Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật Di sản văn hoá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản Văn hoá; kiểm tra việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại địa phương.
UBND huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp tốt với các ngành chức năng của huyện, đặc biệt là Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình tại cơ sở, qua đó kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh cần giải quyết và tháo gỡ.
Theo báo cáo của UBND huyện, đoàn kiểm tra của huyện trong những năm vừa qua đã tổ chức kiểm tra tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc lấn chiếm đất đai di tích, vấn đề tu bổ tôn tạo, công tác phát huy giá trị di tích ở địa phương, các hình thức mê tín, dị đoan trong lễ hội tổ chức ở di tích. Qua công tác kiểm tra thường xuyên đã đạt được kết quả: Gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các hội đoàn thể trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, hướng dẫn những nhà hảo tâm cung tiến đồ thờ phù hợp, không xảy ra tình trạng tiếp nhận đồ thờ tự trái với tính chất của di tích; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp quản lý ở cơ sở trong
việc bảo vệ di tích, không có tình trạng khoán trắng công tác bảo vệ di tích cho 1 cá nhân; Qua công tác kiểm tra yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định về đầu tư xây dựng cơ bản khi triển khai các dự án tu bổ; Kiểm tra luôn đi đôi với hướng dẫn và vận động để nhân dân để phát huy vai trò giám sát cộng đồng của người dân khi thực hiện tu bổ di tích.
Hoạt động kiểm tra công tác quản lý di tích gắn liền với việc tổ chức lễ hội tại di tích vào các dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng giêng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những sai phạm trong việc hành nghề mê tín, dị đoan như hiện tượng lên đồng, bói toán, bốc quẻ; hoạt động thu phí trong giữ xe sai quy định; vấn đề bán hàng rong tại lễ hội…. Hướng dẫn Ban quản lý các di tích thực hiện đúng quy chế hướng dẫn tổ chức lễ hội của Thành phố góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi thờ tự.
Với đặc điểm là huyện có số lượng di tích lớn, niên đại lâu năm và các di tích này thường nằm ở vị trí trung tâm của thôn, làng gần với nơi sinh sống của người dân địa phương nên tình trạng lấn chiếm và sử dụng đất của di tích có xảy ra dẫn đến vấn đền đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Trước tình hình đơn thư khiếu nại của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường kiểm tra tại các di tích và chú trọng công tác nắm bắt tình hình tại địa bàn xã, thị trấn để qua đó kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh cần giải quyết tháo gỡ. Công tác kiểm tra đi đôi với hướng dẫn, vận động để nhân dân hiểu và tự giác chấp hành những quy định của Nhà nước về các vấn đề liên quan.
Trong giai đoạn 2008-2020 phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu UBND huyện giải quyết 06 đơn thư, kiến nghị của người dân về các vấn đề: Công tác tu bổ tại di tích, việc lấn chiếm đất đai, đưa linh vật ngoại lai vào di tích... của các di tích sau: Di tích Nhà thờ Họ Hoàng, xã Nghiêm Xuyên (năm 2018); di tích Đình Bạch Liên, xã Liên Phương (năm 2016); di tích Đình Khê Hồi, xã Hà Hồi
(năm 2015); di tích chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi (năm 2020); di tích chùa Mui, xã Tô Hiệu (năm 2020); di tích đền An Định, xã Tô Hiệu (năm 2019); ….. Các đơn thư, kiến nghị của người dân được giải quyết theo tinh thần quy định của Luật di sản văn hoá và các văn bản quy định khác của pháp luật. Phương pháp giải quyết bằng hình thức tiếp xúc, gặp gỡ và tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về di tích.
2.4. Tiểu kết
Để đánh giá được thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện, tác giả đã đi đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ tổ chức bộ máy quản lý đến nguồn nhân lực quản lý. Tuy nhiên để phát huy được hiệu quả cần có cơ chế phối hợp, cơ chế này cần được xem xét theo trật tự hệ thống từ trên xuống và từ dưới lên, xem xét đến vai trò của các lực lượng tham gia vào quá trình quản lý. Trong chương 2 của luận văn đã khảo sát và đánh giá thực trạng công tác quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện ở tám nội dung cụ thể gồm: 1/Tổ chức bộ máy và cơ chế, nguồn nhân lực trong quản lý; 2/Vai trò của cộng đồng trong quản lý; 3/Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; 4/Công tác đề nghị xếp hạng di tích; 5/Công tác bảo tồn di tích; 6/Công tác phát huy giá trị di tích; 7/Công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật trong quản lý di tích.
Thông qua việc phân tích thực trạng về công tác quản lý di tích quốc gia trên địa bàn huyện Thường Tín giai đoạn 2008-2020, đây sẽ là căn cứ để tác giả đưa ra những nhận định, đánh những điểm làm tốt và những điểm còn tồn tại về công tác quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện Thường Tín giai đoạn 2008-2020, từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện Thường Tín trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3