Quy mô tài sản của ngân hàng là kết quả được hình thành từ các nguồn vốn mà ngân hàng sử dụng trong quá trình hoạt động.
Một danh mục tài sản tốt là một danh mục đảm bảo tốt nhất nhu cầu thanh khoản, tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Danh mục tài sản tốt cũng có thể giúp ngân hàng linh hoạt chuyển đổi giá trị các tài sản có để giải quyết nhu cầu thanh khoản hoặc nâng cao khả năng sinh lời cho phù hợp với sự biến động của môi trường kinh doanh. Với quy mô tài sản lớn, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong quá trình mở rộng hoạt động, tăng các kênh phân phối các sản phẩm dịch vụ... gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, khi quy mô ngân hàng quá lớn cũng có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng do việc quản trị tài sản có sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, bộ máy điều hành lớn hơn và tốn kém nhiều chi phí trong quản trị, điều hành.
Các nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa quy mô tài sản của ngân hàng với mức sinh lời: Nghiên cứu của Mohamed Khaled Al-Jafari and Mohammad Alchami (2014) kết quả tìm thấy một mối quan hệ tích cực giữa lợi nhuận và quy mô ngân hàng. Các tác giả đã kết luận rằng tăng quy mô ngân hàng sẽ dẫn đến tăng ROA đáng kể, quy mô tài sản càng tăng thì mức sinh lời càng tăng. Trái lại, các tác giả Naceur, B. Samy (2003),
Pasiouras, F. và Kosmidou, K. (2007), Ben Naceur,S. và Goaied, M. (2008), Sufian, F. và Habibullah, M.S (2009) chỉ ra rằng quy mô ngân hàng có tác động tiêu cực đến lợi nhuận của ngân hàng. Nghiên cứu của các tác giả Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015) chưa tìm ra tác động của quy mô tổng tài sản đến KNSL của NHTM.