Khái quát về huyện Thường Tín

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 27 - 32)

“Danh nho Cao Bá Quát ở thế kỷ XIX khi tiễn người bạn Trúc Khê ra nhận chức ở phủ Thường Tín đã có câu thơ “Văn nhã danh hương cổ hữu vân” tức từ xưa Thường Tín đã là vùng đất danh hương, văn vật” [21, tr.7]. Để tạo lên danh tiếng của vùng “đất danh hương”, “huyện anh hùng” của Thường Tín thì các yếu tố tự nhiên và vị trí địa lý đóng vai trò rất quan trọng. Với vị trí địa lý thuận lợi, là vùng đất màu mỡ thuộc đồng bằng sông Hồng, một huyện ngoại thành đóng ở cửa ngõ phía nam của Thủ đô, phía Đông giáp huyện Văn Giang, Khoái Châu tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Phú Xuyên; phía Bắc giáp huyện Thanh Trì, với diện tích 13.040,89 ha và dân số 257.019 người, huyện có 29 đơn vị hành chính cấp xã gồm 28 xã, 01 thị trấn Thường Tín. Bên cạnh đó huyện có hệ thống đường giao thông thuận lợi với tuyến quốc lộ 1A, tuyến 427 và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; tuyến đường sắt Bắc Nam, đường thủy có cảng Hồng Vân, Vạn Điểm là nơi trung chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh

với huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Với vị trí địa lý thuận lợi huyện Thường Tín có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế xã hội và giao lưu văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, cũng với vị trí địa lý này, trải qua lịch sử đã để lại cho Thường Tín những sắc thái văn hóa riêng, đó là những làng quê cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ, những nét chạm khắc riêng có của mái đình, ngôi chùa, hay những lễ hội ẩn chứa ước vọng no đủ bình yên của người dân, đây còn là nơi ghi dấu những chiến tích chống giặc ngoại xâm ở Đền Bến Chương Dương, trận đánh nổi tiếng Hà Hồi - Ngọc Hồi lịch sử của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, những kỷ niệm thiêng liêng của Bác Hồ với người dân Thường Tín xưa.

Về lịch sử hình thành huyện, có nhiều nguồn tài liệu viết về quá trình hình thành và phát triển huyện Thường Tín, tựu chung lại cho thấy huyện Thường Tín đã có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính cũng như tên gọi. Theo cuốn Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn thì Thường Tín là một vùng đất cổ được hình thành từ những buổi đầu dựng nước, có tên gọi, địa bàn cư trú rõ ràng.

Những lần thay đổi về tên gọi: Danh xưng Thường Tín đến đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) mới chính thức xuất hiện, ở cấp phủ (trên cấp huyện). Đến cuối thế kỷ XIX, 30 năm đầu thế kỷ XX có tên gọi là “Thượng Phúc huyện”. Sau Cách mạng Tháng Tám đến nay có tên gọi là Thường Tín.

Thay đổi về địa giới hành chính: Năm 1831, thời vua Minh Mệnh tên Thường Tín vẫn ở cấp phủ bao gồm 3 huyện: Thượng Phúc, Thanh Đàm (Thanh Trì) và Phù Vân (Phú Xuyên). Sau Cách mạng Tháng Tám từ 1967 – 1975 là đơn vị hành chính của tỉnh Hà Đông. Giai đoạn từ 1976 – 1991 là đơn vị hành chính của tỉnh Hà Sơn Bình. Từ tháng 1992 - 2008 lại trở về là đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tây. Đến ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây

vào thành phố Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, có tên gọi là huyện Thường Tín và là một trong 30 quận huyện thuộc Thành phố Hà Nội.

Với vị trí địa lý thuận lợi và bề dày truyền thống lịch sử, ngày nay huyện Thường Tín có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Theo Báo cáo kết quả xây dựng Nông thôn mới huyện Thường Tín năm 2020, đến hết năm 2019, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, du lịch, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2010, công nghiệp - xây dựng chiếm 50,32%; thương mại - dịch vụ 32,65%, nông nghiệp chiếm 16,83%. Đến năm 2019, công nghiệp - xây dựng chiếm 57,28%; thương mại - dịch vụ 37,77%, nông nghiệp chiếm 4,95%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 49,5 triệu đồng/người bằng 71,2% so với thu nhập bình quân đầu người thành phố Hà Nội và 98,1% so với thu nhập bình quân đầu của cả nước. Đặc biệt huyện Thường Tín là một trong những địa phương có nhiều nghề truyền thống, huyện có 126 làng có nghề, trong đó 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, 01 làng được công nhận làng nghề Hà Nội, hoạt động của các làng nghề đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác thu, chi ngân sách nhà nước của huyện được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và triển khai công tác thu thuế, phí, lệ phí, thực hiện các biện pháp chống thất thu, trốn thuế, hạn chế nợ đọng thuế. Do vậy, thu ngân sách nhà nước hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Thành phố giao. “Năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 865.208 triệu đồng (đạt 138,43% dự toán Thành phố và đạt 119,33% dự toán huyện giao; tăng 731.662 triệu đồng so với năm 2010)” [60, tr.7]. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường ngày càng

được tăng cường, tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt duy trì trật tự và văn minh đô thị. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nhiều năm liên tục ổn định, không phát sinh vụ việc phức tạp đông người.

Về đặc điểm văn hóa - xã hội: Huyện Thường Tín luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa – xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được giữ vững và có bước phát triển toàn diện, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên “đến hết năm 2020 trên địa bàn huyện có 73/88 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 83%. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được tăng cường, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, có 27/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh được toàn dân hưởng ứng tích cực. Toàn huyện có 89,5% làng, tổ dân phố được công nhận văn hóa; 82,8% cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 87,5% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa” [60, tr.12]. Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời; tất cả gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại địa phương. Đặc biệt, huyện Thường Tín có 169 làng, để quản lý và ổn định cuộc sống theo những tục lệ cơ bản, từ xưa cha ông đã xây dựng được hệ thống hương ước của làng từ rất sớm “bản hương ước có niên đại xưa nhất vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697) là bản khoán ước làng Phú Cốc (xã Hà Hồi)” [21, tr.65]. Ngày nay tại các làng quê ở Thường Tín thực hiện theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” người dân đã tự nguyện xây dựng những quy ước văn hóa để thay thế cho hương ước ngày xưa, nội dung quy ước gồm các điều khoản về chính trị, trật tự trị an, văn hóa – xã hội nhằm

duy trì những phong tục cổ truyền tốt đẹp của cha ông và phát triển văn hóa Thường Tín phù hợp với thời kỳ mới.

Thường Tín là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hiến. Nơi đây cũng là quê hương của nhiều bậc danh tài, nổi tiếng trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, quân sự có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và quê hương Thường Tín như: Đại tướng quân Đào Thành là một vị tướng tài của Hai Bà Trưng đã đem quân về lập căn cứ ở xã Tự Nhiên đế chống lại quân xâm lược Đông Hán; Linh Lang đại vương Hoằng Châu là một hoàng tử thời nhà Lý đã có công chống giặc Tống; có 68 nhà khoa bảng được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và các tư liệu lịch sử, các nhà khoa bảng nổi tiếng như Dương Chính đỗ Thái học sinh khoa Mậu Thìn (1213) thời nhà Lý; Nguyễn Phi Khanh đỗ Thái học sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374); Nguyễn Trãi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên thứ 1 (1400); Lý Tử Tấn, Phạm Cư, Nghiêm Lâm, Phạm Đức Trinh, Đào Như Hổ đến Phó bảng Từ Thiệp và Tiến sĩ Từ Đạm thi đỗ khoa Ất Mùi (1895), niên hiệu Thành Thái thứ 7 triều Nguyễn là người thi đỗ sau cùng của huyện Thường Tín.

Như vậy, huyện Thường Tín là vùng đất ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, có ruộng đồng màu mỡ thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, với vị thế ở “cửa ngõ thủ đô” có hệ thống giao thông thủy bộ dày đặc và thuận tiện nên huyện Thường Tín là nơi chuyển tải, thông thương giữa Thủ đô với các địa phương. Bên cạnh đó, Thường Tín còn là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử văn hóa, sản sinh nhiều nhân vật kiệt xuất của lịch sử, các nhà khoa bảng tiêu biểu đã cung cấp nhân tài vật lực cho Thủ đô và đất nước. Đồng thời với những sắc thái riêng về thuần phong

mỹ tục, di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội phong phú, đa dạng đã tạo nên một vùng quê văn hiến ở phía nam của Thủ đô Hà Nội.

Từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành, văn hóa xã hội đến các điều kiện phát triển kinh tế, sau 12 năm sát nhập địa giới hành chính về thủ đô Hà Nội đã tạo thời cơ và những thách thức cho cho Thường Tín trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thường Tín đã có những hoạt động, giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc.

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(139 trang)
w