Hoàn thiện hệ thống thể chế: Thể chế là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội; định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong xã hội và điều chỉnh sự vận hành xã hội. Một cách cụ thể thì nội hàm thể chế bao gồm 3 yếu tố chính: Hệ thống pháp luật, các quy tắc xã hội điều chỉnh các mối quan hệ và các hành vi được pháp luật thừa nhận của một quốc gia; Các chủ thể thực hiện và quản lý sự vận hành xã hội (bao gồm nhà nước, cộng đồng cư dân, các tổ chức xã hội dân sự); Các cơ chế, phương pháp, thủ tục thực hiện hoạt động xã hội, quản lý và điều hành sự vận hành xã hội.
Không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa, mà ở tất cả các lĩnh vực quản lý, để đạt được kết quả cao nhất cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả 3 yếu tố trên. Tuy nhiên việc xây dựng thể thế văn hóa ở nước ta đặc biệt tại các địa phương còn chậm và nhiều thiếu sót. Chính sách để thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung và di tích nói riêng được ban hành còn khá chậm so với nhu cầu thực tế, bộ máy quản lý di tích chưa được sắp xếp hợp lý để phát huy tốt nhất hiệu lực lãnh đạo, quản lý.
Từ thực tế trên cần cải cách thể chế văn hóa để phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay, việc cải cách thể chế văn hóa phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, nhấn mạnh vai trò điều hành và quản lý vĩ mô của
nhà nước đối với văn hóa, phải xây dựng được thể chế quản lý văn hóa theo hướng: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ngành nghề tự chủ, đơn vị doanh nghiệp sự nghiệp vận hành theo pháp luật.
Trong thời gian tới cần tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới. Thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện. UBND Thành phố sớm ban hành các văn bản để hoàn thiện chính sách riêng của Thủ đô trong quản lý di tích, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về việc thực hiện xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích. Cần có hướng dẫn cụ thể để cấp huyện và xã không gặp lúng túng trong quá trình thực hiện khi người dân công đức bằng hiện vật để thực hiện tu bổ, tu tạo di tích. Đồng thời giảm tải được hồ sơ thủ tục về thực hiện xã hội hóa, có thể miễn thuế hoặc giảm thuế đối với phần kinh phí thu được từ nguồn xã hội hóa khi thực hiện tu bổ di tích. Ở cấp vĩ mô, Chính phủ cần có sự chỉ đạo để có sự thống nhất giữa các Bộ Luật là Luật thuế, Luật doanh nghiệp và Luật Di sản văn hóa trong hoạt động quản lý di tích.
Chỉ đạo các đơn vị, xã, thị trấn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần thực hiện nghiêm theo Luật Di sản văn hóa và các Nghị định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn, nơi có di tích hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của các di tích làm cho người dân thấy được mình vừa là người bảo vệ vừa là người hưởng lợi từ việc phát huy giá trị di tích, từ đó có ý thức trách nhiệm và những hành động thiết thực trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích.
Hoàn thiện hệ thống chính sách: Hiện nay chính sách khuyến khích và định hướng đầu tư xã hội cho phát triển văn hóa còn chưa rõ nét. Hệ thống các thiết chế văn hóa cần thiết nói chung bị xuống cấp và sử dụng kém hiệu quả. Do đó để đạt được hiệu quả trong công tác quản lý cần hoàn thiện hệ thống chính sách càng sớm càng tốt:
Chính sách về đầu tư: Cần xây dựng chính sách về đầu tư đồng bộ cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích quốc gia trên địa bàn huyện để trở thành các di sản tiêu biểu về khoa học bảo tồn, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch của huyện. Đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện ưu tiên sử dụng ngân sách đầu tư của huyện. Đối với các di tích cần tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí lớn ngoài khả năng bố trí của ngân sách huyện, thì huyện cần chủ động lập hồ sơ và có văn bản trình UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí để đảm bảo di tích được bố trí đủ vốn và được thực hiện kịp thời. Khi được hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, huyện cần chủ động và kịp thời bố trí kinh phí đối ứng từ ngân sách huyện để dành cho hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn huyện. Phải ưu tiên nguồn kinh phí thu được từ hoạt động thăm quan du lịch của du khách tại di tích để phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích để quay vòng lại tiếp tục phục vụ nhu cầu thăm quan, tìm hiểu về văn hóa của huyện tốt hơn.
Thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích: từ nguồn ngân sách Nhà nước, của địa phương và huy động xã hội hóa từ các nguồn hợp pháp khác. Tuy nhiên yêu cầu sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cũng là yêu cầu được đặt ra, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào việc bảo vệ di sản văn hóa, thực hiện tốt việc nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Thực hiện đầu tư kinh phí để áp dụng các kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý di tích, thực hiện dự án số hóa điểm 02 di tích trên địa bàn huyện trong năm 2021 phục vụ quảng bá về di tích và phát triển du lịch, đồng thời còn phục vụ hoạt động lưu trữ và bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích trên địa bàn huyện.
Chính sách xã hội hóa: Xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là đa dạng hóa các chủ thể văn hóa, nhằm thu hút đông đảo lực lượng xã hội, các tập thể và cá nhân đứng ra chăm lo, tổ chức và điều hành các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa theo đúng pháp luật của Nhà nước. Xã hội hóa hoạt động bảo vệ di sản văn hóa không đồng nghĩa với việc tự do hóa và tư nhân hóa. Trong khi thực hiện việc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ di sản, các cơ quan chủ quản của ngành văn hóa vẫn có vai trò quan trọng, đó là vai trò quản lý và hướng dẫn theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và cá nhân được phép chủ động tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhưng phải tiến hành trong khuân khổ chính sách và pháp luật của nhà nước. Nếu các cơ quan chủ quản buông lỏng quá trình quản lý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng việc xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn di tích sẽ có yếu tố tác động tiêu cực xảy ra, trong đó nhiều nhất là tình trạng “thương mại hóa” di tích.
Khi Nghị Quyết số 21/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 của HĐND huyện về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện quy định hằng năm bố trí 2% ngân sách huyện cho hoạt động tu bổ không những đúng và trúng vào mục đích của công tác tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích, mà bên cạnh đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách huyện, công tác xã hội hoá ở các địa phương cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhân dân đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng tỷ đồng cho công việc bảo vệ, quản lý, tu bổ, tôn tạo tại các di tích. Tuy nhiên do số lượng di tích lớn có 123 di tích được xếp hạng (61 di
tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố) cùng với đó ngân sách nhà nước phải chi cùng lúc cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh… nên với mức chi 2% vẫn chưa đáp ứng được với số lượng di tích nhiều và xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Vì vậy đã có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã đầu tư xây dựng, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn huyện, ví dụ Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt đã đầu tư xây dựng công trình Văn từ Thượng Phúc tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Đây là nguồn lực lớn góp phần không nhỏ cùng với ngân sách nhà nước trong việc đầu tư xây dựng và tu bổ di tích. Tuy nhiên để làm tốt công tác quản lý và hướng dẫn thực hiện nguồn kinh phí xã hội hóa, các cơ quan quản lý văn hóa cấp huyện cần nâng cao nhận thức về pháp luật, khoa học cũng như hướng dẫn cho cộng đồng phát huy các giá trị văn hóa phù hợp, loại bỏ những ứng xử có hại cho di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình xã hội hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng hướng.
Cần có chính sách đặc thù về thuế, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính… để tạo điều kiện về kinh doanh cho các nhà đầu tư trong và ngoài huyện, từ đó tìm kiếm nguồn tài trợ của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh trên địa bàn huyện để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích.
Huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Có hình thức khen thưởng xứng đáng những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Nâng tầm tổ chức các ngày lễ, các lễ hội văn hóa truyền thống, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các điểm di tích trên địa bàn thành các sự kiện văn hóa du lịch để thu hút khách tham quan du lịch.
Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các cấp, các ngành liên quan góp ý cho các bản quy hoạch, kế hoạch trên địa
bàn huyện. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến vai trò phản biện của người dân địa phương nhằm đạt được những kết quả cao nhất trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Tăng cường sự phối hợp liên ngành: Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quá trình quản lý nhà nước về di tích, đặc biệt là trong đầu tư, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân huyện cần tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, các xã, thị trấn trong việc thực hiện trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích cấp quốc gia trên địa bàn. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa trong công tác này đối với các di tích, hàng năm phòng Văn hóa và Thông tin huyện với vai trò là cơ quan chủ quản cần có kế hoạch phối kết hợp với các đơn vị khác như: phòng Tài chính để xin hỗ trợ nguồn ngân sách trong việc đầu tư tu bổ, tôn tạo; phòng Tài nguyên và Môi trường để tiến hành đo đạc, cấp đất khoanh vùng cho các di tích; UBND các xã, thị trấn trong việc bảo vệ các di tích. Ngoài sự phối hợp với các sở ban ngành nói trên thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử còn cần có sự phối hợp liên ngành, trong đó cần chú ý đến sự liên kết chặt chẽ giữa công tác quản lý di tích với các đơn vị thực hiện quản lý phát triển công nghiệp, quản lý đô thị trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay.