thương mại
Giữa hoạt động huy động vốn và hoạt động sử dụng vốn của NHTM có mối quan hệ biện chứng với nhau. Một chiến lược huy động vốn đúng đắn, phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn trong từng thời kỳ sẽ tạo điều kiện cho các NHTM đạt được mục tiêu lợi nhuận tối đa và tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Sự hài hoà giữa huy động vốn và sử dụng vốn chính là công tác cân đối vốn của Ngân hàng. Công tác cân đối vốn là hết sức quan trọng và cần thiết đối với bất kỳ ngân hàng nào.
Việc đầu tư sử dụng vốn quyết định tổng nhu cầu về nguồn vốn huy động của NHTM. Số lượng vốn huy động, cơ cấu, loại hình, thời gian huy động phụ thuộc vào phương hướng kinh doanh, đầu tư, sử dụng vốn của NHTM. Huy động được vốn nhàn rỗi, NHTM phải cân nhắc để hiệu quả hoá những nguồn vốn huy động được. Huy động vốn phải đáp ứng được những yêu cầu sau :
+ Đúng, đủ : có nghĩa là huy động vốn đúng mục đích đầu tư sử dụng với số lượng vốn hợp lý .
+ Kịp thời : huy động vốn đúng thời điểm cần thiết + Cơ cấu huy động tối ưu với chi phí thấp nhất
Với mục tiêu chủ yếu là an toàn và sinh lời, hoạt động sử dụng vốn của NHTM tập trung ở ba nghiệp vụ chính: Cho vay, Đầu tư và Dự trữ.
* Cho vay:
Cho vay là nghiệp vụ chủ yếu của NHTM để tạo ra lợi nhuận. Nguồn thu từ hoạt động cho vay thường chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thu nhập của ngân hàng. Tuy nhiên, nó cũng là lĩnh vực có nhiều rủi ro và phức tạp nhất.Rủi ro tín dụng có thể do ý muốn chủ quan của ngân hàng như : Xây dựng chiến lược sai, Thẩm định hồ sơ không chính xác, Cho vay không tuân
theo nguyên tắc... cũng có thể do nguyên nhân khách quan như: Hoả hoạn, lũ lụt... Hoạt động cho vay liên quan chặt chẽ với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế từ tiêu dùng đến sản xuất kinh doanh. Do vậy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nghiệp vụ cho vay ngày càng đa dạng nhằm thoả mãn nhu cầu về vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Các hình thức cho vay chủ yếu như: Cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn, cho vay có đảm bảo...
Khi ngân hàng muốn mở rộng doanh số cho vay nhằm chiếm lĩnh những thị trường lớn hơn, lúc này ngân hàng cần phải tăng cường hoạt động huy động vốn nhằm huy động số vốn cần thiết. Trong trường hợp doanh số cho vay của ngân hàng không tăng, nhưng để tăng lợi nhuận, thì NHTM có thể giảm bớt loại vốn huy động có lãi suất cao, tăng cường vốn huy động có lãi suất thấp, giảm bớt chi phí của việc huy động.
* Đầu tư khác.
Hoạt động này bao gồm đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh và các hoạt động đầu tư khác. Cụ thể :
- Đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh: NHTM có thể sử dụng nguồn vốn của mình để mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để hiện đại hoá cơ sở vật chất, đầu tư bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm dịch vụ... Mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ giúp cho NHTM kiếm được nhiều lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
- Đầu tư khác : Ví dụ như đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nghiệp vụ này mang lại cho NHTM một khoản lợi nhuận tương đối lớn. Trong trường hợp chưa tìm ra khách hàng đáng tin cậy để cho vay, thì đầu tư chứng khoán là nơi giải quyết vốn một cách hữu hiệu nhất cho NHTM. Tuy nhiên, nó cũng
chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, NHTM cần phân tích kỹ lưỡng trước khi lựa chọn loại chứng khoán nào để đầu tư.
Ngoài ra, NHTM có thể đầu tư nhằm mục đích sinh lợi bằng hình thức khác như góp vốn liên doanh...
* Dự trữ:
Dự trữ là nghiệp vụ nhằm duy trì khả năng thanh toán của ngân hàng để đáp ứng nhu cầu chi trả cho khách hàng. NHTM phải duy trì một bộ phận vốn ( bằng tiền mặt) để thực hiện nghiệp vụ dự trữ. Mức dự trữ này cao hay thấp, tuỳ thuộc vào qui mô hoạt động của NHTM, mối quan hệ thanh toán và chuyển khoản, thời vụ của các khoản chi trả tiền mặt.
Tiền dự trữ bao gồm: Dự trữ bắt buộc và dự trữ thặng dư. Chúng được hình thành bởi các nguồn: Tiền mặt tại két của NHTM, Tiền gửi tại NHNN, Tiền gửi ở các tổ chức tín dụng, Tiền đang trong quá trình thu.
Tóm lại, giữa công tác huy động vốn và sử dụng vốn có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau. Để thực hiện được tốt công tác này phải thực hiện tốt công tác kia và ngược lại. Trong công tác quản lý hoạt động ngân hàng phải kết hợp đựơc một cách tối ưu hoạt động của công tác huy động vốn và công tác sử dụng nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.