1.4.1. Nhân tố khách quan
• Môi trường kinh tế
Nền kinh tế là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động kinh tế có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nền kinh tế, bất cứ một sự thay đổi nào cũng dẫn đến sự biến động của các yếu tố khác. Ngân hàng thương mại có vai trò là trung gian tài chính, là cầu nối giữa người thừa vốn va người thiếu vốn nên hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động ngân hàng phục vụ khách hàng cá nhân nói riêng rất nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế.
Nền kinh tế tác động vào hệ thống ngân hàng theo hai hướng: vào chính khách hàng hoặc thông qua thị trường tài chính.
Nếu nền kinh tế phát triển, cấu trúc và hoạt động tài chính cũng thay đổi với sự tham gia đông đảo của nhiều tổ chức kinh tế phi ngân hàng: công ty
bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán...điều này càng gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng. Các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các tổ chức phi ngân hàng khác. Môi trường cạnh tranh gay gắt sẽ khiến các ngân hàng phải tìm mọi cách để sống còn, để tối đa hóa lợi nhuận và việc ngân hàng phát triển với một danh mục sản phẩm đa dạng hóa cũng là điều tất yếu.
Môi trường kinh tế gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập, nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng. Khi nền kinh tế tăng trưởng, phát triển ổn định, thất nghiệp giảm, thu nhập của người dân được cải thiện, chi tiêu của chính phủ và người dân sẽ cao hơn, họ sẽ sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng hơn. Ngược lại khi nền kinh tế suy thoái, mất ổn định, tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập của người dân giảm, họ sẽ chi tiêu ít hơn, tích trữ tiền mặt, vàng và ngoại tệ nhiều hơn thay cho việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.
• Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý bao gồm hệ thống các chính sách, nguyên tắc tác động đến hoạt động của cộng đồng và hệ thống pháp luật của Nhà nước về quản lý nền kinh tế nói chung đặc biệt là quản lý về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng nói riêng. Môi trường này có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của mối ngân hàng. Ngay từ khi mới thành lập ngân hàng đã phải thực hiện các quy định của pháp luật, các quy chế, nghị định của ngân hàng Nhà nước nói chung, của ngân hàng trung ương thuộc hệ thống đó nói riêng. Đây là những quy định buộc các ngân hàng phải tuân theo đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp khi có phát sinh.
Nếu hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngân hàng hoạt động và phát triển. Ngược lại nếu hệ thống pháp luật không đầy đủ, rõ ràng, thiếu tính đồng bộ sẽ là rào cản, cản trở sự tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng trong thời kỳ hội nhập.
• Môi trường văn hóa - xã hội
Môi trường văn hóa - xã hội được hình thành từ những tổ chức và các nguồn lực khác nhau có ảnh hưởng cơ bản đến giá trị xã hội như: cách nhận thức, trình độ dân trí, văn hóa, lối sống, thói quen và sự hiểu biết của dân chúng về ngân hàng.
Môi trường văn hóa xã hội là yếu tố quyết định đến sinh hoạt và thói quen sử dụng tiền của người dân. Nếu người dân thích tích trữ tiền mặt, vàng và ngoại tệ thì họ sẽ ít sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Mỗi sự thay đổi của xã hội cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của ngân hàng. Sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn khiến cho các dịch vụ của ngân hàng ở thành thị phát triển hơn ngân hàng ở nông thôn. Trình độ dân trí ngày càng cao giúp cho khả năng tiếp cận với sự tiến bộ của khoa học công nghệ của người dân ngày càng cao, tạo điều kiện cho các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng hiện đại, chứa đựng hàm lượng công nghệ cao (thẻ ATMJiomebanking,...) ngày càng được phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng.