Hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo được quan tâm nhiều trong thực tiễn tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường mầm non. Đối với trẻ mẫu giáo hoạt động giáo dục là hoạt động chiếm thời lượng lớn trong chế độ sinh hoạt hàng ngày cuả trẻ,
nó là hoạt động giúp giáo viên mầm non thực hiện được nhiều mục đích giáo dục mà các hoạt động giáo dục khác trong trường mầm non khó thực hiện được (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 2016).
Chương trình giáo dục mầm non được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2016 (sửa đổi bổ sung dựa trên thông tư 17/ 2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009) được xây dựng dựa trên cơ sở lí luận về xây dựng chương trình giáo dục hiện đại, tiếp thu những mặt ưu điểm, tiến bộ của chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non hiện hành ở Việt Nam, tiếp cận với chương trình GDMN tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới nhằm tạo điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho trẻ bước vào học ở trường tiểu học. Với mục tiêu chung là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ,
thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
Cũng theo thông tư này, Bộ giáo dục và đào tạo cũng xác định mục tiêu chung của trẻ lứa tuổi mẫu giáo là nhằm giúp trẻ em từ 3 đến 6 tuổi phát triển hài hòa về
các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ vào học ở tiểu học. Tuy nhiên ở lứa tuổi mẫu giáo, mục tiêu còn dựa vào
Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, đây cũng là căn cứ để đạt ra các mục tiêu cho trẻ lứa tuổi này (Bộ giáo dục và đào tạo, 2016).
Mục tiêu cụ thể của hoạt động giáo dục trẻ mẫu giáo
Về kiến thức: đầu tiên là trẻ mẫu giáo nói được những thông tin cần thiết về bản
thân, gia đình và cộng đồng gần gũi quen thuộc với trẻ. Thứ hai là trẻ phân biệt được các nguồn tài nguyên như đất, nước, rừng, biển .. ở dạng hình ảnh trực quan. Tiếp theo, trẻ được trải nghiệm lợi ích của nguồn tài nguyên thông qua các hoạt động giáo dục trong trường mầm non và gia đình. Cuối cùng là trẻ kể được một số danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, âm nhạc, hội họa cũng như các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đất nước và địa phương.
Về thái độ: trẻ mẫu giáo biết thể hiện sự quan tâm tới những người gần gũi,
thích cùng tham gia với người lớn các hoạt động gần gũi trẻ cũng như biết yêu thiên nhiên, môi trường, bảo vệ và chăm sóc cây cối, con vật gần gũi trẻ. Ngoài ra, trẻ lứa tuổi mẫu giáo còn biết yêu hòa bình, công bằng cũng như biết tiết kiệm, tự tin, tự lực và biết vượt qua các thử thách, trách nhiệm theo lứa tuổi của trẻ.
Về kĩ năng: trẻ biết thực hiện các quy tắc ứng xử như biết lễ phép, lắng nghe,
chờ đến lượt cũng như sự hòa thuận, chia sẻ cùng bạn, hợp tác và chấp nhận sự khác biệt của trẻ và những người xung quanh. Bên cạnh đó, trẻ mẫu giáo còn biết tiết kiệm điện, nước, đồ dùng đồ chơi trong sinh hoạt hằng ngày cũng như việc phòng chống các tai nạn về cháy nổ hoặc các vật gây thương tích, nguy hiểm cho trẻ theo lứa tuổi. Ngoài ra, trẻ còn biết thực hiện một số hành vi bảo vệ môi trường như chăm sóc cây xanh, vật nuôi, biết vệ sinh môi trường và giữ gìn vệ sinh thân thể. Cũng như biết thể hiện sự bình đẳng, tạo mối quan hệ thân thiết và biết thể hiện cảm xúc với những thứ gần gũi xung quanh trẻ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2012).