UBND huyện đã xây dựng được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý nhà nước về di tích. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và của người dân về ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa và trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa ngày càng được nâng cao.
Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn huyện được xây dựng theo đúng quy định của nhà nước. Cấp huyện, cấp xã và thành lập Ban quản lý di tích của từng di tích quốc gia cụ thể. Theo báo cáo tổng kết hàng năm 100% các di tích được thực hiện quản lý đúng phân cấp theo quy định, có thành lập Ban quản lý và 1 số di tích có thành lập tiểu ban giúp việc, có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên do vậy việc triển khai thực hiện quản lý bảo vệ di tích được hiệu quả, tránh chồng chéo.
Huyện đã duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quy định về công tác quản lý di tích, thực hiện tuyên truyền đan xen, lồng ghép với các sự kiện khác trong năm nên ý thức, trách nhiệm của cán bộ địa bàn được nâng cao, nhận thức của người dân thay đổi, đã có cách nhìn, cách ứng xử tích cực, phù hợp, đánh giá đúng vai trò và giá trị của các di sản văn hóa, qua đó khơi
dậy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý di tích không có tình trạng mất an ninh trật tự, ít xảy ra mất cắp di vật cổ vật quý trong di tích, công tác phòng cháy chữa cháy trong di tích được chú trọng, vấn đề phòng chống sụt đổ, mất an toàn tại di tích trong mùa mưa bão đều được xử lý.
Việc đầu tư tu bổ di tích: Được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách nhà nước đầu tư cho mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích ổn định và tăng dần theo từng năm. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 của HĐND huyện về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện; Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về việc điều chỉnh bổ sung Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 của HĐND huyện về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện là cơ sở pháp lý để đầu tư tu bổ các di tích trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo và đang trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương.
Huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn di sản văn hoá. Sở VHTT&DL Hà Nội cũng như UBND huyện, phòng VH&TT huyện đã quan tâm hơn đến việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức ngành văn hóa cũng như những người hoạt động trực tiếp tại các di tích, cơ sở thờ tự. Đây là sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành đối với ngành văn hóa trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc phân cấp trong quản lý di tích đã tạo thuận lợi cho việc xây dựng quy chế quản lý cũng như phân rõ trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động diễn ra hàng năm tại các di tích, cơ sở thờ tự. Việc tiếp nhận hiện vật, kinh phí và các nguồn tài trợ khác được
sử dụng đúng mục đích, theo quy định, có xin phép và báo cáo lên UBND huyện và phải được sự đồng ý của UBND huyện chấp thuận thì các di tích, cơ sở thờ tự mới được tiếp nhận và bố trí nơi để cho phù hợp với tổng quan di tích.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về di tích, giải quyết đơn thư khiếu nại tranh chấp được giải quyết tốt. Đã có những hình thức khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Vai trò của cộng đồng được phát huy hiệu quả, các Ban quản lý di tích tại địa phương đều có sự tham gia của cộng đồng, cộng đồng đóng góp kinh phí để tu bổ di tích đồng thời cũng thể hiện vai trò giám sát các hoạt động tu bổ và phát huy giá trị di tích.
3.1.2. Tồn tại
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đủ và kịp thời, tuy nhiên hiệu lực thực thi của hệ thống văn bản còn có phần hạn chế, đôi khi việc ban hành văn bản để đảm bảo quy định theo hình thức còn việc thực thi văn bản có kết quả như thế nào thì không có sự đánh giá.
Hoạt động du lịch văn hóa gắn kết với du lịch di sản chưa có sự đột phá. Nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành cũng như cộng đồng dân cư chưa thật sự đầy đủ về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch. Nguồn lực đầu tư cho các di tích danh thắng, di sản văn hóa… để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn hạn hẹp. Ý thức bảo vệ di sản văn hóa của một bộ phận người dân chưa cao. Chất lượng một số điểm đến du lịch tâm linh còn có hạn chế về vệ sinh môi trường, tổ chức dịch vụ, hướng dẫn viên,… Còn nhiều bất cập trong công tác bảo tồn các công trình kiến trúc cổ do cơ chế phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Hoạt động quảng bá và giới thiệu các giá trị văn hóa của huyện chưa được tổ chức rộng rãi. Hiệu quả khai thác kinh doanh và quảng bá du
lịch, các điểm đến chưa cao, việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn chưa xứng với tiềm năng.
Công tác đề nghị xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn: Các di tích có giá trị lớn nhưng chưa được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp. Có nhiều di tích có giá trị, cần được lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, tuy nhiên việc di tích có diện tích lớn, nằm trong diện tích đất thuộc các hộ gia đình quản lý nên việc lập hồ sơ khoa học di tích gặp nhiều khó khăn. Nguồn thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến di tích ít và thiếu, do những người ít nhiều hiểu biết về di tích đã qua đời, số còn lại tuổi cao, không còn minh mẫn, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin, tư liệu.
Việc khoanh vùng bảo vệ di tích có sự thay đổi qua các giai đoạn, các di tích giai đoạn trước thường chỉ xác định được khu vực bảo vệ 1, đến khi Luật Di sản văn hóa ra đời mới quy định khu vực bảo vệ 2, đồng thời sự thay đổi bản đồ địa chính theo quy định của Luật Đất đai không có sự trùng khớp với hiện trạng bản đồ xếp hạng di tích thời trước, do đó ở một số di tích rất khó để xác định rõ khu vực bảo vệ 1 hoặc 2 của di tích, nên dễ dẫn đến tình trạng xâm phạm đất của di tích trong tương lai.
Nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn xã hội về di sản văn hóa chưa sâu sắc và toàn diện. Đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương còn nhiều hạn chế. Còn lúng túng trong việc xử lý để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ở một vài điểm di tích bị tu bổ sai quy cách do sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương, nhân dân, các vị trụ trì đền, chùa và cả đơn vị thi công khi tu bổ di tích muốn thay mới toàn bộ các bộ phận kiến trúc bị xuống cấp cho bền chắc nên phản đối việc áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp..., do muốn di tích được “xứng tầm”, “hoành tráng” đã dẫn đến làm mới di tích. Việc thỏa thuận xin ý kiến cho phép tu bổ của các cơ quan có thẩm quyền ở một số di tích còn khá chậm, từ khi nộp hồ sơ đến khi có văn bản chấp thuận của Cục Di sản và Sở Văn hóa thể thao
Hà Nội đôi khi còn muộn hơn so với quy định của Luật Di sản văn hóa, dẫn đến tình trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng gây nguy hiểm cho người dân đến tham quan và thực hành nghi lễ tại di tích.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng số lượng di tích trên địa bàn huyện nhiều, có niên đại sớm, số di tích xuống cấp tương đối lớn, vì vậy công tác bảo tồn và tu bổ di tích còn không ít khó khăn, thách thức. Hiện tượng trộm cắp cổ vật của di tích những năm gần đây có xu hướng tăng. Một thời gian có xảy ra việc cung tiến hiện vật không phù hợp vào trong di tích... làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn nguyên trạng những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích. Việc quản lý và sử dụng nguồn thu tại di tích vẫn tồn tại nhiều bất cập. Việc thực hiện hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông nom tại các di tích chưa được thực hiện do chưa có hướng dẫn cụ thể của thành phố.
Mặc dù việc lựa chọn đơn vị thực hiện tu bổ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên đội ngũ những người làm công tác bảo tồn được chọn tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm thực hiện còn ít, lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn và tôn tạo di tích.