8. Bố cục của luận văn
1.3. Xây dựng văn hóa nhà trường cao đẳng
1.3.1. Văn hóa, văn hóa nhà trường, cấu trúc văn hóa nhà trường và xây dựng văn hóa nhà trường
1.3.1.1. Văn hóa
Có nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm văn hóa. Theo quan niệm của UNESCO: Văn hóa là tổ hợp các đặc điểm tinh thần, vật chất, trí tuệ, tình cảm nổi bật của xã hội hay nhóm xã hội, bao hàm cả nghệ thuật, văn học, lối sống, cùng với đường đời, hệ giá trị, truyền thống và niềm tin. Văn hóa là
toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần [60].
Thái Duy Tuyên cho rằng, văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, là kinh nghiệm của lịch sử xã hội loài người đã được hệ thống hóa, tích lũy lại qua nhiều thế kỷ và có thể truyền lại cho các thế hệ sau
[54]. Còn Trần Ngọc Thêm thì nhấn mạnh, văn hoá là một bộ phận không thể tách rời cuộc sống và nhận thức của cá nhân và cộng đồng. Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỉ, các hoạt động ấy đã hình thành nên một hệ giá trị, các truyền thống và các
thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc [59].
Từ các quan niệm trên, trong luận văn này chúng tôi xác định: Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần đã được hệ thống hóa, tích lũy
lại qua thời gian và có thể truyền lại cho các thế hệ sau.
Như vậy, văn hóa gồm hai thành tố cơ bản: các giá trị vật chất (văn hóa vật chất - văn hóa vật thể) và các giá trị tinh thần (văn hóa tinh thần - văn hóa phi vật thể). Đối với mỗi nền văn hóa khác nhau, mỗi dân tộc và quốc gia khác nhau có các giá trị văn hóa khác nhau. Các giá trị này phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, môi trường, vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc, các quốc gia, vào lịch sử phát triển của dân tộc và các quốc gia đó.
Các giá trị văn hóa được hình thành trong khoảng thời gian nhất định, được bổ sung, được chọn lọc và phát triển để nó phù hợp với điều kiện và môi trường sống. Trong quá trình hội nhập văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự hòa nhập giữa các nền văn hóa ngày càng lớn. Một nền văn hóa vừa tiếp nhận các giá trị của các nền văn hóa khác, vừa bảo lưu các giá trị truyền thống tốt đẹp để làm phong phú thêm hệ giá trị của mình.
Các giá trị văn hóa được bảo lưu nhờ sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng là một trong các tiêu chí để giáo dục con người, xây dựng và phát triển đất nước.
1.3.1.2. Văn hóa nhà trường
Các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa tồn tại trong một tổ chức. Các cá nhân có những nền tảng văn hóa, lối sống, nhận thức khác nhau, ở những vị trí làm việc khác nhau trong một tổ chức, có khuynh hướng hiển thị văn hóa tổ chức đó theo cùng một cách hoặc ít nhất có một mẫu số chung. Nó có liên quan đến cách nhận thức và lối hành xử của các thành viên đối với bên trong và bên ngoài tổ chức đó.
Nhà trường với tư cách là một tổ chức, nên VHNT là văn hóa của một tổ chức hành chính - sư phạm. VHNT có những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự khác biệt của nhà trường với các tổ chức khác và sự khác biệt giữa trường này với trường khác. VHNT liên quan tới toàn bộ đời sống vật chất,
tinh thần của một nhà trường. VHNT là những giá trị tốt đẹp được hình thành bởi một tập thể và được mỗi cá nhân trong nhà trường chấp nhận.
VHNT thể hiện ở mọi góc độ nhà trường, bao gồm từ phong cách ngôn ngữ của giáo viên và học sinh, cách bài trí lớp học, thái độ quan tâm của họ đối với nội dung chương trình và phương pháp giáo dục, đến những định hướng giá trị nhân cách của giáo viên và học sinh trước thay đổi của cuộc sống xã hội. VHNT lành mạnh sẽ giảm bớt xung đột và tăng tính ổn định.
Như vậy, VHNT là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần tồn tại trong nhà trường làm cho nhà trường có những nét riêng biệt, khác biệt để
phân biệt nhà trường này với nhà trường khác.
1.3.1.3. Cấu trúc văn hóa nhà trường
Có hai quan điểm được nghiên cứu khi nhắc tới cấu trúc văn hóa nói chung, cấu trúc VHNT nói riêng, đó chính là mô hình tảng băng văn hóa và mô hình văn hóa ba tầng bậc.
Mô hình tảng băng (có phần nổi, phần chìm) được Frank Gonzales đưa
ra năm 1978. Theo đó, VHNT giống như một tảng băng, có văn hóa thể hiện phần nổi và văn hóa thể hiện phần chìm. Văn hóa phần nổi là những thành tố có thể quan sát, nắm bắt hoặc thay đổi được. Phần văn hóa chìm là các giá trị, niềm tin, thái độ, giá trị về tinh thần khó quan sát hay thay đổi được, chỉ có thể cảm nhận và thấu hiểu khi tiếp cận với con người hoặc môi trường đó.
Mô hình cấu trúc ba tầng bậc được H. Schien đưa ra và được áp dụng
vào VHNT. Theo mô hình này VHNT có ba tầng bậc. Tầng thứ nhất, những yếu tố hữu hình - có thể quan sát được; Tầng thứ hai, những giá trị được thể hiện (niềm tin, thái độ, cách ứng xử); và Tầng thứ ba, những giả thiết cơ bản, bao gồm những yếu tố liên quan đến môi trường xung quanh, thực tế của tổ chức, hoạt động và mối quan hệ giữa con người trong tổ chức [70].
thể, dễ quan sát và nắm bắt vấn đề, được chia làm hai phần rõ ràng. Mô hình này được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam sử dụng khi bàn về cấu trúc VHNT. Tuy nhiên, mô hình ba cấp độ của VHNT phản ánh rất cụ thể, đầy đủ và chặt chẽ. Cấu trúc VHNT ở đây được thể hiện sâu hơn ở tầng thứ 3 - những giả thiết cơ bản. Như vậy, VHNT sẽ được quy chiếu rõ ràng trong mối quan hệ với môi trường xung quanh và được đặt trong hoàn cảnh thực tế.
1.3.1.4. Xây dựng văn hóa nhà trường
Nhà trường là một tổ chức, trước khi đề cập đến xây dựng VHNT cần nhận thức về xây dựng văn hóa tổ chức. Nhà nghiên cứu H. Schein khẳng định: văn hóa tổ chức được xây dựng thông qua các quá trình học hỏi tương tác. Có nghĩa là một tổ chức muốn xây dựng một nền văn hóa chung, mạnh
thì các thành viên của tổ chức phải có cơ hội học tập kinh nghiệm chung [73].
Bàn về xây dựng văn hóa tổ chức, các tác giả Nguyễn Vũ Bích Hiền, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Xuân Thanh cho rằng: xây dựng văn hóa tổ chức là hướng đến sự thống nhất về nhận thức ý thức giữa các thành viên và phát triển năng lực hành động thống nhất cho họ khi hành động. Do đó, xây dựng văn hóa tổ chức thực chất là xây dựng và đạt được sự đồng thuận về một hệ thống các giá trị triết lí hành động và phương pháp ra quyết định đặc
trưng cho phong cách của tổ chức và cần được tuân thủ nghiêm túc [21].
Từ nhận thức về xây dựng văn hóa tổ chức, chúng tôi đi đến nhận thức về khái niệm xây dựng VHNT là quá trình xây dựng và đạt được sự đồng thuận về một hệ thống các giá trị (vật chất và tinh thần) mang đặc trưng của nhà trường theo một phương hướng nhất định. Quá trình này gồm việc hình
thành các giá trị mới và bảo lưu, phát huy các giá trị đã có phù hợp.
Như vậy, xây dựng VHNT thực chất là hình thành các giá trị văn hóa của nhà trường. Tùy theo mục tiêu phát triển và điều kiện của từng trường mà có thể xác định các giá trị vật chất và giá trị tinh thần cần xây dựng khác nhau.