Mỗi ngân hàng đều có một chiến lược kinh doanh riêng của mình, trong đó chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng. Lãi suất là yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc thu hút vốn của ngân hàng. Ngoài yếu tố uy tín của ngân
hàng thì khi có tiền nhàn rỗi muốn gửi vào ngân hàng người dân bao giờ cũng đặt yếu tố lãi suất lên hàng đầu. Mức lãi suất hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội. Ngân hàng cần có chính sách lãi suất linh hoạt, thay đổi theo từng thời kỳ sao cho phù hợp với cung cầu về vốn trên thị trường, sự cạnh tranh về lãi suất huy động vốn của các ngân hàng khác, lãi suất đầu ra quyết định lãi suất đầu vào, thể hiện ở việc huy động vốn phải trên cơ sở kế hoạch sử dụng vốn.
Lãi suất là công cụ quan trọng mà ngân hàng có thể sử dụng để tăng cường qui mô, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn. Thực tế cho thấy, NHNo& PTNT Tam Trinh luôn áp dụng lãi suất cho vay ở mức tối đa theo qui định để nâng lãi suất đầu ra, đồng thời cơ cấu nguồn vốn với tăng quy mô nguồn vốn ngắn hạn để giảm thấp lãi suất đầu vào. Vì vậy, càng gặp khó khăn hơn do lãi suất được áp dụng thiếu sức cạnh tranh, bên cạnh đó tính ổn định và sự phù hợp với sử dụng vốn ít được đảm bảo bởi nguồn vốn mang tính ngắn hạn. Để mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng tài sản về lâu dài, lãi suất phải được sử dụng linh hoạt để điều chỉnh cơ cấu, tăng cường qui mô huy động vốn. Chi nhánh thuộc địa bàn có sự cạnh tranh gay gắt như thành phố Hà Nội, thì chi nhánh nên được áp dụng lãi suất cạnh tranh, có thể ở mức tối đa.
Mặt khác, cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn theo kỳ hạn một cách hợp lý. Ngoại trừ tiền gửi thanh toán ít nhạy cảm với lãi suất, các nguồn vốn có kỳ hạn đều có những phản ứng nhanh nhạy với lãi suất. Với biểu lãi suất thay đổi từng thời kỳ có thể vận dụng mức lãi suất tối đa cho loại tiền gửi có kỳ hạn cần tăng tỷ trọng, trong khi tiền gửi kỳ hạn khác không nhất thiết áp dụng mức tối đa, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc: kỳ hạn dài hơn có lãi suất cao hơn.
Thông qua việc áp dụng lãi suất huy động cho từng loại tiền gửi, Chi nhánh có thể điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp với danh mục tài sản
nhằm tạo cơ hội tăng doanh lợi. Muốn tạo cơ hội tăng doanh lợi hoặc hạn chế rủi ro lãi suất trước tiên Chi nhánh phải tiến hành phân tích cấu trúc kỳ hạn của nguồn vốn, dự đoán xu hướng biến động của lãi suất để chủ động tạo ra khoảng cách giữa tài sản nhạy cảm và nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất một cách thích hợp. Trường hợp dự đoán lãi suất có xu hướng giảm, thì khoảng cách có lợi là nguồn vốn lớn hơn tài sản nhạy cảm với lãi suất vì khi đó nguồn vốn có tính ngắn hạn hơn so với dư nợ cho vay, điều đó sẽ nới rộng khoảng cách chênh lệch lãi suất đầu ra so với đầu vào. Ngược lại, khi dự đoán lãi suất sẽ tăng thì khoảng cách (GAP) tích cực là tài sản lớn hơn nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất. Tuy nhiên, việc dự đoán xu hướng biến động của lãi suất là điều không hề dễ dàng nhưng chi nhánh có thể dựa vào một số động thái như: tỷ lệ lạm phát dự kiến, các chính sách của Chính phủ về tài chính tiền tệ nhằm mục tiêu nới lỏng hay thắt chặt quan hệ tài chính - tiền tệ, tốc độ tăng trưởng GDP v.v.. để đưa ra các quyết sách về huy động vốn. Nếu có những diễn biến trái ngược dự đoán cần điều chỉnh kịp thời cơ cấu nguồn vốn và dư nợ cho vay trong đó việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn sẽ đem lại kết quả lớn hơn so với việc theo đuổi điều chỉnh cơ cấu dư nợ.
Tùy chính sách lãi suất mà ngân hàng xây dựng phải linh hoạt, mang tính cạnh tranh cao, nhưng phải tuân theo mức lãi suất do NHNo&PTNT Việt Nam và NHNN quy định.