Hoạt động phát huy giá trị di tích cấp quốc gia

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 83 - 86)

Di tích cấp quốc gia được phát huy giá trị thông qua việc tổ chức lễ hội tại các di tích cấp quốc gia đã được công nhận. Toàn huyện có 61 di tích cấp quốc gia, trong đó nhiều di tích gắn với lễ hội. Hàng năm UBND huyện ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội và hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội ban hành. Các lễ hội đều thành lập Ban tổ chức, được tổ chức đúng nghi lễ, tôn nghiêm, trang trọng, thiết thực, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan. Hiện nay trên địa bàn huyện có 6 lễ hội qui mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên, hàng năm. Những lễ hội mang tính chất vùng, thu hút nhiều du khách như: Hội Lộ – tổ chức tại Đền Đại Lộ, xã Ninh Sở; Hội Chùa Đậu – tổ chức tại Chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi; Hội Đền Bộ Đầu – tổ chức tại Đền Quán Thánh, xã Thống Nhất; Lễ hội chùa Mui – tổ chức tại Đình, chùa Mui, xã Tô Hiệu… tất cả các lễ hội được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy chế tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn lễ hội và du khách. Nhiều địa phương làm tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội là: Ninh Sở, Tô Hiệu, Thống Nhất, Lê Lợi, Tự Nhiên, Văn Bình, Văn Phú, Vạn Điểm… Đối với các lễ hội làng (thôn), định kỳ tổ chức hàng năm phải báo cáo UBND huyện và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá và Quy chế tổ chức lễ hội. Bảo vệ và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm, làm ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ hủy hoại di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; đảm bảo phục vụ thiết thực đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Thông qua việc tổ chức lễ hội có ý nghĩa giáo dục người dân địa phương về nguồn

gốc phong tục, tập quán riêng của từng địa phương, đồng thời việc tổ chức lễ hội cũng góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho chính các hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện, qua đó phát huy tốt giá trị của di tích, danh thắng và khơi dậy lòng tự hào truyền thống dân tộc, thu hút du khách tới tham quan. Thông qua công tác tổ chức lễ hội, đây là dịp để người dân địa phương cũng như du khách thập phương thực hiện công đức tại di tích nơi lễ hội diễn ra, và số tiền này được sử dụng để duy trì hoạt động của Ban quản lý và sử dụng để tu bổ và sửa chữa di tích.

Di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện cũng phát huy giá trị trong việc phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Vào các dịp tết, rằm, mồng một, nhân dân địa phương và du khách đến lễ chùa, đình rất đông. Đến với những di tích người dân được gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng, đứng trước đức Phật và các vị thần họ tự nhìn lại cách sống của mình, tự điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tiến bộ hơn, không có hiện tượng mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh và như vậy giá trị của di tích đã được phát huy, có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của cộng đồng.

Căn cứ Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”của Thành phốđã đề ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống hạ tầng cơ sở xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế với thực trạng khai thác các tài nguyên phục vụ phát triển du lịch của huyện. Huyện Thường Tín đã tăng cường công tác quản lý, khai thác để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu, các lễ hội truyền thống và các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, thực hiện phát triển du lịch.

Với thế mạnh của huyện là du lịch tâm linh kết hợp với làng nghề truyền thống và sinh thái, một số điểm du lịch đã và đang khai thác hiệu quả như: Chùa

Đậu (có 2 pho tượng quý của hai vị thiền sư đắc đạo Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường); Đền thờ Nguyễn Trãi Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới (xã Nhị Khê); Đền thờ và lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên); Đền, bến Chương Dương (xã Chương Dương) nơi ghi dấu chiến thắng chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ thứ XIII của quân dân nhà Trần; Đình và lễ hội Bộ Đầu nơi thờ pho tượng Gióng lớn nhất Việt Nam... Kết hợp với các điểm du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử như Khu du lịch sinh thái phát triển với tuyến du lịch ven đô ven sông Hồng và điểm du lịch sinh thái bãi Tự Nhiên… Đồng thời trong giai đoạn 2020-2025 huyện Thường Tín thực hiện đầu tư xây dựng dự án Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, việc hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục từ danh nhân Nguyễn Trãi, vừa thực hiện khai thác du lịch tâm linh mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đến nay, tại các điểm, khu được quy hoạch du lịch trên địa bàn huyện đã thực hiện dựng hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, lắp đặt hệ thống pano tuyên truyền, hệ thống thùng rác tại các điểm du lịch. Các tour du lịch như điểm du lịch sinh thái bãi Tự Nhiên, làng du lịch sinh thái xã Hồng Vân, di tích chùa Đậu, đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, đền thờ Nguyễn Trãi, Bến Chương Dương, đền thờ và lễ hội làng Bộ Đầu, làng nghề tiện Nhị Khê, làng thêu tay truyền thống xã Quất Động, Thắng Lợi đã được đưa vào khai thác hiệu quả. Riêng đối với làng du lịch sinh thái xã Hồng Vân đã thực hiện thu vé thăm quan, nguồn thu từ hoạt động du lịch hàng năm đạt từ 5-7 tỷ đồng. Người dân địa phương là chủ thể thụ hưởng nguồn thu từ hoạt động du lịch, do vậy họ đã chủ động cải tạo

nhà vườn, trồng cây, hoa để tạo cảnh quan chung của khu nhằm thu hút đông đảo khách thăm quan.

Để thu hút khách du lịch, UBND huyện còn rất chú trọng thực hiện quảng bá các di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau như báo, đài, truyền hình… Trong đó, nội dung tập trung quảng bá những giá trị tiêu biểu của di tích là giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài huyện tới thăm quan.

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(139 trang)
w