Quy mô VCSH được đo lường bằng tỷ số VCSH/tổng tài sản. Đây là một trong những bộ chỉ số được Quỹ tiền tệ thế giới - IMF khuyến khích sử dụng để đánh giá mức độ lành mạnh tài chính của NHTM. Theo Javad và cộng sự (2011), quy mô VCSH cho thấy khả năng chịu đựng được các khoản lỗ bất thường của ngân hàng. Đồng thời, tại Việt Nam quy mô VCSH cũng là một trong những điều kiện để các NHTM đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN hoặc để mở rộng mạng lưới hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hầu hết các nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan cùng chiều giữa tỷ lệ VCSH với KNSL của NHTM, tác giả Bourke (1989) “nghiên cứu các yếu tố tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng” tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc; Molyneux & Thornton (1992) nghiên cứu các yếu tố tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng Châu Âu; Saunders và Schumacher (2000) nghiên cứu “các yếu tố tác động đến lãi suất cận biên của ngân hàng”; Brock và Suarez (2000) nghiên cứu trên các ngân hàng ở khu vực Mỹ La Tinh; Maudos và Guevara (2004) nghiên cứu các yếu tố tác động ở các ngân hàng thuộc liên minh Châu Âu. Lý giải mối tương quan dương giữa VCSH và KNSL là vì các ngân hàng có mức vốn cao có thể làm giảm chi phí đi vay, huy động từ các nguồn khác, từ đó ảnh hưởng một cách tích cực đến KNSL của NHTM. Tuy nhiên, nghiên cứu của Saona (2011) nghiên cứu các yếu tố quyết định đến lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ, Qin và Pastory (2012) nghiên cứu một số ngân hàng tại Tanzania đã chỉ ra mối quan hệ tiêu cực giữa quy mô VCSH và khả năng sinh lời. Ngoài ra Dietrich và Wanzenried (2011) nghiên cứu yếu tố tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng tại Thụy Sĩ trước và sau khủng hoảng đã chỉ ra: tỷ lệ VCSH không tác động đến lợi nhuận ngân hàng trước cuộc khủng
hoảng ở Thụy Sĩ, song lại tác động tiêu cực lên KNSL được đo bằng chỉ số ROA trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009.