Sự kiện và chi tiết là những phương diện quan trọng trong nghệ thuật tự sự. Theo G. Genette, “tự sự là trình bày một sự kiện hay một chuỗi sự kiện có
thực hay hư cấu, bằng phương tiện ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ tự sự” [37,
tr.41]. Không có các sự kiện, tính chất tự sự sẽ không còn. Tương tự, chi tiết là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” [31, tr.59]. Đó là những "tiểu tiết" nhưng thường giữ vai trò quan trọng trong tác phẩm, như các "nhãn tự, thần cú" trong thơ. Sự kiện và chi tiết là những chất liệu không thể thiếu trong tổ chức tự sự của tác phẩm. Do đó, nghiên cứu về thi pháp tự sự của một tác phẩm, không thể bỏ qua những phương diện này.
Phần lớn truyện Nguyễn Nhật Ánh là những tác phẩm truyện vừa hoặc truyện dài với dung lượng tương đối lớn, hệ thống nhân vật khá đa dạng. Do đó, sự kiện và chi tiết được sử dụng để trần thuật trong tác phẩm của ông cũng rất nhiều và hết sức phong phú. Tuy nhiên, đó không phải là những sự kiện,
chi tiết dư thừa, hỗn độn hay rời rạc. Tất cả đều nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn và được tổ chức, sắp xếp một cách hợp lí, hiệu quả.
Trong thế giới truyện Nguyễn Nhật Ánh, sự kiện và chi tiết hết sức phong phú, bộn bề. Tuy nhiên, chúng lại được tổ chức trong một hệ thống chặt chẽ, liên quan mật thiết với nhau. Trong đó, có những sự kiện, chi tiết là kết quả của những sự kiện, chi tiết trước đó hoặc là nguyên nhân của những sự kiện, chi tiết sau này. Đặc biệt, nhiều sự kiện, chi tiết có vai trò quyết định sự rẽ hướng của cốt truyện hay bước ngoặt cuộc đời của nhân vật. Chẳng hạn, trong truyện Hoa hồng xứ khác, sự kiện "đóa hồng" Gia Khanh có người yêu đã thay đổi cuộc diện về mối quan hệ giữa ba chàng si tình Ngữ, Khoa, Hòa từ chỗ "tình địch" trở thành những người bạn "cùng hoàn cảnh".
Nếu một ngày nào đó, bạn bước vào tuổi mười sáu, lại phải đi trọ học xa nhà, thoát khỏi sự canh gác nghiêm ngặt của ba mẹ bạn, hẳn là bạn cũng được nghe những lời dặn dò kỹ lưỡng và vô vọng của các bậc sinh thành, hệt như trường hợp tôi ngày xưa.
Tôi hét lớn, giọng quả quyết. Ba tôi thật buồn cười. Tôi mà thèm vào yêu với đương. Tôi là tôi chúa ghét bọn con gái. Cái bọn về nhà chỉ biết học gạo, đến lớp thì õng a õng ẹo, lúc nào cũng ra vẻ "tiểu thư" thấy mà bắt ngứa con mắt! Suốt những năm học lớp tám, lớp chín, tôi không bao giờ chơi với bọn con gái. Mà bọn chúng hình như cũng chẳng thèm chơi với tôi. Hai bên cứ như chó với mèo, mỗi lần gặp nhau là nhe răng “gừ gừ” [13, tr.1-2].
Với cách mở đầu câu chuyện đơn giản, từ chuyện đi học xa nhà, sau đó là một loạt những sự kiện diễn ra; ban đầu là cô bé láu lỉnh luôn cà khịa đã dẫn tới việc "Tôi" rất ghét con gái. Rồi cũng chính “tôi” cũng lại bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của tình yêu đơn phương giữa ba chàng trai với một cô gái; liên tục có những "ngón đòn" rất học trò được tung ra hòng hạ gục đối thủ và giành chiến thắng. Nhưng rồi, lại chưng hửng khi biết người mình theo đuổi
đã có người thương,... từ đơn giản đến phức tạp, với những chi tiết, sự kiện hết sức phong phú, nhiều khi tưởng như vô hại nhưng lại là mắt xích rất quan trọng trong mạch truyện, khiến cốt truyện thay đổi một cách bất ngờ nhưng không hề gãy khúc mà hết sức chặt chẽ.
Trong truyện Cô gái đến từ hôm qua, sự kiện Thư nhận ra Việt An
không ai khác lại là chính là cô bé Tiểu Li gần nhà mà ngày xưa mình hay bắt nạt, người bạn hàng xóm đã chuyển đi ngày ấy nay lại học chung lớp đã khiến câu chuyện mang một hơi hướng mới, chứa đựng nhiều nét thú vị. Trong truyện, sự đối lập giữa hai thái cực thời gian giữa Thư ngày còn bé, luôn tự hào mình là cậu con trai thông minh có quyền bắt nạt và sai khiến các cô bé cùng lứa tuổi, với đủ các trò nghịch ngợm, các sự kiện, chi tiết trong câu chuyện cứ nối tiếp nhau cho đến một ngày Thư nhận ra Việt An lại chính là nhỏ Tiểu Li, con bé hàng xóm ngốc nghếch từng hứng chịu những trò nghịch ngợm của mình ngày bé, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Nói một cách khác, hồi nhỏ tôi ngon lành hơn bây giờ nhiều.
Hồi đó, muốn chơi với đứa con gái nào, tôi làm quen một cái "rụp", gọn ơ. Chỉ có sau này, khi lớn lên, tôi mới mắc cái tật lóng nga lóng ngóng trước phụ nữ.
Chính vì vậy mà thỉnh thoảng tôi thường ngồi mơ màng hồi tưởng lại cái thời huy hoàng xa xửa xa xưa với nỗi thèm muốn và ghen tị không giấu giếm.
Bây giờ tôi còn nhớ rõ mồn một cái ngày tôi cùng gia đình dọn đến chỗ ở mới. Lúc đó tôi còn bé tẹo, khoảng bảy, tám tuổi gì đó. Căn nhà mới nhiều phòng và xinh xắn hơn căn nhà cũ nhiều. Ngày mới dọn đến, tôi khoái chí chạy nhong nhong khắp chỗ. Lúc này mẹ tôi chưa sinh nhỏ Phương, em kế tôi, nên căn nhà trông thật rộng rãi và vắng vẻ. Chơi một mình cũng chán, lát sau tôi chạy ra trước hiên đứng ngắm xe cộ qua lại.Chợt tôi nhìn thấy trên
đống cát trước sân nhà bên cạnh có một con nhỏ đang chơi trò xây nhà. Con nhỏ trạc tuổi tôi, tóc thắt cái bím lúc la lúc lắc.
Khi tôi lò dò lại gần đứng coi, nó vẫn không hay biết, cứ lui cui đào đào đắp đắp [10, tr.1].
Những diễn tiến của sự kiện, chi tiết theo kết cấu vòng lặp trong câu chuyện và liên tục thay đổi đã đưa người đọc đi từ cảm xúc này đến cảm xúc bất ngờ và thú vị .
Không chỉ làm thay đổi cốt truyện, sự kiện, chi tiết trong truyện Nguyễn Nhật Ánh với vai trò người kể chuyện, còn giữ vai trò tác động, ảnh hưởng đến diễn biến tâm lí, cảm xúc của nhân vật. Trong tác phẩm Có hai con mèo
ngồi bên cửa sổ, một truyện viết về loài vật mang đầy chất thơ của Nguyễn
Nhật Ánh, trong sự kiện mèo Áo Hoa “đi theo người khác” tác giả đã phác họa tâm trạng mèo Gấu dường như một con người bị thất tình đến mức sang chấn tâm lý. Chàng mèo Gấu đáng thương càng si tình Áo Hoa bao nhiêu thì khi nàng mèo ấy “theo người”, mèo Gấu càng hụt hẫng, chán chường bấy nhiêu. Đây cũng được xem là sự kiện mang ý nghĩa điểm nhấn đặc sắc, có tính quyết định đối với cục diện câu chuyện cũng như tâm lí nhân vật trong tác phẩm.
Truyện Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu hướng tới đối tượng độc giả nhỏ tuổi với những đặc trưng riêng về thị hiếu thẩm mĩ và năng lực tiếp nhận. Do đó, khi tổ chức sự kiện, chi tiết, nhà văn thường hướng tới việc sử dụng những chi tiết, sự kiện gần gũi, nhẹ nhàng, bất ngờ nhưng không quá đột ngột, thậm chí có nhiều trường hợp là những sự kiện, chi tiết hài hước, buồn cười.
Sau mười ngày, đã xuất hiện trong vườn những hục hang và vài cái hố sâu hoắm.
Tới ngày thứ mười một, toàn bộ cây cối bắt đầu nói lời từ giã cuộc sống. Cành khô đi, lá rụng xuống và những trái mận quắt lại.
Buổi sáng ra thăm vườn, bàn tay ba thằng Hải cò không còn xoa đầu tôi nữa.lông mày dựng ngược, tay chỉ ra cổng rào, bằng cái giọng người ta chỉ dùng để quát kẻ cắp:
-Cút! [5, tr.30].
Đồng thời với đó, nhà văn sắp xếp, tổ chức chúng trong một hệ thống đơn giản, hợp lý, không quá cầu kỳ phức tạp, cùng với đó, các sự kiện có mối quan hệ mật thiết, bổ sung, giải thích cho nhau. Nhờ đó, sự kiện, chi tiết trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không bị rối rắm, khó hiểu hay đơn điệu, nhàm chán. Trái lại, chúng phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp nhận vì phù hợp với tâm lí lứa tuổi và tầm đón đợi của độc giả tuổi mới lớn. Đây cũng là một trong những thành công về phương diện tổ chức thế giới truyện của tác giả.