Thứ nhất, xây dựng chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để có thể sử dụng các công cụ như lãi suất, tỷ giá, tín dụng... can thiệp thị trường khi có những biến động bất thường. Ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng (Luật số 47/2010/QH12 đã được Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16/6/2010 có hiệu lực từ 01/01/2011), để cho các NHTM thuận lợi trong việc áp dụng vào thực tế hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và an toàn hệ thống.
Việc NHNN sử dụng linh hoạt chính sách lãi suât sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại có được lãi suất hợp lý, thu hút được nhiều nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, đồng thời đẩy mạnh chính sách cho vay mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, giảm khối lượng tiền trong lưu thông.
Thứ hai, Thực hiện cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ, để đảm bảo cho các NHTM hoạt động an toàn, hiệu quả.
Thứ ba, NHNN cần xúc tiến và tác động để thị trường vốn ngày càng phát triển và mở rộng. Việc phát triển thị trường vốn có ý nghĩa rất lớn đối với các NHTM hiện nay, bởi nó sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động
vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá. Khi thị trường vốn phát triển việc phát hành các giấy tờ có giá như kỳ phiếu, trái phiếu dài hạn sẽ không khó khăn như hiện nay do nó được dễ dàng chuyển nhượng trên thị trường. Khi tính thanh khoản của các giấy tờ có giá được đảm bảo các Ngân hàng thương mại sẽ huy động vốn được nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Thứ tư, NHNN cần thực hiện hiện đại hóa ngân hàng và tiếp tục chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh hoạt động hiện đại hóa ngân hàng để đảm bảo sự đồng bộ trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.... góp phần đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn.
Thứ năm, Đổi mới căn bản hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng theo các chuẩn mực và nguyên tắc của Ủy ban Basel, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu lực của hoạt động ngân hàng cả trong điều kiện có sự tham gia của các định chế tài chính 100% vốn nước ngoài và sự xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn tài chính cũng như tiến trình tự do hóa nhanh hơn các giao dịch tài khoản vốn. Tạo lập mối quan hệ chặt chẽ giữa giám sát ngân hàng, giám sát bảo hiểm và giám sát thị trường chứng khoán dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Khẩn trương nghiên cứu từng bước đưa vào áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thanh tra giám sát. NHNN cần tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm toán nội bộ đối với hệ thống NHTM, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước, của nhân dân, đưa hệ thống các NHTM đi vào nề nếp và có hiệu quả, không ngừng nâng cao uy tín của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế.
Thứ sáu, quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM phù hợp hơn để các NHTM có thể sử dụng tối đa nguồn vốn huy động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.