Hoạt động giáo dục trong trường mầm non được biên soạn theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với từng độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo trong chương trình được thiết kế đầy đủ các thành tố từ mục tiêu, nội dung, phương pháp thể hiện trong các hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục và các điều kiện thực hiện hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo.
Nghiên cứu và đổi mới chương trình qua các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo xuất phát từ việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục mầm non đồng bộ với đổi mới chương trình giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tiếp cận nền giáo dục mầm non tiến tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới dựa trên những nghiên cứu khoa học về đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi mầm non, về đặc trưng của giáo dục mầm non, lí luận xây dựng các hoạt động giáo dục, thực trạng hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo hiện hành và những yêu cầu đổi mới của thực tiễn giáo dục mầm non ở Việt Nam (Nguyễn Thị Lan Anh, 2015).
Các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo trong chương trình đã tiếp thu những tinh hoa trong và ngoài nước. Tư tưởng cốt lõi của các hoạt động giáo dục thể hiện được quan điểm về quán triệt mục tiêu trong giai đoạn mới, tiếp cận hoạt động nhân cách và phát triển, giáo dục hướng vào lấy trẻ làm trung tâm và quan điểm tích hợp.
Nội dung các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo thể hiện những nội dung cốt lõi, cơ bản và thống nhất trong toàn quốc, phù hợp từng độ tuổi. Các nội dung trong hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo có độ mở, giúp giáo viên chủ động và linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, vận dụng phù hợp với trẻ và điều kiện thực tế tại vùng miền, địa phương, trường, lớp.
Với xu hướng chung là tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thì việc đổi mới việc xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ cấp bách của đổi mới giáo dục Việt Nam. Định hướng chung cho việc đổi mới này là chuyển từ kiểu lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy trẻ làm trung tâm, trong đó vai
trò của GV và trẻ thay đổi. Giáo viên không còn là người truyền đạt thông tin duy nhất, một chiều mà chỉ là chủ thể định hướng, thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, điều khiển… còn trẻ sẽ là chủ thể tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục dưới sự tổ chức sư phạm của GV (Bộ giáo dục và đào tạo, 2012).
Quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các hoạt động giáo dục được thực hiện bằng việc khuyến khích trẻ hoạt động tích cực thông qua kỹ năng phân tích, phản biện, thảo luận, tương tác từ hai phía được hình thành thông qua những hoạt động giáo dục do GV tổ chức. Sự tương tác này giúp trẻ cảm thấy tự tin, mạnh dạn và đặc biệt là tạo động lực, sự thích thú tham gia vào các hoạt động giáo dục hơn.
1.3.2. Hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo
1.3.2.1. Đặc điểm trẻ mẫu giáo
Trẻ em lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi đang phát triển về nhiều mặt để dần hình thành nhân cách qua nhiều giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn đều có bước chuyển mang tính phát triển kế thừa của giai đoạn trước đó. Do sự phát triển của xã hội trẻ lứa tuổi mẫu giáo ngày càng tích cực, chủ động hơn trong các hoạt động. Trẻ lứa tuổi này nhanh chóng tiếp thu kinh nghiệm sống để trau dồi cho bản thân nhiều hơn về các mặt. Tuy nhiên, sự phát triển của trẻ lứa tuổi mẫu giáo không đồng đều do nhiều yếu tố như điều kiện sinh học (lành lặn, khỏe mạnh, điều kiện chăm sóc), môi trường sống, môi trường giáo dục và tính tích cực hoạt động của bản thân trẻ (Đinh Văn Vang, 2012).
Trẻ lứa tuổi mẫu giáo bắt đầu nảy sinh những yếu tố của hoạt động học tập và những hình thức sơ đẳng của hoạt động lao động như vui chơi, học tập và lao động là ba dạng hoạt động cơ bản thể hiện sự phát triển của trẻ. Bên cạnh hoạt động vui chơi có thể tổ chức cho trẻ tham gia vào những hoạt động khác như học tập và lao động, nhưng chỉ với một liều lượng và mức độ nhẹ nhàng, vì những hoạt động này đang ở dạng sơ khai (dạng hoàn chỉnh của chúng là ở các giai đoạn phát triển sau). Trẻ bước đầu hình thành ý thức bản thân, tư duy của trẻ bắt đầu phát triển, xuất hiện các hành vi phù hợp trong cuộc sống. Lứa tuổi này, trẻ bắt đầu xuất hiện những yếu tố của hoạt động học tập, lao động. Ngoài ra, đến cuối tuổi mẫu giáo trẻ đã có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày, phát triển tình cảm
xúc cảm phát triển mạnh, dần hình thành quá trình ý thức bản thân và dần xuất hiện kiểu tư duy trực quan hình tượng mới - tư duy trực quan sơ đồ và những yếu tố của kiểu tư duy lôgic (Nguyễn Ánh Tuyết, 2008).
Như vậy, trẻ đến giai đoạn tuổi mẫu giáo thường có khuynh hướng muốn độc lập, trưởng thành. Sự phát triển ở giai đoạn này có nhiều thay đổi, vì trẻ bắt đầu được hòa mình vào môi trường tập thể. Từ lúc lọt lòng cho đến 6 tuổi là một quãng đời có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển chung của trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em thời kì này có đặc điểm là rất dễ uốn nắn và có nhịp độ phát triển rất nhanh. Chính vì vậy, các nhà giáo dục cần phải quan tâm đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ về mọi mặt. Ở giai đoạn phát triển này, trẻ em có những đặc điểm, những quy luật phát triển độc đáo, không giống bất cứ một giai đoạn phát triển nào sau này. Hiểu biết những đặc điểm chung đó sẽ giúp việc xây dựng kế hoạch của giáo viên ngày càng cụ thể và phù hợp với trẻ hơn.
1.3.2.2. Hoạt động chủ đạo trẻ mẫu giáo
Để trẻ mẫu giáo được phát triển toàn diện theo lứa tuổi thì vai trò của nhà giáo dục rất quan trọng. Nhà giáo dục cần hiểu đặc điểm trẻ lứa tuổi mẫu giáo để trên cơ sở đó có những phương pháp, biện pháp giáo dục cần thiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trẻ mẫu giáo ở trường mầm non có hai loại hoạt động cơ bản đó là hoạt động chăm sóc và hoạt động giáo dục. Hai hoạt động này được diễn ra song song, hỗ trợ lẫn nhau, nó được trải đều vào hoạt động hàng ngày của trẻ.
Hoạt động chăm sóc của trẻ mẫu giáo bao gồm các hoạt động như ăn, ngủ, vệ
sinh. Đối với hoạt động vệ sinh trẻ mẫu giáo được rèn và trẻ thực hành các thói quen vệ sinh phù hợp một cách đầy đủ, đúng yêu cầu. Nói chung, đây là hoạt nhằm hình thành một số nề nếp, thói quen trong sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu sinh lí của trẻ, đồng thời tập cho trẻ một số nề nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày và tạo cho trẻ trạng thái tinh thần sảng khoái và vui vẻ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016).
Hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo bao gồm các hoạt động như: Hoạt động
chơi, đây là hoạt động chủ đạo của trẻ lứa tuổi này. Có hai loại hoạt động chơi: Thứ nhất là hoạt động vui chơi trong lớp gồm có rất nhiều trò chơi cho trẻ nhằm phát triển thông qua các loại trò chơi như: trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi ghép hình lắp
ráp, xây dựng, các trò chơi vận động tinh và vận động ngoài trời, trò chơi học tập, trò chơi đóng kịch... Thứ hai là hoạt động vui chơi ngoài trời gồm các trò chơi vận động, trò chơi dân gian, chơi với đồ chơi ngoài trời, quan sát... Ngoài ra, trẻ lứa tuổi mẫu giáo còn có hoạt động lao động tự phục vụ, lao động trực nhật, lao động tập thể ... nhưng hoạt động của trẻ không đòi hỏi là tạo ra sản phẩm mà chúng chỉ là tái tạo lại hành động và nó được sử dụng như một phương tiện để tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016).
Vào tuổi mẫu giáo nhiều hình thức hoạt động phong phú đã xuất hiện như vui chơi, học tập, lao động nhưng vui chơi được coi là hình thức hoạt động chủ đạo không phải vì trẻ dành nhiều thời gian cho nó, mà chính là trò chơi đã gây ra những biến đổi về chất, nó chi phối toàn bộ đời sống của trẻ và các dạng hoạt động khác, làm cho chúng mang màu sắc độc đáo của trẻ lứa tuổi mẫu giáo.
Các hoạt động chủ đạo có khả năng chi phối các hoạt động khác cùng diễn ra đồng thời và tạo ra những nét đặc trưng trong của trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề. Chính đối tượng mới này đã tạo nên nhân cách của đứa trẻ (trước đó nhân cách chưa được hình thành). Do nhân cách bắt đầu được hình thành nên đời sống tâm lí của trẻ được cải tổ so với lứa tuổi. Hoạt động vui chơi chi phối các hoạt động khác (như học tập, lao động còn đang ở dạng sơ khai) và tạo ra nét đặc trưng trong hoạt động của trẻ mẫu giáo, đó là tính hình tượng, tính dễ xúc cảm. Tóm lại, Hoạt động chủ đạo quy định những biên đổi chủ yếu nhất trong các quá trình phát triển của nhân cách đứa trẻ (Nguyễn Ánh Tuyết, 2008).
Như vậy trong trẻ mẫu giáo có một hoạt động chủ đạo nên nhà giáo dục (người lớn) cần tập trung sức lực để hình thành hoạt động ấy và cần phải có sự quan tâm đặc biệt, cần được tổ chức tốt để nó phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn trong đời sống của trẻ, thúc đẩy tạo ra sự phát triển.