Di tích là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, là nguồn tư liệu trực tiếp cho ta những thông tin quan trọng để khôi phục các trang sử của dân tộc và nghiên cứu về cuộc sống của người dân qua từng thời kỳ. Qua di tích lịch sử văn hóa ta hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế thị trường phát triển, cần phải phát huy bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa trên thế giới.
Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa là hoạt động duy trì sự tồn tại lâu dài, ổn định của di sản văn hóa, điều đó giúp cho hệ thống di tích lịch sử danh lam thắng cảnh phát huy giá trị, là nguồn lực để phát triển kinh tế của địa phương và đất nước, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Di tích cũng là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quan trọng đối với mỗi địa phương, các yếu tố truyền thống đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách, mang lại cho du khách những hiểu biết về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương bởi di tích là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho lịch sử
đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, giúp con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, đặc trưng văn hóa của đất nước.
Di tích lịch sử có liên quan tới sự kiện hoặc nhân vật lịch sử có những đóng góp, ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc. Đến thăm quan di tích lịch sử du khách được đọc cuốn sử ghi chép về lịch sử con người, sự kiện tiêu biểu, được cảm nhận một cách chân thực về lịch sử, từ đó góp phần giáo dục nhân cách, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Các di tích, di vật khảo cổ học, là nguồn sử liệu quan trọng giúp cho việc biên soạn lịch sử dân tộc quan các thời kỳ.