Nội dung hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo là những nội dung giáo dục theo các lĩnh vực phát triển theo độ tuổi trong chương trình GDMN. Đối với giáo dục trẻ mẫu giáo, nội dung của các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo cần đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi và cần phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. (Đinh Văn Vang, 2012).
Kết hợp hài hòa giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế (Sở giáo dục & Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, 2017). Nội dung giáo dục dành cho trẻ mẫu giáo được xây dựng theo cấu trúc các lĩnh vực phát triển được xây dựng mở rộng với những nội dung cuộc sống thực hằng ngày gần gũi lứa tuổi trẻ, cụ thể như sau:
Nội dung về giáo dục phát triển thể chất
Thứ nhất, trẻ được phát triển vận động gồm các động tác phát triển các nhóm cơ và hô hấp cũng như các kỹ năng vận động cơ bản và phát triển các tố chất trong vận động và cử động bàn tay, ngón tay và sử dụng một số đồ dùng, dụng cụ xung quanh gần gũi trẻ.
Thứ hai, các nội dung giáo dục về dinh dưỡng và sức khỏe trẻ cũng được xây dựng trong nội dung giáo dục cho trẻ mẫu giáo như việc nhận biết một số món ăn, thực phẩm thông thường và ích lợi của chúng đối với sức khỏe; việc trẻ biết và tập làm một số việc tự phục vụ trong sinh hoạt cũng như nội dung giữ gìn sức khoẻ và an toàn cho trẻ cũng được nhà trường đề cập đến trong nội dung giáo dục cho trẻ lứa tuổi này (Nguyễn Thị Thu An, 2016)
Nội dung về giáo dục phát triển nhận thức
Thứ nhất, là nội dung cho trẻ mẫu giáo làm quen với việc khám phá khoa học qua đồ vật, qua các phương tiện giao thông, động vật và thực vật cũng như trẻ nhận biết được một số hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống mà trẻ thường thấy.
Thứ hai, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán như tập hợp, số lượng, số thứ tự và đếm; các nội dung về kĩ năng xếp tương ứng, kĩ năng so sánh, sắp xếp theo qui tắc cũng như các kĩ năng đo lường; nhận biết, so sánh, gọi tên hình dạng, định hướng trong không gian và thời gian theo lứa tuổi trẻ.
Thứ ba, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo khám phá xã hội như bản thân, gia đình, họ hàng và cộng đồng; các nghề phổ biến; các danh lam thắng cảnh và các hoạt động nhân ngày lễ, hội trong năm (Bộ giáo dục & Đào tạo, 2017).
Nội dung về giáo dục phát triển ngôn ngữ
Thứ nhất, là nội dung trẻ nghe, hiểu, nói được các từ chỉ người, sự vật, hiện tượng, đặc điểm, tính chất, hoạt động và các từ biểu cảm, từ khái quát trong giao tiếp hằng ngày; biết đọc thơ, ca dao, đồng dao phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, trẻ nói bằng cách phát âm rõ các tiếng trong tiếng, bày tỏ các nhu cầu, tình cảm và hiểu biết của bản thân bằng các loại câu khác nhau thông qua việc sử dụng đúng từ ngữ và câu trong giao tiếp hằng ngày. Bên cạnh đó, trẻ biết cách trả lời và đặt câu hỏi cũng như
đọc thơ, ca dao, đồng dao, kể chuyện, trẻ chủ động và tự tin trong giao tiếp phù hợp theo lứa tuổi.
Thứ hai, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo làm quen với việc đọc, viết như việc làm quen với cách sử dụng sách, bút và làm quen với một số kí hiệu thông thường trong cuộc sống như làm quen với chữ viết, với việc đọc sách (Lương Ngọc Minh, 2017).
Nội dung về giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội
Thứ nhất, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo về việc phát triển tình cảm về ý thức về bản thân; nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với con người, sự vật và hiện tượng xung quanh trẻ.
Thứ hai, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo làm quen việc phát triển kỹ năng xã hội như hành vi và quy tắc ứng xử xã hội trong sinh hoạt ở gia đình, trường lớp mầm non, cộng đồng phù hợp lứa tuổi (Bộ giáo dục & Đào tạo, 2017).
Nội dung về giáo dục phát triển thẩm mĩ
Thứ nhất, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo về việc giúp trẻ cảm nhận và thể hiện cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống gần gũi xung quanh trẻ và trong các tác phẩm nghệ thuật.
Thứ hai, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo làm quen một số kĩ năng trong hoạt động âm nhạc như nghe, hát, vận động theo nhạc và các hoạt động tạo hình như vẽ, nặn, cắt, xé dán, xếp hình theo lứa tuổi của trẻ.
Thứ ba, là các nội dung cho trẻ mẫu giáo giúp trẻ thể hiện sự sáng tạo khi tham gia các hoạt động nghệ thuật trong hoạt động âm nhạc và hoạt động tạo hình (Phan Thị Thu Hiền, 2015).