Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện kinh tế nông nghiệp, cho đến đầu năm 2013 cả nước có khoảng 113.000 gia trại. Phần lớn các gia trại trong cả nước có quy mô đất đai dưới 10 ha (khoảng 62%). Trong đó đất thổ cư chiếm 0,97%, đất nông nghiệp chiếm hơn 68,81%, đất lâm nghiệp chiếm 28,73%, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 1,49%. Quy mô vốn đầu tư ban đầu của một gia trại tương đối lớn trong đó vốn tự có chiếm khoảng 91,03%.
Trong thời gian qua kinh tế gia trại phát triển sâu rộng trên khắp cả nước, ở mọi địa bàn. Tuy có khác nhau về phương thức sản xuất kinh doanh song kinh tế gia trại ở các vùng vẫn có đặc điểm chung là tận dụng mọi thế mạnh về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để phát triển sản xuất. Ở cùng một trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật, cùng một trình độ quản lý, các gia trại có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các gia trại có quy mô nhỏ, các gia trại chuyên canh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các gia trại tổng hợp.
Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nền văn minh lúa nước. Việt Nam có diện tích đất trồng lúa nước trên 4,3 triệu hecta. Ngoài ra, còn có diện tích mặt nước ao hồ, sông ngòi, kênh rạch chiếm diện tích lớn là cơ sở để hình thành nên ngành chăn nuôi vịt truyền thống
lâu đời. Trải qua thời gian dài phát triển, chăn nuôi vịt đã hình thành nhiều phương thức chăn nuôi khác nhau và trở thành một trong những vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và nền kinh tế đất nước. Theo thống kê của FAO (2011), Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) về số lượng vịt nuôi. Có thể nói Trung Quốc và Việt Nam là những đất nước có lợi thế đặc biệt về ngành chăn nuôi vịt.
Ở Việt Nam, ngành chăn nuôi vịt đang ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Quy mô lan rộng ra nhiều vùng trên cả nước, nhiều nhất phải kể đến là Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 32,19%; Đồng bằng sông Hồng chiếm 26,68% trong tổng đàn vịt của cả nước. Cơ cấu giữa nuôi vịt lấy trứng và nuôi vịt lấy thịt thì vịt lấy thịt chiếm 65 - 70%, nuôi vịt lấy trứng chiếm 30 - 35% [15].
Chăn nuôi vịt đang từng bước đạt được những thành quả quan trọng và có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, việc chăn nuôi vịt chưa tương xứng với tiềm năng và cần đẩy mạnh hơn nữa. Tại Hội Nghị thủy cầm thế giới lần thứ 5 được tổ chức ở Việt Nam, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam đề nghị, cần phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, chăn nuôi vịt thịt tập trung Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, chăn nuôi vịt hướng trứng tập trung các tỉnh miền Trung, chăn nuôi vịt kiêm dụng tập trung cho các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, nâng mục tiêu tăng trưởng về số lượng đàn 1 - 1,5%/năm. Tăng sản lượng thịt 8 - 10%/năm. Đưa tỷ trọng thịt xẻ gia cầm lên 32% vào năm 2020 [15].
Chương 2. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU