Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa; về ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn; bên cạnh đó trong thời kỳ cách mạng 4.0, công nghệ số hiện nay thì mạng internet, mạng xã hội zalo, facebook... là một trong những cách tuyên truyền quảng bá, giới thiệu nhanh nhất, tiện lợi nhất, tới đông đảo người dân mà không bị giới hạn về không gian lại có đối tượng và phạm vi rộng. Hiện nay huyện đã xây dựng được fangage “Thường Tín đất danh hương” và Cổng thông tin điện tử huyện và 29 xã, thị trấn, Cổng thông tin Du lịch huyện, Công thông tin điện tử Văn hóa – Du lịch - làng nghề huyện Thường Tín. Đây là những công cụ để UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên xây dựng tin, bài, hình ảnh về các di tích trên địa bàn huyện để người dân nhận thức được vai trò của mình trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của chính địa phương mình. Đồng thời là kênh giới thiệu hiệu quả các di tích trên địa bàn tới du khách ngoài huyện, góp phần thu hút khách du lịch và phát huy giá trị của di tích một cách hiệu quả.
UBND huyện chỉ đạo ngành văn hóa thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức nhiều buổi sinh hoạt truyền thống: báo công, kết nạp đội, kết nạp đoàn, kết nạp đảng, gặp mặt các thế hệ cựu chiến binh, thanh niên xung phong, tổ chức trại hè cho các cháu thiếu nhi, các buổi lễ phát động thi đua, tham quan tìm hiểu về giá trị và ý nghĩa của các di tích trên địa bàn... qua đó khơi dậy truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, đặc biệt có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục với các em học sinh trên địa bàn.
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ chính quyền thôn, khu dân cư, tổ dân phố, UBND xã, thị trấn trong việc tuyên truyền làm cho nhân dân thấy rõ họ là chủ thể văn hóa, vừa là người hưởng lợi từ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ đó người dân có ý thức và hành động thiết thực nhất trong việc giữ gìn các di tích.
Đổi mới phương thức tổ chức Kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam 23/11 hằng năm tại huyện bằng phương thức mỗi năm tổ chức kỷ niệm tại một điểm di tích trên địa bàn, tại buổi kỷ niệm thực hiện triển lãm, trưng bày các tranh, bài giới thiệu, hiện vật của di tích để giới thiệu tới đông đảo khách tham quan, qua đó khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn bảo vệ di tích.
Thực hiện tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động thuyết minh hướng dẫn trực tiếp khách tham quan tại điểm di tích trên địa bàn huyện. Thông qua hướng dẫn thuyết minh trực tiếp cho khách tham quan có tác dụng tuyên truyền giáo dục phát huy các giá trị di tích, bởi hình thức này giúp cho các đối tượng khách tham quan được tận mắt nhìn thấy những di tích, những hiện vật, cổ vật đang có tại di tích đã gắn liền với lịch sử của địa phương trong quá khứ được lưu giữ đến hiện tại.
Thực hiện đầu tư xây dựng các tài liệu truyền thanh, các cuốn sách, tờ rơi giới thiệu di sản văn hóa của huyện để tuyên truyền, quảng bá trong các lễ hội hoặc bày bán tại các địa điểm di tích, nhà sách trong và ngoài huyện.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hình thành ý thức, thái độ trân trọng đối với các di tích của địa phương, từ đó thu hút sự quan tâm, đầu tư hợp lý của người dân đối với các di tích bằng nhiều hình thức: Trao cho người dân quyền chủ động quản lý các di tích bằng cách thành lập Ban quản lý di tích do chính người dân địa phương bầu chọn, giúp người dân cảm thấy được quyền làm chủ của mình, từ đó có ý thức, trách nhiệm đối với di tích. Trao cho người dân quyền tham
gia vào Ban giám sát cộng đồng trong quá trình tu bổ di tích để người dân biết các giá trị cần lưu giữ và phát huy của di tích. Đồng thời mỗi người dân cũng là một tuyên truyền viên hiệu quả và tích cực trong công tác giới thiệu về các di tích của địa phương mình đến những bạn bè và người thân đi lao động và học tập ở địa phương khác.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục cho đối tượng sinh viên, học sinh trên địa bàn huyện về các di tích trên địa bàn, vị trí vai trò của di tích trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từ đó khơi dậy truyền thống và ý thức giữ gìn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.