cảm tính nên các em có thể ứng phó không lành mạnh trước những áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là áp lực về việc thay đổi hoạt động tự vui chơi là chính, sang hoạt động học tập đòi hỏi các em phải tập trung trong một thời gian dài. Do vậy, GDKNS sẽ góp phần giúp các em thích ứng với những áp lực cao của hoạt động học tập cũng như những thách thức trong cuộc sống, từ đó các em có khả năng tự bảo vệ tinh thần và sức khoẻ của chính mình và những người khác trong cộng đồng.
1.3.5. Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học
* Phương pháp động não
Giáo viên đưa ra một vấn đề, một yêu cầu và trong một thời gian ngắn, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, có cách giải quyết hay xử lý, học sinh nảy sinh được nhiều ý tưởng về một vấn đề nào đó. Đây là một phương pháp có khả
năng “lôi ra” một danh sách thông tin và ý tưởng. Thông qua phương pháp động não, giáo viên rèn cho học sinh kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xử lý tình huống, chia sẻ thông tin, kỹ năng thuyết trình trước đám đông,...Trước các vấn đề đặt ra, giáo viên cần phát huy ở HS tính sáng tạo, năng động, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức.
* Phương pháp nghiên cứu tình huống
Nghiên cứu tình huống thường xuất phát từ một câu chuyện được viết ra nhằm tạo ra tình huống “thật” để minh chứng cho một hoặc một loạt vấn đề. Đôi khi có thể nghiên cứu tình huống trên một đoạn video, một băng cát sét hoặc dưới dạng hình vẽ. Tình huống GD kỹ năng giao tiếp là một sự kết hợp các yếu tố vật chất (tài liệu, các mối quan hệ, ngôn ngữ, hành vi,...) các yếu tố tinh thần (tri giác, thái độ, tình cảm),... và các hoạt động tâm lý cá nhân.
Việc tạo ra tình huống giáo dục kỹ năng giao tiếp là công việc hoàn toàn chủ động của giáo viên. Giáo viên phải có những biện pháp cá nhân hoá quá trình tập luyện, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ở người học, lôi cuốn người học tham gia xử lý tình huống, giải quyết vấn đề mà tình huống đặt ra.
* Phương pháp trò chơi
Là tổ chức cho học sinh thực hiện những hành động, thái độ, những việc làm và thực hành kỹ năng giao tiếp phù hợp với chuẩn mực hành vi giao tiếp đã học thông qua một trò chơi nào đó. Cùng với học, chơi là nhu cầu không thể thiếu được của HSTH. Dù không còn là hoạt động chủ đạo trong hoạt động của trẻ, song vui chơi vẫn giữ một vai trò không thể thiếu và có một ý nghĩa quan trọng đối với các em. Qua trò chơi, học sinh không chỉ phát triển về trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ mà còn được hình thành nhiều phẩm chất và hành vi đạo đức cũng như kỹ năng giao tiếp. Chính vì vậy, trò chơi được sử dụng trong tiết học, trong HĐGDNGLL, được coi là một phương pháp dạy học quan trọng trong giáo dục hành vi kỹ năng giao tiếp và giáo dục đạo đức cho HSTH.
* Phương pháp thảo luận nhóm
Thực chất của phương pháp thảo luận nhóm là giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia trao đổi về một vấn đề học tập, văn hóa, đạo đức hay một nội dung giáo dục kỹ năng giao tiếp nào đó theo nhóm. Trong đó, giáo viên kích thích học sinh tích cực hợp tác, tìm tòi, thảo luận để giải quyết nhiệm vụ dạy học và giáo dục đặt ra trong môi trường nhóm, lớp, tạo cơ hội cho nhiều người học cùng tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng hợp tác, giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng xử lý tình huống, bày tỏ thái độ quan điểm cá nhân. Làm việc theo nhóm giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng giao tiếp cơ bản và thực sự cần thiết cho quá trình hình thành, phát triển nhân cách sau này.
* Phương pháp đóng vai
Là giáo viên phối hợp với học sinh tổ chức thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Thông qua hoạt động đóng vai, GV giúp học sinh bày tỏ thái độ, quan điểm của mình và rèn kỹ năng giao tiếp như: kỹ năng chào hỏi, nói lời cảm ơn xin lỗi, nói lời yêu cầu hay đề nghị, nghe và nhận điện thoại,... Ví dụ, ở bậc tiểu học, khi dạy bài “Quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ” trong chương trình giáo dục môn đạo đức lớp 3, GV tổ chức cho học sinh đóng vai tiểu phẩm “Ai thương ông nhất”. Thông qua việc đóng vai của tiểu phẩm, HS bày tỏ thái độ của người con, người cháu trong gia đình đối với ông bà, cha mẹ và thực hành cách ứng xử trong việc quan tâm, chăm sóc ông bà, người thân trong gia đình.
Phương pháp đóng vai giúp học sinh rèn luyện, thực hành những kỹ