Vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 58 - 62)

Trong Công ước bảo vệ đa dạng văn hóa năm 2003, UNESCO khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa “không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng” [52]. Đồng thời cộng đồng được đánh giá cao từ sự tham gia tích cực và những tri thức sâu sắc về di sản của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính quyết định trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa [33].

Ở nước ta, Luật Di sản văn hóa khẳng định rằng “Di sản văn hóa của Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” [41]. Vì vậy trong những năm qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp và tôn tạo di tích lịch sử và văn hóa mà Chính phủ quyết định cho triển khai góp phần thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ở các mặt sau: Nhà nước và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong việc trùng tu, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử và văn hóa. Qua đó rất nhiều di tích đã được bảo tồn và tìm được vị trí xứng đáng của mình trong đời sống cộng đồng; Các di tích được bảo quản tu bổ theo đúng nguyên tắc khoa học đã trở thành

tài nguyên du lịch cũng như các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước và cả lợi ích cho người dân; Các di tích được bảo tồn đã góp phần duy trì tính liên tục, không bị đứt gãy của truyền thống văn hóa dân tộc, biến di sản văn hóa và các giá trị truyền thống thành “điểm tựa tinh thần” của cả dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa; “Ngân sách nhà nước hỗ trợ trong Chương trình Mục tiêu quốc gia chỉ là yếu tố kích thích, chất xúc tác mạnh mẽ cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và huy động nguồn lực của cộng đồng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa” [32].

Huyện Thường Tín là địa phương có số lượng di tích lớn nhất của thủ đô Hà Nội, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến, các di tích lịch sử văn hóa là một thành tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất danh hương, huyện anh hùng ngày nay. Do đó việc quản lý và phát huy giá trị di tích được thực hiện kết hợp giữa nhà nước và cộng đồng cùng làm.

Đa số các di tích trên địa bàn huyện có niên đại trên dưới 300 năm tuổi, tình trạng xuống cấp và hư hỏng đang diễn ra khá phổ biến tại các di tích, do vậy cần có sự theo dõi, quản lý và tiến hành các hoạt động trùng tu. Hiện tại việc tu bổ, tôn tạo các di tích được thực hiện chủ yếu bằng 2 nguồn: Thực hiện bằng nguồn ngân sách của xã, huyện, thành phố theo Chương trình Mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích. Thứ hai là huy động từ các nguồn lực trong cộng đồng. Những năm qua huyện đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trong đó sự đóng góp của cộng đồng ở 2 dạng chính: Đóng góp một phần kinh phí, nhân lực, vật liệu…. cùng với kinh phí của nhà nước với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, thứ 2 là đóng góp toàn bộ kinh phí, ngày công vào việc trùng tu, tu bổ cho các di tích.

Sự tham gia của cộng đồng còn thể hiện ở khía cạnh cộng đồng là chủ thể văn hóa và cùng một lúc thực hiện nhiều chức năng khác nhau: Chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; chủ sở hữu đối với di sản văn hóa của cộng đồng; Người nắm giữ/thực hành, truyền dạy di săn văn hóa bản địa; Người hưởng thụ các giá trị di sản văn hóa do mình sáng tạo ra hoặc thông qua giao lưu văn hóa với các cộng đồng khác; Nguồn lực quan trọng có vai trò lo lớn trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng và của quốc gia dân tộc. Do đó cộng đồng cần được trao quyền tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích.

Ở huyện Thường Tín, 100% các di tích đều thành lập Ban quản lý di tích, trong đó có sự tham gia của người dân địa phương. Trong quá trình tu bổ tôn tạo di tích có Ban giám sát cộng đồng tham gia vào quá trình tu bổ tôn tạo như một lực lượng khách quan, tham gia giám sát đảm bảo di tích được tu bổ đúng theo quy định. Theo ông Bùi Văn Sơn - người dân thôn Lam Sơn, xã Minh Cường đã tham gia giám sát thi công tu bổ Đình Lam Sơn (di tích xếp hạng cấp quốc gia năm 2013) “Tôi rất hào hứng tham gia việc giám sát thi công tu bổ Đình, tôi cảm thấy được góp một phần công sức tuổi già để cùng chính quyền các cấp hoàn thành việc tu bổ sao cho ngôi đình được đẹp và khang trang nhưng vẫn giữ được những nét đẹp của ngôi đình trước đây. Đồng thời tham gia việc này cũng để đảm bảo là tiền chúng tôi đóng góp được thực hiện đúng mục đích là xây đình làng tôi” (tài liệu phỏng vấn ngày 13/12/2020).

Bên cạnh đó, huyện Thường Tín là địa phương có nhiều nhà thờ họ được công nhận và xếp hạng. Vì vậy bàn về vai trò của cộng đồng không thể không nhắc đến khái niệm dòng họ và văn hóa dòng họ. Dòng họ là cộng đồng ở cấp vi mô hơn, là “một thực thể xã hội mang tính phổ quát của loài người. Nó hình thành trên cơ sở quan hệ huyết thống của một tập hợp quần thể người nhất định thể hiện qua ý niệm

về dòng dõi từ một ông tổ chung”. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến văn hóa cộng đồng mà bỏ qua một tiểu hệ thống văn hóa chứa đựng các mặt giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần cũng như tâm linh do các dòng họ sản sinh ra trong quá trình hình thành và phát triển dựa trên 3 nguyên lý cơ bản: Tính cố kết dòng họ theo huyết thống, sự trao truyền và nhập thân văn hóa và cuối cùng là hành vi ứng xử của từng thành viên trong gia đình và dòng họ đối với cộng đồng chung. Dòng họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể, mà tiêu biểu là nhà thờ họ - nơi thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa của người dân của 1 dòng họ.

Ưu điểm của hình thức quản lý của cộng đồng: Cộng đồng là người trực tiếp đóng góp công sức lao động hoặc tiền của để tham gia bảo tồn di tích, từ đó phát huy được sức mạnh của tập thể, huy động được nguồn lực ở địa phương, tăng cường tình đoàn kết xóm làng, đồng thời làm cho các di tích gắn bó với đời sống văn hóa của cộng đồng. Trong bối cảnh số lượng di tích trên địa bàn rất lớn, quy định chi ngân sách cho người trong coi di tích chưa ban hành thì chính cộng đồng là người tham gia vào việc trong coi di tích, giảm thiểu tình trạng mất cắp di vật, cổ vật quý trong di tích.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn có một số hạn chế như: Các di tích được trùng tu, tu bổ hoàn toàn bằng nguồn lực được huy động từ cộng đồng thì đã xảy ra những hiện tượng như xây dựng trái quy định dẫn đến hiện tượng làm méo mó, sai lệch những giá trị, đặc biệt là làm mất tính nguyên gốc của di tích; nếu chỉ đơn thuần quản lý của cộng đồng không có sự phối hợp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước sẽ dẫn đến việc lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà cửa, công trình dân sinh, vi phạm vào vùng bảo vệ,

làm mất cảnh quan, không gian của di tích như tại di tích Nhà thờ Họ Hoàng – xã Nghiêm Xuyên; di tích đình Vĩnh Mộ - xã Nguyễn Trãi.

Như vậy, với hình thức quản lý nào cũng có những ưu, nhược điểm nhất định. Do vậy, đòi hỏi người làm công tác quản lý cần am hiểu về tình hình thực tế tại địa phương để có những phương thức quản lý phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(139 trang)
w