Bộ máy quản lý nhà nước về di tích là rất cần thiết để đạt được kết quả tốt nhất trong công tác quản lý. Ở cấp huyện, phòng Văn hóa và Thông tin huyện là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện quản lý nhà nước toàn diện về lĩnh vực văn hóa. Đối với cấp xã thực hiện quản lý về di tích theo phân cấp được giao. Ban Quản lý di tích ở địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc di tích trực tiếp. Do vậy cần quy định chi tiết, tách bạch các nhiệm vụ ở các cấp:
Đối với phòng Văn hóa và Thông tin huyện thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND huyện lập quy hoạch tổng thể và căn cứ nguồn ngân sách để lập kế hoạch cho từng giai đoạn và kế hoạch hằng trong việc bảo tồn các di tích xuống cấp trên địa bàn huyện, ưu các di tích cấp quốc gia và di tích có mức độ xuống cấp nghiêm trọng. Phối hợp với phòng Nội vụ, Ban trị sự giáo hội Phật giáo huyện xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý và phát huy giá trị đối với các di tích tôn giáo tín ngưỡng. Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các công trình tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm các quy trình, quy định, thủ tục về tu bổ theo quy định tại Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ và Thông tư 15/2019/BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Ban Quản lý di tích tại địa phương thực hiện tuyên truyền rộng rãi về giá trị di tích quốc gia, lý do phải bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và nội dung dự án tu bổ trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao ý thức tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các dự án liên quan đến di tích lịch sử văn hóa.
Đối với UBND cấp xã, thị trấn thực hiện quản lý đối với di tích sau khi được xếp hạng, UBND cấp xã, thị trấn cần thành lập Ban Quản lý di tích ở địa phương, thành phần và nhiệm vụ của Ban quản lý phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn. Mỗi di tích chỉ thành lập duy nhất 1 Ban quản lý, tránh tình trạng di tích đã được xếp hạng mà không rõ tổ chức, cá nhân nào được quyền bảo vệ và quản lý di tích trực tiếp. Thành phần của Ban quản lý trước khi thành lập phải có văn bản thỏa thuận với phòng Văn hóa và Thông tin huyện.
Đối với Ban Quản lý di tích tại địa phương: Bao gồm các thành phần kiêm nhiệm, do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích làm
Trưởng ban; thành viên gồm: Cán bộ làm công tác văn hóa, đại diện các đoàn thể của xã, trụ trì, thủ từ hoặc cá nhân là chủ sở hữu di tích, người hiểu biết về di tích.
Bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện cũng là yêu cầu quan trọng nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích, bài trừ các hoạt động không lành mạnh tại di tích.
Đảm bảo đủ biên chế cho cơ quan quản lý nhà nước ở cấp huyện và xã về di tích, tránh tình trạng cán bộ hợp đồng hoặc kiêm nhiệm dẫn đến thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên tâm trong công tác.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề cần được quan tâm: Nói đến nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực, bởi con người là nhân tố quan trọng, là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa. Do đó cần chú trọng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.
Đối với cán bộ quản lý: Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý về văn hóa của huyện được tham gia học tập kinh nghiệm quản lý và khai thác tài nguyên văn hóa tại các huyện, tỉnh, thành phố khác.
Đối với cán bộ văn hóa cơ sở: Cần phải tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo đúng ngành, đúng nghề, có phẩm chất đạo đức, có lòng yêu nghề, nhiệt tình với công việc. Tạo điều kiện để cán bộ văn hóa cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản do huyện, thành phố tổ chức. Cung cấp cho họ những tài liệu hướng dẫn về di sản văn hóa để họ được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.
Đối với thành viên Ban quản lý di tích tại địa phương: Cần đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích.
Đối với người thuyết minh tại các điểm di tích: Bên cạnh việc phải nắm chắc và hiểu rõ về lịch sử kiến trúc của di tích đó cần được trang bị kỹ năng về thuyết minh và hướng dẫn du lịch tại điểm.
Nội dung trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các kiến thức bồi dưỡng khác. Đào tạo bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn huyện.
Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích bằng cách đào tạo để có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh tại điểm di tích đạt yêu cầu cao về trình độ, cách giao tiếp ứng xử, biết cách tổ chức các sự kiện phục vụ khách tham quan du lịch nhằm phát huy tối đa giá trị của di tích tại địa phương.
Đối với người làm công tác thi công, tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát trong hoạt động tu bổ tôn tạo di tích cũng cần thường xuyên được tập huấn để cập nhật các văn bản quản lý mới liên quan đến hoạt động tu bổ di tích, nâng cao trình độ chuyên môn trong quá trình làm việc, đảm bảo hoạt động tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.