Phương pháp, hình thức của hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo tại các trường mầm non quận tân bình, thành phố hồ chí minh​ (Trang 36 - 42)

Phương pháp, hình thức của hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo là việc sử dụng cách thức, phương tiện, hình thức hoạt động phối hợp của giáo viên và trẻ nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, nó có chức năng như là những phương thức giáo dục theo nội dung nhất định nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục (Trần Thị Hương, 2017).

1.3.5.1. Phương pháp giáo dục

Phương pháp giáo dục mầm non được hiểu là cách thức, con đường hoạt động hợp tác cùng nhau giữa giáo viên với trẻ nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục đã đặt ra ở lứa tuổi mầm non (Nguyễn Thị Hoa, 2013)

Phương pháp giáo dục mầm non chính là công cụ để tổ chức các hoạt động giáo dục và nó quyết định bởi mục tiêu và nội dung giáo dục trẻ ở trường mầm non. Giáo viên mầm non là người tổ chức hướng dẫn trẻ, tạo cơ hội, tạo những tình huống, những thách thức mới, tạo cảm giác tin tưởng và kích thích trẻ tham gia vào các hoạt động tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, còn trẻ chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động, trải nghiệm các tình huống trong cuộc sống và làm giàu vốn kinh nghiệm của mình (Lương Ngọc Minh, 2017).

Đối với giáo dục mẫu giáo, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ. Kết hợp hài hoà giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức hợp lí các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm lớp, với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu, hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế của nhà trường.

Phương pháp giáo dục cho trẻ mẫu giáo bao gồm:

Nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm

Phương pháp thực hành thao tác với đồ vật, đồ chơi: Trẻ sử dụng và phối hợp

các giác quan, làm theo sự chỉ dẫn của giáo viên, hành động để cảm nhận, ghi nhớ, suy nghĩ và ra quyết định đối với các đồ vật, đồ chơi (cầm, nắm, sờ, đóng mở, xếp chồng, xếp cạnh nhau, xâu vào nhau,...) để phát triển giác quan và rèn luyện thao tác tư duy. Các hoạt động trải nghiệm như cho trẻ sử dụng các giác quan và hành động để cảm nhận, ghi nhớ, suy nghĩ và ra quyết định như tham gia các hoạt động giáo dục trong khu chợ, siêu thị hay tham gia các hoạt động giáo dục ngày lễ hội hoặc tham

gia các hoạt động chăm sóc cây xanh và bảo vệ môi trường (Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2012).

Phương pháp dùng trò chơi: sử dụng các loại trò chơi như phân vai, lắp ráp xây

dựng, đóng kịch, học tập với các yếu tố chơi phù hợp để kích thích trẻ tự nguyện, hứng thú hoạt động tích cực giải quyết nhiệm vụ nhận thức, nhiệm vụ giáo dục đặt ra. Đây là phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp nhất vì là phương pháp tổ chức cho trẻ tìm hiểu một vấn đề hay thể hiện những hành động, thái độ, những việc làm thông qua trò chơi nào đó (Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2012).

Phương pháp nêu tình huống có vấn đề: Đưa ra các tình huống giả định và tình

huống thực tế cụ thể để trẻ xem xét, phân tích vấn đề cụ thể thường gặp trong đời sống hằng ngày nhằm kích thích trẻ tìm tòi, suy nghĩ dựa trên vốn kinh nghiệm để giải quyết vấn đề đặt ra. Từ đó, trẻ xác định cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Thông qua đó, trẻ kết bạn và duy trì tình bạn bình đẳng trong nhóm chơi, tạo mối quan hệ thân thiết với người thân và những người gần gũi trẻ.

Phương pháp luyện tập: Trẻ thực hành lặp đi lặp lại các động tác, lời nói, cử

chỉ, điệu bộ theo yêu cầu của giáo viên nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng đã được thu nhận. Đây là phương pháp giáo dục trong đó giáo viên dựa vào mục đích, yêu cầu, nội dung bài tập và các điều kiện về phương tiện rồi bố trí , sắp xếp học sinh theo tổ, theo nhóm hay theo từng cá nhân để luyện tập nhằm hình thành kỹ năng. Trong khi kiểm tra, chú ý phát hiện các sai sót, tìm nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục. Thông qua luyện tập giáo viên hiểu được khả năng của từng học sinh, có cơ sở đánh giá đúng năng lực của họ

Nhóm phương pháp trực quan - minh họa (quan sát, làm mẫu, minh hoạ) Phương pháp này cho trẻ quan sát, tiếp xúc, giao tiếp với các đối tượng, phương tiện (vật thật, đồ chơi, tranh ảnh); hành động mẫu; phân tích hình ảnh tự nhiên, mô

hình, sơ đồ, bảng biểu, bản đồ và phương tiện nghe nhìn (phim vô tuyến, đài, máy ghi âm, điện thoại, vi tính) thông qua sử dụng các giác quan kết hợp với lời nói nhằm tăng cường vốn hiểu biết, phát triển tư duy và ngôn ngữ của trẻ. Tư duy trẻ mẫu giáo tập trung vào tư duy trực quan hành động và hình ảnh nên việc sử dụng phương pháp này giúp trẻ dễ tiếp thu kiến thức, ghi nhớ lâu dài hơn.

Nhóm phương pháp dùng lời nói

Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ như đàm thoại, trao đổi, trò chuyện, kể chuyện, giải thích câu đố, lời đề nghị, lời gợi ý, đọc thơ, ca dao, đồng dao, kể chuyện,.. nhằm giúp trẻ thu nhận thông tin, kích thích trẻ suy nghĩ, chia sẻ ý tưởng, bộc lộ cảm xúc, gợi nhớ những hình ảnh và sự kiện bằng lời nói nhằm truyền đạt và giúp trẻ thu nhận thông tin, kích thích trẻ suy nghĩ. Khi sử dụng phương pháp này giáo viên thường đưa ra hệ thống câu hỏi, nội dung qua đó trẻ lĩnh hội kiến thức, nếu sử dụng phù hợp sẽ tăng cường hoạt động, phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ.

Nhóm phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ

Phương pháp dùng cử chỉ điệu bộ kết hợp với lời nói thích hợp để khuyến khích và ủng hộ trẻ hoạt động nhằm khơi gợi niềm vui, tạo niềm tin, cổ vũ sự cố gắng của trẻ trong quá trình hoạt động.

Nhóm phương pháp nêu gương - đánh giá

Nêu gương bằng cách sử dụng các hình thức khen, chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Tuy nhiên, đối với trẻ lứa tuổi mẫu giáo thì biểu dương trẻ là chính, nhưng cũng không lạm dụng phương pháp này. Biểu dương phải cụ thể, hình thức khen, chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Còn với phương pháp đánh giá cần thể hiện thái độ đồng tình hoặc chưa đồng tình của người lớn, của bạn bè trước việc làm, hành vi, cử chỉ của trẻ. Từ đó đưa ra nhận xét, tự nhận xét trong từng tình huống hoặc hoàn cảnh cụ thể. Không sử dụng các hình phạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm – sinh lí của trẻ.

Phương pháp thực hành (luyện tập, sử dụng trò chơi, làm thì nghiệm đơn giản)

Phương pháp thực hành thường được giáo viên sử dụng khi tổ chức các hoạt động thực tiễn của trẻ như cho trẻ thực hành, được trải nghiệm, được vui chơi, chính ở những hoạt động thực tiễn này trẻ nắm được các tri thức và kĩ năng một cách sâu sắc hơn. Đối với các hoạt động làm thí nghiệm để cho trẻ cùng quan sát, nhận xét và đưa ra các quyết định phù hợp. Do đó, giáo viên chuẩn bị kĩ về nội dung, phương tiện, nguyên vật liệu, địa điểm. Khi hướng dẫn trẻ cần kỹ để thí nghiệm chắc chắn thành công và an toàn. Ngoài ra, GV hướng dẫn trẻ cách ghi chép những quan sát

được, những kết quả của thí nghiệm từ đó rút ra được những kết luận khoa học đúng với vấn đề học tập (Nguyễn Thị Hoa, 2013).

Phương pháp giáo dục trong trường mầm non là tổ chức cho trẻ chơi mà học, học bằng chơi - lấy trẻ làm trung tâm, trẻ được tham gia vào các hoạt động giáo dục với các hình thức đa dạng, phong phú, đáp ứng các nhu cầu hứng thú và hoạt động tích cực của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm, khám phá bằng vận động thân thể và các giác quan dưới nhiều hình thức. Xây dựng các khu hoạt động, tận dụng các điều kiện, hoàn cảnh sẵn có của địa phương, sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có (Nguyễn Thị Hoa, 2013).

Trong quá trình giáo dục trẻ mẫu giáo, giáo viên thường sử dụng kết hợp các nhóm phương pháp kể trên với nhau nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển nhân cách trẻ toàn diện. Sự kết hợp các phương pháp trực quan, dùng lời và thực hành trong quá trình giáo dục giúp trẻ không chỉ được nhìn cô làm, được nghe cô nói mà còn trực tiếp được tham gia vào các hoạt động giáo dục cùng cô và các bạn, được tìm kiếm, lựa chọn các phương thức thực hiện nhiệm vụ được giao theo khả năng của mình, giúp trẻ hứng thú, dễ dàng lĩnh hội được nhiệm vụ góp phần tích cực quá trình nhận thức của trẻ trong khi làm quen, tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh (Nguyễn Thị Hoa, 2013).

Việc kết hợp các phương pháp dùng lời, trực quan, thực hành trong qúa trình giáo dục trẻ mẫu giáo cần đảm bảo một số yêu cầu: Đảm bảo tính trực quan, tính thực tiễn, lời nói của giáo viên cần ngắn gọn, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và bổ sung lẫn nhau, đảm bảo tính cụ thể, tính thường xuyên, tính hệ thống. Để đảm bảo hoạt động giáo dục đạt hiệu quả thì cần đảm bảo yêu cầu về phương pháp giáo dục mầm non (Bộ giáo dục và đào tạo, 2016).

1.3.5.2. Hình thức giáo dục

Hoạt động giáo dục là một trong các hoạt động cơ bản của trẻ mẫu giáo. Hoạt động giáo dục được viên tổ chức, hướng dẫn để thực hiện nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non qui định giáo nhằm phát triển toàn diện các mặt: nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm xã hội và thẩm mĩ. Xuất phát từ đặc điểm nhận thức và hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động vui chơi, nên hoạt động giáo dục

ở lứa tuổi này được tổ chức với những hình thức thứ nhất là giáo dục tự nhiên qua chơi, học qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, thứ hai là giáo dục dưới sự hướng dẫn của giáo viên (Bùi Trọng Tuân, Nguyễn Kỳ, 1984). Việc tiến hành giáo dục cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. giáo dục được tiến hành ngay trong cuộc sống hàng ngày, cụ thể:

Theo mục đích và nội dung giáo dục, có các hình thức:

Tổ chức lễ, hội, các sự kiện quan trọng trong năm liên quan đến trẻ có ý nghĩa giáo dục và mang lại niềm vui cho trẻ (tết Trung thu, ngày hội đến trường, tết cổ truyền, sinh nhật của trẻ, ngày hội của các bà, các mẹ, các cô, các bạn gái (8.3), tết thiếu nhi (ngày 1/6), ngày ra trường...

Theo vị trí không gian, có các hình thức:

Tổ chức hoạt động trong phòng lớp, tổ chức hoạt động ngoài trời với hình thức hoạt động cá nhân, hoạt động theo nhóm nhỏ và hoạt động cả lớp hay dưới hình thức hoạt động dưới sự hướng dẫn trực tiếp có chủ đích của giáo viên. Cụ thể, với hình thức hoạt động ngoài trời thì khi chơi, trẻ được hình thành và phát triển kiến thức, giá trị và kĩ năng phù hợp từng độ tuổi. Hình thức chơi chủ yếu là trò chơi đóng vai có chủ đề, trò chơi vận động, xây dựng, đóng kịch, học tập. Hay với hoạt động lao động: bao gồm các hoạt động tự phục vụ, làm việc vặt trong gia đình, chăm sóc vật nuôi, chăm sóc cây trồng. còn đối với Hoạt động lễ hội: sử dụng hoạt động trong lễ hội về quan hệ xã hội, phong tục, tập quán để giáo dục các giá trị văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.

Theo số lượng trẻ

Tổ chức hoạt động cá nhân, tổ chức hoạt động theo nhóm và tổ chức hoạt động cả lớp (Bộ giáo dục và đào tạo, 2017).

Cụ thể với hoạt động cá nhân thì đây là hình thức tổ chức giáo dục theo kiểu một cô một trẻ nhằm khắc phục những lỗ hổng về kiến thức và kĩ năng mà trẻ không thể tiếp thu, lĩnh hội được khi học chung với trẻ khác. Quan trọng hơn, hoạt động cá nhân còn nhằm chuẩn bị cho trẻ những kiến thức và kĩ năng cần thiết trước khi trẻ được tiếp nhận cùng với các bạn của mình.

Còn với hình thức hoạt động theo nhóm trong đó giáo viên chia lớp học ra thành các nhóm trẻ qua việc quy định về số lượng thành viên từng nhóm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm giải quyết nhiệm vụ được giao. Mỗi thành viên của nhóm đều có một vai trò và nhiệm vụ nhất định, học nhóm đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các trẻ trong nhóm để giải quyết nhiệm vụ.

Còn với tổ chức hoạt động cả lớp là hình thức bắt buộc chung, thời gian dành cho lớp học trong chế độ sinh hoạt hàng ngày được qui định. Hoạt động được tiến hành dưới sự chỉ đạo sư phạm của GV là người tổ chức quá trình học tập, truyền thụ cho trẻ những tri thức theo chương trình, giải thích và hệ thống hóa những tri thức trẻ đã có, tổ chức các hoạt động trực tiếp cho trẻ, rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo khác nhau và cũng cố tri thức đã học (Lương Ngọc Minh, 2017).

Như vậy, mỗi hình thức hoạt động trên đều tiềm tàng những khả năng giáo dục nhất định. Nhờ các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú mà việc giáo dục trẻ được thực hiện một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn, không gò bó và khô cứng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí cũng như nhu cầu, nguyện vọng của trẻ. Như vậy, có rất nhiều hình thức giáo dục trong trường mầm non hiện nay, mỗi hình thức có chức năng và vai trò nhất định, các hình thức có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Ngoài ra, việc tổ chức hợp lí các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của trẻ ở nhóm lớp và với khả năng của từng trẻ, với nhu cầu, hứng thú của trẻ và với điều kiện thực tế với nhiều hình thức khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo tại các trường mầm non quận tân bình, thành phố hồ chí minh​ (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)