về quản lý di tích cấp quốc gia
Trên cơ sở Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa; văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Thường Tín đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong đó nhấn mạnh một số nội dung về công tác quản lý nhà nước về di tích như sau: Hệ thống văn bản được xây dựng đáp ứng đủ và kịp thời trước những biến đổi về công tác quản lý nhà nước đối với di tích trên địa bàn huyện. Đã xây dựng được lộ trình 5 năm và hàng năm trong công tác quản lý. Quy định rõ và rất chặt chẽ trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia trên địa bàn huyện. Từ giai đoạn lập hồ sơ thiết kế và dự toán, xin ý kiến của sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, ý kiến của Cục Di sản văn hóa, đến bước phê duyệt hồ sơ thiết kế và thực hiện đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và thực hiện thi công tu bổ đúng theo quy định. Công tác xếp hạng di tích được quan tâm, hằng năm huyện đều thực hiện rà soát và đề nghị xếp hạng cấp thành phố và quốc gia đối với các di tích
đủ tiêu chí và có giá trị, ý nghĩa về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa. Công tác tu bổ di tích được thực hiện đúng quy trình thủ tục theo Luật Di sản và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, UBMTTQ và các đoàn thể Nhân dân, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của từng Ban quản lý đối với di tích quốc gia đã được xếp hạng; thường xuyên giới thiệu về giá trị lịch sử của di tích, lịch sử văn hóa, di sản văn hóa; Đồng thời quán triệt việc không để linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong di tích, nơi thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa.
Như vậy có thể thấy hệ thống các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng của nước ta được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương và khá hoàn chỉnh. Những văn bản này như một hành lang pháp lý, tạo điều kiện, động lực cũng như cơ hội để phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện, nhằm phát huy tối đa các giá trị của di tích trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Để văn bản pháp lý đi vào thực tiễn công tác quản lý nhà nước về di tích công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật về lĩnh vực văn hóa. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu tập trung vào người dân tại địa phương và đặc biệt là những người trực tiếp quản lý di tích trên địa bàn. Người dân được tiếp cận một cách đầy đủ, có hệ thống những quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, các quy định về phân vùng bảo vệ di tích, đặc
biệt là việc thực hiện các quy định về quản lý trật tự xây dựng - một nội dung khá mới mẻ, nhưng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân và di tích trong khu vực bảo vệ của di tích. Vì vậy công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong giai đoạn này đổi mới cả về nội dung, hình thức và đối tượng tham gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tình hình mới.
Phòng Văn hóa & Thông tin huyện chủ động tham mưu giúp Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý và bảo vệ di tích, Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và các văn bản của Thành phố, của huyện về công tác tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích. Từ năm 2015 trở lại đây Cổng thông tin điện tử huyện tại địa chỉ
http://thuongtin.hanoi.gov.vn đã đăng tải 2.153 tin, bài, văn bản ở các lĩnh vực chính trị - an ninh - quốc phòng; kinh tế - nông nghiệp; văn hóa - xã hội, giáo dục; chuyên mục Thông tin giới thiệu có mục riêng giới thiệu về các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Trang thông tin điện tử văn hóa - du lịch - làng nghề huyện Thường Tín tại địa chỉ http://thuongtinvhdlln.hanoi.gov.vn và fanpage “Thường Tín đất danh hương” cũng thường xuyên đăng tải thông tin quảng bá, giới thiệu về các di tích quốc gia trên địa bàn huyện. Đài truyền thanh huyện định kỳ hàng tháng xây dựng các tin bài về di tích nói chung và di tích quốc gia nói riêng, mỗi tin bài có dung lượng 30 phút, thực hiện phát thanh trên hệ thống truyền thanh huyện và các xã, thị trấn. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trên hệ thống Cổng thông tin điện tử, đài truyền thanh, huyện còn sử dụng các hình thức trang trí tuyên truyền trực quan với nhiều hình thức phong phú như làm 2-4 panơ, 200 nheo, 100 cờ hồng vào dịp kỷ
niệm ngày Di sản văn hóa 23/11 hàng năm, tại các di tích thực hiện làm cụm panơ để chỉ dẫn và giới thiệu, quảng bá về di tích.
Phỏng vấn ông Lý Quang Tú - Trưởng Đài truyền thanh huyện cho biết “Đài truyền thanh huyện và xã định kỳ xây dựng tin bài và chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu về các di tích tiêu biểu của huyện; các quy định của nhà nước về quản lý di sản văn hóa, quản lý di tích, đặc biệt khi có các văn bản mới, cán bộ đài sẽ biên tập tin để phát trên đài nhằm phổ biến rộng rãi tới quần chúng nhân dân trong huyện” (tài liệu phỏng vấn ngày 19/2/2021).
Theo bà Phạm Mai Anh - Cán bộ quản trị Cổng thông tin điện tử huyện cũng cho biết “Có rất nhiều bài viết về các di tích trên địa bàn huyện được cán bộ các xã, thị trấn và cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh huyện viết gửi về Cổng thông tin điện tử huyện để giới thiệu về di tích trên địa bàn huyện, nhiều bài viết kèm theo ảnh chụp về di tích rất đẹp. Tôi hy vọng thông qua Cổng thông tin điện tử huyện sẽ giúp người dân trong và ngoài huyện biết tới các di tích trên địa bàn huyện nhiều hơn”(tài liệu phỏng vấn ngày 19/2/2021).
Theo bà Nguyễn Thị Thắm – Người dân thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê cho biết “Tôi là công dân thôn Nhị Khê, nơi có nhà thờ Nguyễn Trãi, tôi rất tự hào, hàng ngày nghe loa truyền thanh xã, xem bản tin ở thôn tôi thấy chính quyền rất quan tâm đến công tác bảo vệ và trùng tu di tích và tuyên truyền cho chúng tôi biết di tích thuộc thôn tôi thì chúng tôi phải giữ gìn và bảo vệ cho thế hệ con cháu”.
Bên cạnh đó hoạt động tuyên truyền gắn giáo dục truyền thống với các di tích lịch sử cũng được chú trọng. Việc đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện đã có nhiều hoạt động triển khai giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức
trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, học sinh trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử; góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.
Hình thức triển khai tuyên truyền giáo dục của các đảng bộ, chính quyền địa phương khá đa dạng, phong phú và đa dạng tới mọi tầng lớp nhân dân như: Nói chuyện thời sự, kể chuyện truyền thống của Hội Cựu chiến binh, Hội, Người cao tuổi; sinh hoạt chi bộ của các chi bộ Đảng ở khu dân cư, câu lạc bộ của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...
Giới thiệu lịch sử cách mạng huyện, truyền thống của vùng vùng “đất danh hương huyện anh hùng” Thường Tín thông qua việc biên soạn và phát hành “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thường Tín” trong đó có 1 phần nội dung về quá trình hoạt động cách mạng gắn với 1 số di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn huyện; biên soạn cuốn “Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi với quê hương Thường Tín” đề cập tới cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi với quê hương Nhị Khê và giới thiệu về di tích Đền thờ Nguyễn Trãi; “Lịch sử địa phương xã Dũng Tiến và Chương Dương”; “Lịch sử địa phương xã Hòa Bình và Thắng Lợi ”. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) xây dựng nhiều chương trình nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi hình ảnh của huyện Thường Tín - vùng đất danh hương năm 2016. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện Chương trình “Hành trình di sản” tại Di tích đình Khánh Vân, xã Khánh Hà; hợp tác sản xuất nhiều phóng sự cho các chuyên mục của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Truyền hình Nhân dân… về các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Theo ông Nguyễn Văn Lâm – Ban Tuyên giáo Huyện ủy “Lãnh đạo Huyện ủy – UBND huyện rất quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục người dân về lịch sử của huyện, về vùng đất danh hương truyền thống anh hùng
và truyền thống văn hóa địa phương, đặc biệt là hệ thống di tích dày đặc, nằm rải rác tại tất cả các xã trên địa bàn”(tài liệu phỏng vấn ngày 20/2/2021).
Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt đã phát huy vai trò cộng đồng trong việc tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Vận động mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo vệ, không được xâm phạm đến di tích. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa nói riêng. Tu bổ, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích, đấu tranh chống các hành vi vi phạm di tích đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn thể nhân dân. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di tích đã đạt những kết quả tích cực, vai trò, trách nhiệm của chính quyền, người dân được nâng lên, đặc biệt là kiến thức pháp luật về trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động kinh doanh trong phạm vi di tích đã được phổ biến sâu rộng đến các đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại các địa phương.