Việc xếp hạng di tích là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo di tích, tạo điều kiện cho công tác giáo dục phát huy truyền thống của các địa phương. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện, trong thời gian từ 2008 - 2020 nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện, trong đó công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia là một trong những khâu quan trọng, tạo cơ sở cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Xếp hạng thêm một di tích là chúng ta, thế hệ đi sau đã góp phần bảo vệ thêm một di sản văn hoá mà các thế hệ đi trước đã để lại và nếu không làm sớm, làm ngay thì di tích sẽ bị vi phạm, bị xâm haị, bị mai một và sẽ bị rơi vào quên lãng.
Từ vai trò quan trọng của công tác đề nghị xếp hạng di tích đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện. Trong những năm vừa qua, UBND huyện đã đẩy mạnh đối với hoạt động này, từ 2008 đến 2020 có 09 di tích được lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia. Xét trên tổng số di tích được xếp hạng cấp quốc gia trên địa bàn huyện là 61 di tích, di tích được xếp hạng sớm nhất vào năm 1964, di tích được xếp hạng gần đây nhất vào năm 2017, trong đó giai đoạn từ 1964 đến 2008 huyện được xếp hạng 52 di tích, giai đoạn 2008-2020 được xếp hạng 09 di tích. Với những khó khăn trong công tác bảo vệ và lưu giữ các hiện vật, di vật cổ trong di tích, mặc dù có số lượng di tích lớn nhưng cũng đã được lựa chọn và xếp hạng vào các giai đoạn trước khiến số lượng di tích có giá trị tiêu biểu để được chọn xếp hạng hiện nay không còn nhiều; hệ thống văn bản pháp quy quy định về vấn đề xếp hạng di tích có sự thay đổi theo thời gian; việc sát nhập về Hà Nội dẫn đến sự thay đổi trong cơ chế quản lý di tích do vậy với thời gian 12 năm để đạt được số lượng di tích được xếp hạng như vậy là tương đối lớn, điều này đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ngành và sự nhất trí, đồng lòng của nhân dân nơi có di tích được xếp hạng.
Bảng 3: Danh mục di tích được xếp hạng cấp quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2008 – 2020 ST T TÊN DI TÍCH XÃ SỐ QUYẾT ĐỊNH LOẠI HÌNH CẤP XẾP HẠNG 1 Đình Khánh Vân Khánh Hà 54/2008/BVHTTDL ngày 17/7/2008 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia 2 Đình Đình Tổ Nguyễn Trãi 55/2008/BVHTTDL ngày 17/7/2008 Di tích kiến trúc Quốc gia
nghệ thuật 3 Đình Phương Quế Liên Phương 1711/2011/BVHTTDL ngày 2/6/2011 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia 4 Đình Bạch Liên Liên Phương 673/2011/BVHTTDL ngày 7/2/2013 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia
5 Đình Lam Sơn Minh
Cường 674/2013/BVHTTDL ngày 7/2/2013 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia
6 Đền Lam Sơn Minh
Cường 674/2013/BVHTTDL ngày 7/2/2013 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia 7 Đền Đại Lộ Ninh Sở 3095/2014/BVHTTDL ngày 23/9/2014 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia 8 Đình Gia Khánh Nguyễn Trãi 510/2015/BVHTTDL ngày 3/2/2015 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia 9 Nâng từ xếp hạng cấp thành phố lên cấp quốc gia đối với di tích Đình Hạ Thái Duyên Thái 824/2017/BVHTTDL ngày 9/3/2017 Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia
Theo ông Ngô Văn Quynh - người phụ trách lĩnh vực di tích tại phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín cho biết “Trong một giai đoạn từ 2008 đến 2020 huyện đề nghị và được Bộ Văn hóa và Thể thao xếp hạng 09 di tích đã thể
hiện sự quan tâm của lãnh đạo huyện trong công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện” (tài liệu phỏng vấn ngày 25/3/2021).
Việc xếp hạng di tích cấp quốc gia của huyện được thực hiện theo Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh”. Trong đó UBND cấp huyện là đơn vị đề nghị xếp hạng di tích, UBND Thành phố, cụ thể là Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội là đơn vị lập hồ sơ khoa học. Thành phần hồ sơ khoa học gồm: Đơn đề nghị xếp hạng di tích; Lý lịch di tích; Bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đi đến di tích; Bản vẽ kỹ thuật di tích; Tập ảnh màu khảo tả di tích; Bản thống kê hiện vật thuộc di tích;Bản dập, dịch văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu bằng các loại ngôn ngữ khác có ở di tích; Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích; Tờ trình đề nghị xếp hạng di tích.
Việc xếp hạng di tích có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản lý, vì sau khi xếp hạng sẽ giúp địa phương xác định được các khu vực bảo vệ của di tích. Việc xác định các khu vực bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng có sự thay đổi qua các thời kỳ như sau:
Thông tư số 985-VH ngày 10/9/1961 của Bộ Văn hóa quy định: Khu vực bảo vệ (trước đây thường gọi là khu vực bất khả xâm phạm) là khu vực được tô màu đỏ trên bản đồ địa chính, trong khu vực được tô màu đỏ này tuyệt đối cấm mọi sự xây dựng hoặc vi phạm, không một tổ chức cá nhân nào được tự ý tháo dỡ; Khu vực điều chỉnh xây dựng được tô màu xanh trên bản đồ địa chính. Đây là khu vực tiếp giáp với khu vực bảo vệ nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với di tích về nhiều mặt: Lịch sử, môi trường, vẻ đẹp chung…. Vì vậy bất cứ một tổ chức hoặc cá nhân nào muốn phá vỡ hoặc xây dựng thêm một công trình nào tại đây đều phải xin phép
UBND tỉnh và phải có ý kiến của Ty văn hóa thông tin. Nếu là di tích có giá trị tiêu biểu cho cả nước thì phải được Bộ Văn hóa thỏa thuận, cho phép theo Nghị định 519 -TTg ngày 29/10/1957 của Thủ tướng Chính phủ)
Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định: Khu vực 1 (gồm bản thân di tích là khu vực bất khả xâm phạm. Mọi yếu tố gốc còn lại bao gồm địa điểm, chất liệu, kỹ thuật, kiểu thức, sắc thái, bố cục màu sắc, kể cả những chi tiết trang trí và những động sản thuộc về di tích phải được bảo vệ nguyên vẹn. Nghiêm cấm bất cứ một sự di chuyển địa điểm thay đổi, bổ sung nguyên trạng mới nào dù là nhỏ nhất). Khu vực 2 (bao quanh tiếp giáp ngày với di tích, có quan hệ trực tiếp với yếu tố gốc cần được bảo vệ sao cho khỏi ảnh hưởng đến giá trị, vẻ đẹp của chúng. Là khu vực điều chỉnh xây dựng, trạng thái đất đai, cây cối vườn hoa, tượng đài… còn lại phải được bảo toàn nguyên vẹn. Trong khu vực này có thể được phép xây dựng các khu tượng đài hoặc những công trình văn hóa khác nhằm mục đich tôn tạo khu vực di tích). Khu vực 3 (là khung cảnh thiên nhiên của di tích vốn gắn bó với giá trị vẻ đẹp của chúng. Là khu vực có thể xây dựng thêm những công trình dịch vụ mới, nơi làm việc, nhà trưng bày, nhà tiếp khách, nơi giải trí, vườn hoa, nhưng phải làm cho hài hòa với tính chất, giá trị vẻ đẹp của di tích).
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Trong đó khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Và việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh
hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Căn cứ các văn bản pháp lý thay đổi theo các thời kỳ, đến hiện tại 100% di tích quốc gia trên địa bàn huyện đều được xác lập các khu vực bảo vệ theo đúng hồ sơ. Tuy nhiên tùy từng giai đoạn xếp hạng mà việc khoanh vùng có sự khác nhau, các di tích được xếp hạng trước năm 2001 thường chỉ xác định khu vực bảo vệ 1, các di tích xếp hạng sau năm 2001 đến nay được khoanh vùng khu vực bảo vệ 1,2,3. Việc xác lập chính xác các khu vực bảo vệ di tích theo hồ sơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phục vụ công tác bảo vệ di tích trước tác động xấu như xâm lấn đất đai, xây dựng các công trình không phù hợp, ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Theo ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch xã Liên Phương cho biết “Khi di tích đình Phương Quế và đình Bạch Liên được xếp hạng di tích quốc gia, là người dân địa phương tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đồng thời việc xếp hạng di tích đi kèm theo việc khoanh vùng và kiểm kê hiện vật trong di tích giúp cho cơ quan quản lý ở địa phương như chúng tôi có căn cứ cụ thể, rõ ràng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai của di tích – một vấn đề rất nan giải bấy lâu nay” (tài liệu phỏng vấn ngày 30/3/2021).
Trong hồ sơ xếp hạng di tích có xây dựng bản vẽ kỹ thuật di tích, tập ảnh màu khảo tả di tích cũng góp phần quan trọng, làm cơ sở cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích nếu di tích bị hủy hoại do tác động của con người hoặc thiên nhiên. Ngoài ra, hồ sơ khoa học di tích cũng là cơ sở để củng cố, tập hợp, lưu trữ các thông tin, tư liệu về giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ của di tích, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tham quan, học tập của nhân dân trong và ngoài huyện.
Việc xếp hạng di tích xong sẽ giúp xác định được niên đại của di tích, thống kê hiện vật, xác định giá trị của các cổ vật trong mỗi di tích, từ đó huyện có phương án bảo vệ di tích một cách tốt nhất. Đồng thời việc xếp hạng di tích cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc tu bổ, tôn tạo di tích, việc căn cứ vào ảnh chụp trong hồ sơ để có các chứng cứ khoa học về kiến trúc nghệ thuật, từ đó sẽ xác định được yếu tố gốc của di tích để phục vụ cho việc tu bổ sau này.
Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả đi giới thiệu về hồ sơ đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 2017 - di tích đình Hạ Thái, xã Duyên Thái gồm:
- Quyết định xếp hạng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
- Lý lịch di tích đình Hạ Thái do Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội lập. - Biên bản các khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đình Hạ Thái. Biên bản có sự xác nhận của các đơn vị UBND xã Duyên Thái, Phòng Văn hóa Thông tin, phòng Tài Nguyên Môi trường, UBND huyện Thường Tín, Ban Quản lý di tích Danh thắng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thành phố Hà Nội.
- Bản đồ hiện trạng khoang vùng bảo vệ di tích Đình Hạ Thái (cũng có sự xác nhận của các cơ quan trên).
- Bản vẽ hiện trạng kiến trúc di tích đình Hạ Thái.
- Tập ảnh khảo tả di tích đình Hạ Thái: Gồm có phần ảnh kiến trúc và phần ảnh di vật.
- Bảng thống kê hiện vật thuộc di tích đình Hạ Thái: gồm có 33 di vật, hiện vật quý. Được thể hiện chi tiết từ tên hiện vật, đánh mã số, ghi rõ niên đại, phân theo loại hình, xác định chất liệu, kích thước, trọng lượng và miêu tả hiện vật, tình trạng bảo quản.
Bà Nguyễn Thị Yến (phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình lập hồ sơ di tích Đình Hạ Thái, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện và UBND xã Duyên Thái để tiến hành khảo sát thực tế, lập hồ sơ, khoanh vùng khu vực bảo vệ…đảm bảo đúng và đủ theo quy định” (tài liệu phỏng vấn ngày 15/4/2021).
Đối với các di tích đã được xếp hạng, việc lưu giữ hồ sơ được phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín thực hiện đúng quy định, các hồ sơ cơ bản được bảo quản nguyên vẹn và đầy đủ về thành phần, số lượng. Hồ sơ không bị rách, thiếu, mất trong suốt quá trình từ khi được xếp hạng tới nay.
Như vậy, trong thời gian từ năm 2008 – 2020, với nỗ lực của các cấp chính quyền từ cơ sở đến huyện, huyện Thường Tín đã thực hiện đúng quy trình đề nghị xếp hạng được 09 di tích cấp quốc gia, đây là giai đoạn không ngắn và số lượng di tích được xếp hạng cũng không phải là ít. Đặc biệt đối với địa phương mà số lượng di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia lên tới con số 52 di tích trước năm 2008, thì có thể thấy rằng việc lựa chọn di tích có giá trị tiêu biểu, đặc sắc để thẩm duyệt và đề xuất xếp hạng không phải việc dễ dàng đối với cơ quan quản lý nhà nước về di tích. Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, sự quan tâm vào cuộc của các cấp hội, ban, ngành đoàn thể và người dân địa phương đã mang lại kết quả hôm nay. Tuy nhiên, với kết quả này là vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra thách thức lớn với huyện trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện.