Sau khi huy động được vốn, NHTM phải tìm cách để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Thông thường nguồn vốn NHTM huy động được chủ yếu được sử dụng cho hoạt động cấp tín dụng và đầu tư. Đây là các hoạt động cấu thành bộ phận chủ yếu và quan trọng của Tài sản Có của ngân hàng đồng thời cũng là hoạt động chủ yếu đem lại nguồn thu để bù đắp chi phí hoạt động của ngân hàng.
Theo Luật các TCTD (2017) “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.
- Cho vay: Theo Luật các TCTD (2017) “ Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn
trả cả gốc và lãi”. Ngân hàng được kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và tình hình tài chính của người đi vay. Trong tổng tài sản của ngân hàng, khoản mục cho vay luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đồng thời đem lại nguồn thu nhập cao nhất cho ngân hàng. Hoạt động cho vay cũng là hoạt động tập trung nhiều rủi ro nhất của ngân hàng. Rủi ro trong hoạt động cho vay chính là việc không thu hồi được vốn hoặc thu hồi vốn không đúng hạn. Để đảm bảo an toàn vốn vay, các ngân hàng thường sử dụng các biện pháp như thế chấp, cầm cố, bảo lãnh ...
- Luật các TCTD (2017) cũng quy định rõ các khái niệm về chiết khấu, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng để làm rõ các nghiệp vụ cấp tín dụng.
- Hoạt động đầu tư: mang lại nguồn thu nhập lớn thứ hai cho các ngân hàng sau khoản mục cho vay. Hoạt động đầu tư bao gồm các mảng chính là góp vốn đầu tư (các TCKT, TCTD khác.) và đầu tư chứng khoán.
Với hoạt động đầu tư chứng khoán, ngân hàng thường ưu tiên lựa chọn các loại chứng khoán có khả năng thanh khoản cao, mức độ rủi ro thấp. Các loại chứng khoán do Chính phủ hoặc các DNNN, doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thị trường phát hành thường được các NHTM lựa chọn đầu tư vì chúng có nguồn thu nhập nhuận an toàn, tính thanh khoản cao do dễ dàng mua bán, chuyển nhượng khi cần vốn. Việc đa dạng hóa các loại hình đầu tư sẽ giúp ngân hàng phân tán rủi ro, tối ưu hóa nguồn vốn huy động.
Hiệu quả của hoạt động cho vay thể hiện ở:
- Về phía ngân hàng: việc cho vay tuân thủ quy định của Pháp luật và NHNN đồng thời tuân thủ các quy định, quy trình nghiệp vụ cho vay của chính ngân hàng.
- Về phía khách hàng: tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng như việc trả nợ đúng hạn, tuân thủ cam kết về bảo đảm tiền vay, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
- Tăng trưởng dư nợ cho vay: phản ánh qua các chỉ tiêu như tăng trưởng dư nợ tuyệt đối và tăng trưởng dư nợ tương đối
- Vòng quay vốn cho vay (bằng doanh số thu nợ/Dư nợ cho vay bình quân): phản ánh thực trạng sử dụng vốn của ngân hàng
- Mức độ an toàn của hoạt động cho vay: phản ánh thông qua các chỉ tiêu như tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khó đòi, tỷ lệ cho vay có tài sản bảo đảm, cấu trúc danh mục cho vay (sự đa dạng của danh mục cho vay, sự phù hợp giữa kỳ hạn các khoản huy động và kỳ hạn các khoản cho vay...)