Hàng năm, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn lập dự toán của Bộ Tài chính và hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên, tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm trước và dự kiến cho năm tiếp theo, các đơn vị KBNN thực hiện lập dự toán ngân sách theo đúng quy định; có thuyết minh chi tiết từng nội dung dự toán trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao gửi cơ quan chủ quản cấp trên. Cơ quan chủ quản cấp trên tổng hợp gửi Bộ Tài chính. Kết quả của khâu này là dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
a) Yêu cầu trong công tác lập dự toán
Một là, phải tuân thủ những quy định của Luật NSNN, dự toán chi của các đơn vị dự toán các cấp phải lập theo đúng nội dung, biểu mẫu, thời hạn kèm theo báo cáo thuyết minh rõ ràng cơ sở, căn cứ tính toán.
Hai là: lập dự toán chi NSNN phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về chi ngân sách như: Chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.
Ba là, phải căn cứ vào cân đối ngân sách theo Nghị quyết của Quốc Hội. b) Căn cứ lập dự toán chi
Để dự toán chi NSNN thực sự trở thành công cụ hữu ích trong điều hành ngân sách phải căn cứ vào các nhân tố chủ yếu sau:
+ Nhiệm vụ chính trị được giao, doanh số hoạt động, vị trí địa lý, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung và nhiệm vụ cụ thể của từng KBNN địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc KBNN.
+ Định mức phân bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách. + Chỉ thị của Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách; Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc lập dự toán chi ngân sách;
+ Số kiểm tra về dự toán chi ngân sách Nhà nước;
+ Lập dự toán chi NSNN phải tính đến các kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách các năm trước đặc biệt là năm báo cáo.
c) Phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước: Sau khi được Bộ Tài chính giao dự toán ngân sách, KBNN tiến hành phân bổ và giao dự toán thu, chi NSNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định gồm dự toán chi thường xuyên và dự toán chi đầu tư phát triển hiện đại hóa Kho bạc.
+ Dự toán chi thường xuyên: Thanh toán cá nhân, chi hỗ trợ điều động luân chuyển, chi mua bảo hiểm xe máy, tài sản, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên tài sản và các khoản chi khác.
+ Dự toán chi đầu tư phát triển hiện đại hóa Kho bạc: Chi đầu tư xây dựng, chi đào tạo bồi dưỡng công chức, chi mua sắm, sửa chữa tài sản.