Đa số các gia trại chọn nghề nuôi vịt với lý do là có sẵn lao động và có ít ruộng đất nhưng một phần cũng do vốn ít, có những gia trại chăn nuôi vịt để tiếp nối nghề truyền thống mà ông cha để lại, số liệu cụ thể về lý do chăn nuôi vịt được thể hiện qua bảng 11.
Bảng 11. Lý do chọn nghề nuôi vịt
Nhân tố Số gia trại (n=80) Tỷ lệ (%)
Lợi nhuận cao 49 61,3
Ít vốn/ ít đầu tư 14 17,5
Dễ nuôi 22 27,5
Truyền thống từ lâu đời 19 23,8 Tận dụng lao động gia đình 27 33,8
Ít ruộng 33 41,3
(Nguồn: Phỏng vấn gia trại, 2015)
Qua phỏng vấn 80 gia trại về lý do chọn nghề nuôi vịt thì có 49 gia trại chiếm 61,3% tổng số gia trại trả lời nhằm mục đích kiếm lời, kế đến có 33 gia trại chiếm 41,3% trong tổng số gia trại cho rằng lý do nuôi vịt là do ít ruộng đất, nhiều gia trại chăn nuôi không có đất để canh tác, đời sống của họ lệ thuộc chủ yếu vào thu nhập từ chăn nuôi vịt mang lại. Lý do mà gia trại chọn nghề nuôi vịt kế đến là việc chăn nuôi vịt sẽ tận dụng được lao động gia đình, có 27 gia trại lựa chọn lý do này, chiếm 33,8%.
Có 19 gia trại chiếm 23,8% tổng ý kiến cho rằng lý do chọn nghề chăn nuôi vịt là do nghề truyền thống của gia đình, vì từ đời ông, đời cha họ đã làm nghề này. Họ chăn nuôi vịt như để thừa kế kinh nghiệm, thừa kế truyền thống gia đình họ.
Hoạt động chăn nuôi vịt rất đơn giản, với tập quán sống theo bầy đàn và di chuyển chậm, nên công tác chăm sóc, chăn thả vịt rất dễ dàng, thuận tiện. Tuy nhiên, rủi ro cho nghề chăn nuôi vịt lại rất cao, đòi hỏi gia trại phải nắm vững kỹ thuật chăn nuôi thì chăn nuôi vịt mới đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, nhân tố “dễ nuôi” chỉ được 22/80 gia trại lựa chọn.
Nhân tố vốn không ảnh hưởng lớn đến quyết định chăn nuôi vịt của gia trại, chỉ 14/80 gia trại cho rằng phát triển chăn nuôi vịt do ít cần vốn đầu tư. Điều này nói lên nghề chăn nuôi vịt cũng đòi hỏi nguồn vốn không ít.
Chăn nuôi vịt là mô hình sản xuất dễ thực hiện, đơn giản và tương đối hiệu quả đối với các gia trại trên địa bàn huyện, đặc biệt là các gia trại chăn nuôi vịt với ít nguồn lực sẵn có. Tất cả các khâu từ tuyển chọn và mua con giống đến khâu cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm trứng cũng tương đối dễ dàng, ngoại trừ trường hợp vịt mắc bệnh hoặc có dịch cúm gia cầm xảy ra thì hoạt động chăn nuôi sẽ gặp một số khó khăn và xáo trộn.
Trong những năm qua với sự biến động của giá đầu vào vật tư nông nghiệp như thức ăn, thuốc thú y… sự thay đổi của môi trường chăn thả như khan hiếm nguồn thức ăn chạy đồng, việc chuyển đồng và thuê ruộng chạy đồng ngày càng khó khăn, cùng với sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm đã gây nhiều biến động về tổng đàn trong chăn nuôi vịt của các gia trại tại huyện Lệ Thủy.
Tuy vậy chăn nuôi vịt tại huyện Lệ Thủy xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy sự phát triển của ngành chăn nuôi, đàn vịt tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 7,87%/năm, trong đó đàn vịt thịt tăng 3,50% và đàn vịt đẻ tăng 3,02%/năm (Phòng NN &PTNT huyện Lệ Thủy, 2014), tập trung tại các vùng trọng điểm là các xã: An Thủy, Lộc Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy…
Một thực trạng khá phổ biến đối với các gia trại chăn nuôi vịt ở địa bàn nghiên cứu là số lượng vịt qua các năm có sự biến động đáng kể. Khi được hỏi về sự thay đổi của số lượng vịt nuôi trong những năm qua, có 37,5% số gia trại trả lời tăng; 22,5% số gia trại cho rằng số lượng vịt nuôi của họ có xu hướng giảm; và số còn lại là 40% trả lời không thay đổi. Số gia trại này giải thích nguyên nhân của sự ổn định số lượng đàn vịt là do nguồn thu từ chăn nuôi vịt tương đối ổn định, phù hợp với quy mô gia trại của họ và nguồn thu này ít chịu tác động, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia trại vì vậy họ không thay đổi quy mô đàn vịt.