Cơ chế quản lý di tích

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 51 - 55)

Là địa phương đặc biệt, thủ đô Hà Nội với truyền thống lịch sử lâu đời cùng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đất nước, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, đến hết năm 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới do UNESCO ghi danh; 18 di tích quốc gia đặc biệt; 50 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, gần 1.200 di tích cấp quốc gia, 1.804 đình và 2.007 chùa và hàng nghìn loại hình di tích khác nhau [56] . Vì vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm nuôi dưỡng, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc, khẳng định vị thế “thủ đô di sản” trong xây dựng, phát triển thành phố.

Từ năm 2011 đến nay, thành phố Hà Nội đã ban hành rất nhiều văn bản quản lý liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý chung, trong đó có quy định chi tiết về việc quản lý di sản văn hóa trên địa bàn.

Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 của UBND Thành phố về việc quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011–2015.

Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 26/02/2014 của UBND Thành phố về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 của UBND Thành phố Hà Nội.

Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND Thành phố về ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND Thành phố về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện nay, theo Quyết định phân cấp của thành phố Hà Nội, cấp Thành phố sẽ quản lý về đầu tư những nội dung: Đầu tư tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích quan trọng do Thành phố trực tiếp quản lý gồm: Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích Cổ Loa; Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích Bác Hồ ở Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích 5D Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; cụm di tích Đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc

Sơn, tượng đài Vua Lê và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do Thành phố quản lý sau khi được xếp hạng, công nhận; Đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện đang quản lý và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) khi Thành phố giao cấp huyện quản lý sau khi được xếp hạng, công nhận; Hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cấp quốc gia do cấp huyện đang quản lý. Và thực hiện quản lý sau đầu tư nội dung: Duy tu, bảo trì và quản lý các di tích quan trọng mà Thành phố trực tiếp đầu tư [54, 56].

Cấp huyện sẽ quản lý về đầu tư những nội dung: Đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn, trừ di tích Thành phố trực tiếp đầu tư và các di tích quốc gia, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện quản lý được Thành phố hỗ trợ đầu tư tu bổ, bảo tồn; Đối ứng với ngân sách Thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện đang quản lý. Và thực hiện quản lý sau đầu tư nội dung sau duy tu, bảo trì và quản lý các di tích còn lại trên địa bàn, trừ các di tích Thành phố trực tiếp quản lý sau đầu tư [54, 56].

Chủ trương phân cấp quản lý về di tích của Hà Nội là hoàn toàn hợp lý với đặc thù là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Việc phân cấp trong quản lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm chia sẻ trách nhiệm và tạo sự chủ động cho các quận, huyện trong công tác quản lý di tích ở địa phương. Đồng thời việc phân cấp sẽ phát huy được vai trò của chính quyền cơ sở cũng như người dân vì hơn ai hết người dân và chính quyền địa phương chính là những người hiểu biết tường tận nhất về lịch sử của di tích và là người trực tiếp bảo vệ, khai thác di tích hiệu quả nhất.

Tại huyện Thường Tín, trong những năm qua việc phân cấp và phân công nhiệm vụ quản lý di tích trên địa bàn huyện được thực hiện theo các văn bản của

UBND thành phố Hà Nội quy định. UBND huyện đã triển khai và phân cấp quản lý cụ thể như sau:

100% di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện đều do UBND huyện quản lý về nhà nước và giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý sử dụng, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và Thành phố Hà Nội về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích này đều có Quyết định thành lập Ban bảo vệ di tích do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm trưởng ban. Theo bà Lê Thị Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện “Việc phân cấp quản lý về đầu tư và sau đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa mà cụ thể là quản lý di tích của Thành phố là rất phù hợp với đặc thù của Thủ đô và huyện có số lượng di tích lớn, đặc biệt là di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Việc phân cấp như vậy giúp cho huyện và xã, thị trấn nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý” (tài liệu phỏng vấn ngày 25/6/2020).

Đối với các di tích chưa được xếp hạng giao UBND xã, thị trấn quản lý toàn diện. Hình thức tổ chức quản lý của địa phương chủ yếu giao cho cấp ủy, chính quyền thôn và chi hội người cao tuổi cử người trông nom bảo quản; đối với các chùa, đa số có Sư trụ trì trông nom bảo quản dưới sự quản lý của thôn và UBND các xã, thị trấn. Công tác quản lý xây dựng các di tích văn hóa, lịch sử, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục được tăng cường. Các xã, thị trấn cơ bản thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý, nhất là việc quản lý đất đai tại các di tích được chú trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân công của UBND huyện; chủ động khai báo về di tích và đề xuất việc xếp hạng lên cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại đồng thời ngăn ngừa xử lý các hành vi vi phạm di tích. Có trách nhiệm báo cáo UBND huyện khi phát hiện di tích xuống cấp hoặc bị xâm phạm.

Mô hình quản lý nhà nước về di tích có nhiều ưu điểm và là mô hình quản lý cơ bản đối với các di tích trên địa bàn huyện hiện nay. Với bộ máy và cơ chế quản lý được xây dựng theo qui định của pháp luật có tính quyền lực đặc biệt, tính tổ chức cao và xây dựng mục tiêu dài hạn, đảm bảo cho hệ thống di tích trên địa bàn được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của huyện.

Bên cạnh nhưng ưu điểm, mô hình quản lý nhà nước về di tích cũng bộc lộ một số hạn chế như: Nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan nhà nước để quản lý di tích ở cấp cơ sở còn hạn chế, chủ yếu dựa vào cộng đồng nơi có di tích; nguồn kinh phí bố trí cho người trực tiếp trông coi di tích chưa được qui định và áp dụng cụ thể; việc phân cấp quản lý trong trường hợp cần tu bổ di tích dẫn đến tình trạng địa phương phải chờ đợi ý kiến của cấp Bộ hoặc cấp Thành phố.

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(139 trang)
w