Nguồn nhân lực trong quản lý

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 55 - 58)

Xác định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong quản lý, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Chương trình số 10-CTr/HU để thực hiện các nhiệm vụ về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện, xây dựng người Thường Tín thanh lịch văn minh giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, nguồn nhân lực cấp huyện mà cụ thể là tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín gồm 07 cán bộ, trong đó 01 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng và 04 cán bộ chuyên viên quản lý trên địa bàn huyện (gồm 29 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thị trấn và 28 xã; diện tích gồm 13.040,89 ha). Với địa bàn quản lý rộng, nhiều đơn vị hành chính, lại là một trong những huyện có nhiều di tích, đứng thứ 2 của Thủ đô Hà Nội, trong khi đó lực lượng nhân sự quá ít (cấp huyện có 01 cán bộ chuyên môn, còn cấp xã, thị trấn chỉ có 01 cán bộ, lại quản lý nhiều mảng việc theo chức năng được quy định). Đây là thực trạng chung về nguồn

nhân lực tại huyện Thường Tín nói riêng cũng như công tác nhân sự làm công tác văn hóa nói chung, 100% cán bộ Phòng Văn hóa thông tin đều có trình độ đại học trở lên tuy nhiên phải kiêm nhiệm nhiều mảng việc khác. Tại 29 xã, thị trấn, cán bộ làm công tác văn hóa chỉ được biên chế 01 người và trình độ của cán bộ làm công tác văn hóa có trình độ đại học trở lên, nhưng lại được đào tạo ở nhiều chuyên ngành khác nhau và phải kiêm nhiệm nhiều mảng việc khác. Người trông coi di tích chủ yếu là người cao tuổi, người đã về hưu. Do vậy để đáp ứng được yêu cầu quản lý của công việc đặt ra, cần xây dựng đội ngũ nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ.

Hằng năm UBND huyện giao phòng chuyên môn cử cán bộ chuyên môn cấp huyện và công chức văn hóa các xã, thị trấn, thành viên Ban quản lý di tích địa phương tham gia đầy đủ các khóa tập huấn do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức với các nội dung về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Đồng thời UBND huyện tổ chức tập huấn cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các di tích như đồng chí phó chủ tịch phụ trách văn xã, công chức văn hóa, trưởng thôn, người trông coi di tích…với các chuyên đề: Giới thiệu tập huấn, đổi nghiệp vụ về công tác di tích, lịch sử, văn hóa và lễ hội. Nội dung các buổi tập huấn khái quát về 1/Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 về việc Ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. 2/Tổng quan về Di sản văn hóa trên địa bàn, giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, phổ biến việc phân cấp quản lý về di tích, những văn bản chỉ đạo mới của các cấp về quản lý di tích, những nguyên tắc cần nắm rõ khi thực hiện tu bổ tôn

tạo di tích; 3/Vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tình hình mới hiện nay; 4/Quy định về thành lập Ban quản lý di tích tại địa phương; 5/ Phát huy vai trò, thế mạnh của di tích, lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện ... Thông qua các buổi tập huấn, trao đổi nghiệp vụ đã giúp cho cán bộ văn hóa nhất là cán bộ địa bàn cơ sở hiểu và trên cơ sở đó áp dụng vào quá trình quản lý, phát huy giá trị di tích tại địa phương.

Định kỳ 2 năm một lần, UBND huyện tổ chức các đợt tập huấn, tham quan, khảo sát trực tiếp các mô hình quản lý hoạt động tốt trong và ngoài địa bàn huyện như huyện như Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa... để học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý và phát huy giá trị di tích. Đây là sự quan tâm của UBND huyện về công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thực tế cán bộ ngành văn hóa cũng như đội ngũ trực tiếp tham gia các hoạt động về di tích trên địa bàn được trao đổi, học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.

Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên các lớp bồi dưỡng còn ít và chất lượng chưa được như mong muốn. Theo bà Trần Thị Mai - Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện “Tập huấn định kỳ hàng năm là việc làm cần thiết để bồi dưỡng kiến thức cũng như kỹ năng, không những đối với cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa mà còn là đội ngũ những người trực tiếp trông coi di tích... giúp nâng cao nhận thức đối với công tác di sản văn hóa trên địa bàn, từ cách hiểu đúng mới làm đúng và trú trọng gìn giữ, phát triển” (tài liệu phỏng vấn ngày 16/4/2021). Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng thôn Đống Chanh, xã Minh Cường “Việc tập huấn cho cán bộ địa bàn về công tác quản lý di tích và các nội dung khác liên quan đến công tác văn hóa thực sự rất bổ ích và cần thiết. Bản thân tôi đã 2 lần được tham gia các lớp tập huấn giúp tôi nhận rõ được vai trò, trách nhiệm cũng của mình sao cho di tích tại địa phương được bảo vệ và phát huy tốt giá trị” (tài liệu phỏng vấn ngày 16/4/2021).

Ông Lê Đình Thời, 69 tuổi, người trông coi Đình Là – xã Tân Minh cho biết “Tôi thấy đây là việc làm thiết thực đem lại hiệu quả rõ rệt, tôi là người trông coi tại Đình sẽ áp dụng những kiến thức từ buổi tập huấn và phối hợp với chính quyền thôn, xã bảo vệ di tích, tránh tình trạng mất cắp di vật, cổ vật trong Đình làng tôi” (tài liệu phỏng vấn ngày 16/4/2021).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được UBND cấp huyện quan tâm, tuy nhiên do trình độ và nhận thức khác nhau dẫn đến hiệu quả chưa đồng đều, các buổi tập huấn chưa thực sự đi sâu nghiên cứu, phân tích chuyên đề riêng về di tích, các vấn đề về việc tu bổ tôn tạo di tích, các hoạt động xếp hạng di tích... nên chất lượng chưa được như mong muốn.

Một phần của tài liệu Quản lý di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (2008 2020) (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(139 trang)
w