Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh bình định (Trang 35 - 40)

4. Giới hạn của đề tài

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Hình 3.1. Sơ đồ vị trí địa lý tỉnh Bình Định

Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung của Tổ quốc Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, có chiều ngang hẹp trung bình 55 km (chỗ hẹp nhất 50 km, chỗ rộng nhất 60 km). Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh 6.025 km2.

Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, có chung đường biên giới 63 km từ đèo Bình Đê, điểm cực Bắc với tọa độ: 14o42' Bắc, 108o56' Đông; phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, có chung đường biên giới 59 km, điểm cực Nam với tọa độ: 13o31' Bắc, 108o57' Đông. Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, có chung đường biên giới 130 km, điểm cực Tây với tọa độ: 14o27' Bắc, 108o27' Đông. Phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km, có điểm cực Đông ở xã Nhơn Châu (Cù Lao Xanh), có tọa độ: 13o36' Bắc, 109o21' Đông.

3.1.1.2. Địa hình

Do ảnh hưởng của rìa phía Đông cao nguyên Kon Tum, nên địa hình toàn tỉnh có xu hướng nghiêng từ Tây sang Đông với độ chênh lệch khá cao (khoảng 1.000 m). Độ cao trung bình so với mặt biển là 700 m. Bề mặt địa hình thường có dạng núi cao xen lẫn thung lũng, đồng bằng lòng chảo và đầm phá ven biển. Ảnh hưởng của phát triển kiến tạo địa chất và khí hậu đã dẫn đến tính đa dạng và phức tạp của địa hình toàn tỉnh như ngày nay. Về mặt trắc lượng hình thái có thể phân chia địa hình trong tỉnh ra thành 5 dạng chính: Địa hình núi, địa hình đồi núi xen lẫn đồng bằng, địa hình đồng bằng lòng chảo xen lẫn thung lũng, địa hình đầm phá ven biển và địa hình thềm lục địa.

- Vùng núi chiếm hai phần ba diện tích toàn tỉnh thường có độ cao trung bình từ 700 - 1.000 m, trong đó có 11 đỉnh cao trên 1.000 m, đỉnh cao nhất là 1.202 m ở xã An Toàn (huyện An Lão). Còn lại có 13 đỉnh cao từ 700 - 1000m. Các dãy núi liên kết với nhau chạy theo hướng Bắc - Nam. Đặc điểm của núi ở khu vực này có sườn dốc đứng, đỉnh nhọn, chúng thường bị chia cắt bởi nhiều đường phân thủy. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Đặc tính này cùng với các điều kiện thủy văn đã dẫn đến sự hình thành dạng bờ biển có nhiều đầm phá.

- Vùng đồi núi sót xen lẫn đồng bằng bao gồm các đồng bằng bóc mòn tích tụ như: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn (Bồng Sơn, Tam Quan) v.v. thường có những đồi núi sót nằm rải rác không theo qui luật, độ cao trung bình khoảng 50 - 200m.

- Vùng đồng bằng lòng chảo xen lẫn thung lũng là đặc điểm của tỉnh Bình Định và một số tỉnh miền Trung.

Theo cấu trúc của địa hình, tỉnh Bình Định không có dạng đồng bằng châu thổ. Tại khu vực này phần lớn là các đồng bằng nhỏ được tạo thành bởi các yếu tố địa hình và khí hậu, mặc dù các đồng bằng này thường nằm trên lưu vực của các con sông hoặc ven biển và được ngăn cách với biển Đông bởi các đầm phá hoặc các

lòng chảo lớn nhất với diện tích khoảng 600 km2, còn lại là các đồng bằng rất nhỏ thường phân bố dọc theo các nhánh sông theo các dạng nón bồi tích tại các khu vực chân của các dãy núi được mở rộng.

Mặc dù các loại đồng bằng trên có diện tích không lớn, độ màu mỡ của đất không cao, nhưng có vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là cây lương thực. Tuy nhiên khu vực này thường xảy ra lũ lụt rất nặng nề trong mùa mưa lũ (tháng 10 và tháng 11).

- Vùng đầm phá ven biển và bờ biển được hình thành khá phổ biến trong vùng duyên hải:

Do ảnh hưởng của sự phân bố các dãy núi cũng như các yếu tố khí hậu và tác động của thủy triều cùng các quá trình thủy văn - động lực khác đã tạo nên nhiều đầm phá ở vùng ven biển tỉnh Bình Định. Những đầm phá lớn như đầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Thị Nại và phá Công Khánh. Các đầm phá được ngăn cách với biển bởi các đồi cát hoặc các dãy núi thấp và trao đổi nước với biển qua một cửa rất hẹp. Dạng địa hình đầm phá sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể nếu được chú ý nghiên cứu đầu tư vào việc nuôi trồng khai thác các nguồn lợi thủy hải sản. Ngoài khu vực đầm phá, bờ biển tỉnh Bình Định có thể phân chia thành hai dạng chủ yếu: Đoạn bờ biển từ Quy Nhơn đến giáp Sông Cầu thuộc dạng bờ biển tích tụ - mài mòn đang bị san bằng; đoạn từ Quy Nhơn đến Sa Huỳnh thuộc dạng bờ biển tích tụ - mài mòn bằng phẳng đã bị san bằng.

- Tiếp với khu vực bờ biển là vùng thềm lục địa khá rộng lớn:

Độ sâu thường đạt đến 50 m khi cách bờ khoảng 10 km. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, với địa hình có độ dốc lớn và sâu nên việc thăm dò và khai thác có thể gặp một số hạn chế nhất định.

Ngoài các vùng địa hình đặc trưng nói trên tỉnh Bình Định có khá nhiều sông lớn nhỏ nhưng phân bố không đều, đáng kể nhất là 4 sông lớn: sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Kôn và sông Hà Thanh. Trong đó sông Kôn và sông Lại Giang có vai trò quan trọng hơn cả. Hầu hết các sông nhánh trên vùng miền núi là phụ lưu của hai sông chính nói trên.

Nhìn chung các sông đều có độ dốc lớn, chịu sự chi phối của mưa trên lưu vực, sự ảnh hưởng của thủy triều chỉ một phần rất nhỏ ở cửa sông, đặc tính này khác hẳn với các sông miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Vì có độ dốc lớn, lưu vực ở hạ lưu hẹp nên bị lũ gây ở thượng nguồn rất nguy hiểm, đồng thời mùa kiệt gây nên sự khô cạn ở hạ lưu, giảm mực nước ngầm và tạo điều kiện cho sự xâm nhập mặn của biển.

3.1.1.3. Khí hậu, thuỷ văn

Tỉnh Bình Định nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Do sự phức tạp của địa hình và mặt đệm biến đổi khá lớn nên gió mùa khi vào đất liền đã thay đổi hướng và cường độ khá nhiều. Nếu xét tới các xu thế chủ yếu có thể phân chia chế độ gió trong năm của tỉnh có gió mùa Đông Bắc; phần phía Nam của tỉnh có gió Bắc và Tây Bắc. Trong thời kỳ này hướng gió nói chung tương đối ổn định. Từ tháng 4 - 8 ở phần phía Bắc tỉnh có gió Nam và Tây Nam; ở phần phía Nam tỉnh chủ yếu có gió Đông Nam và gió Tây, tiếp theo là gió Tây Bắc và gió Nam.

- Nhiệt độ không khí trung bình năm ở khu vực miền núi biến đổi từ 20,1 - 26,1oC, cực đại trung bình 25,0 - 31,7oC và cực tiểu 16,5 - 22,7oC. Tại vùng duyên hải, nhiệt độ không khí trung bình năm là 27,0oC, nhiệt độ cực đại 39,9oC và cực tiểu 15,8oC. Tổng nhiệt độ năm trong tỉnh (tại Quy Nhơn) đạt 9.636oC vượt tiêu chuẩn 9.500oC của khí hậu xích đạo.

- Độ ẩm tuyệt đối trung bình tháng trong năm 22,5 - 27,9 % và độ ẩm tương đối từ 79 - 92 % tại khu vực miền núi; tại vùng duyên hải độ ẩm tuyệt đối trung bình là 27,9 mb, cực đại 32,7 mb và cực tiểu 20,0 mb. Độ ẩm tương đối trung bình là 79 % và cực tiểu là 31 %.

- Chế độ mưa: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Riêng đối với khu vực miền núi có thêm một mùa mưa phụ từ tháng 5 - 8 do ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên. Mùa khô kéo dài từ tháng 1 - 8. Đối với các huyện miền núi tổng lượng mưa trung bình năm từ 2.000 - 2.400 mm. Riêng thung lũng sông Kôn từ 1.600 - 2.000 mm. Vùng có tổng lượng mưa trung bình năm lớn nhất là huyện An Lão (2.400 - 3.200 mm). Đối với vùng duyên hải tổng lượng mưa trung bình năm là 1.751 mm, cực đại là 2.658 mm và cực tiểu là 1.131 mm. Tổng lượng mưa trung bình có xu thế giảm dần từ miền núi xuống duyên hải. Riêng ở phía Bắc tỉnh có xu thế giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

- Về bão: Bình Định nằm ở miền Trung Trung bộ Việt Nam, đây là miền thường có bão đổ bộ vào đất liền. Hàng năm trong đoạn bờ biển từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Khánh Hòa trung bình có 1,04 cơn bão đổ bộ vào. Tần suất xuất hiện bão lớn nhất từ tháng 9 - 11.

Nhìn chung, vị trí địa lý và hoàn cảnh khí hậu trên đây của tỉnh đã chi phối đến các đặc trưng điều kiện tự nhiên khác cũng như chi phối mạnh mẽ đến các hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh. Để khai thác các mặt thuận lợi và phòng chống các mặt bất lợi cần thiết phải có sự nghiên cứu hệ thống và hiểu biết đầy đủ các quy luật khí hậu để có các giải pháp phù hợp và kịp thời.

3.1.1.4. Địa chất, thổ nhưỡng

a) Địa chất: Bình Định chủ yếu được cấu tạo từ đá macma axit như granit,

riolit; ở Tây Sơn có một ít macma bazơ. Ngoài ra còn có đá biến chất và trầm tích như gơnai, phiến thạch, sa thạch ... và mẫu chất phù sa cổ, phù sa mới.

Kết quả điều tra đất ở tỉnh Bình Định cho phép chia đất của tỉnh ra 9 nhóm, 22 đơn vị đất và 74 đơn vị đất phụ theo điều kiện hình thành, đặc điểm phát sinh, hiện trạng và hướng sử dụng.

b) Thổ nhưỡng: Bình Định có các nhóm đất sau đây:

* Nhóm đất cát: Diện tích 13.570 ha, phân bố ở tất cả các huyện, tập trung nhiều ở Phù Mỹ, Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát. Đây là nhóm đất có thành phần cơ giới thô hơn thịt pha cát ở độ sâu ít nhất 0-100cm, có ít hơn 35% các mảnh vỡ của đá ở tất cả các tầng đất 0-100cm, không mang tính chất phù sa hay đá bọt và không có tầng chẩn đoán nào khác ngoài tầng A sáng màu và tầng tại chỗ E. Nhóm đất cát trong tỉnh được hình thành ven biển, ven các sông chính do sự bồi lắng chủ yếu từ sản phẩm thô (granit) của dải Trường Sơn Nam với sự hoạt động của các hệ thống sông và biển.

* Nhóm đất mặn: Diện tích: 6.365 ha, trong đó: Huyện Hoài Nhơn 754 ha, Phù Mỹ 2382 ha, Quy Nhơn 785 ha, Phù Cát 1444 ha, Tuy Phước: 1000 ha.

Đất mặn hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, biển được lắng đọng trong môi trường nước biển.

* Nhóm đất phèn: Diện tích 899 ha, trong đó Hoài Nhơn 138 ha, Quy Nhơn 171 ha, Phù Cát 123 ha, Tuy Phước 467 ha.

Đất phèn được hình thành do sản phẩm bồi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (xác thực vật chứa lưu hùynh), phát triển mạnh ở môi trường đầm mặn, khó thoát nước. Đất phèn được xác định do sự có mặt trong phẫu diện đất 2 loại tầng chẩn đoán chính là tầng sinh phèn và tầng phèn.

* Nhóm đất phù sa: Diện tích 45.634ha, phân bố rất rộng trong tỉnh: An Nhơn 7.641ha, Tây Sơn 6.799ha, Hoài Ân: 6680ha, Phù Mỹ: 5.499ha, Hoài Nhơn: 5129ha, Tuy Phước 5.030ha. Phù Cát: 2720ha, Vân Canh: 2367ha, Quy Nhơn: 681ha...

Đất phù sa ở Bình Định hình thành do sự bồi đắp của các sông chính. Nhóm đất này phân hoá theo mẫu chất, điều kiện hình thành và hệ thống sử dụng.

* Nhóm đất gờ lây: Diện tích 15.968 ha, trong đó Phù Cát 4.734 ha, An Nhơn 3.044 ha, Tuy Phước 3.060 ha, Hoài Nhơn 2.052 ha, Hoài Ân 1.328 ham, Tây Sơn 538 ha, Phù Mỹ 495 ha, Quy Nhơn 351ha, An Lão 206 ha, Vĩnh Thạnh 160 ha.

Đất gờ lây hình thành từ các vật liệu không gắn kết, từ các vật liệu có thành phần cơ giới thô và trầm tích phù sa có các đặc tính phù sa. Chúng biểu hiện đặc tính gờ lây mạnh ở độ sâu 0-50cm. Đất hình thành ở những nơi thấp trũng ứ đọng nước và nơi có mực nước ngầm gần mặt đất.

* Nhóm đất than bùn: Đất than bùn phèn tiềm tàng chiếm diện tích nhỏ 120 ha, tập trung ở huyện Phù Mỹ. Đất than bùn phèn tiềm tàng hình thành ở địa hình thấp trũng do thực vật phát triển mạnh, sau khi chết chúng tích lũy thành các lớp xác thực vật dày > 50 cm.

* Nhóm đất xám: Diện tích: 425.835 ha, chiếm 70% diện tích tự nhiên tỉnh Bình Định, phân bố ở An Nhơn7.231 ha, Hoài Nhơn 22528 ha, Tây Sơn 43.278 ha, Phù Mỹ 35.997 ha, Quy Nhơn 10.638 ha, An Lão 57.978 ha, Vĩnh Thạnh 51.844 ha, Hoài Ân 61.904 ha, Vân Canh 77.436 ha, Phù Cát 46.741 ha, Tuy Phước 10.260.

Đất có tầng B tích sét với khả năng trao đổi cation dưới 24 me/ 100g sét và có độ no bazơ dưới 50%, tối thiểu là ở một phần của tầng B của lớp đất 0 - 125 cm, không có tầng E nằm đột ngột ngay ở trên một tầng có tính thấm chậm.

* Nhóm đất đỏ: Diện tích: 21313 ha, phân bố tập trung ở An Lão, Vĩnh Thạnh, có ít diện tích ở Hoài Nhơn, Hoài Ân.

Nhóm đất này chiếm 3,5 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đất đỏ ở Bình Định ở địa hình cao, chia cắt, dốc nhiều, chủ yếu phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá mẹ bazan.

* Nhóm đất tầng mỏng: Diện tích: 22.229 ha. Phân bố rộng khắp vùng đồi núi của tỉnh Bình Định, tập trung nhất ở huyện Tây Sơn.

Đất tầng mỏng hình thành ở vùng trung du, miền núi Bình Định trên sản phẩm phong hóa của đá granit ở địa hình chia cắt, dốc nhiều, nơi có lượng mưa lớn > 2000 mm/năm. Quá trình rửa trôi, xói mòn mạnh, tuy nhiên khác với nhóm đất này ở các vùng khác là nhìn chung thảm thực vật rừng ở đây còn khá.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh bình định (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)