Kết quả đạt được
Trong giai đoạn nghiên cứu từ năm 2010 đến năm 2018, hoạt động của PG Bank luôn có lợi nhuận, thể hiện ở cả 3 chỉ tiêu ROA, ROE và NIM. Cụ thể: ROA trung bình
trong cả giai đoạn đạt 0.84%/năm, ROE trung bình đạt 6.2%/năm, đặc biệt chỉ số NIM của PG Bank tăng trưởng liên tục ở mức cao, ổn định qua các năm, trung bình đạt 3.8%/năm. Điều này thể hiện PG Bank đã quản trị rất tốt tài sản Nợ - Có.
Từ năm 2015 trở lại đây, PG Bank luôn phải thực hiện đồng thời cả hai công việc đó là: tăng trưởng, phát triển kinh doanh đồng thời thực hiện các công việc phục vụ sáp nhập. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của PG Bank vẫn được đánh giá là khả quan, thể hiện sự điều hành tốt của Ban lãnh đạo ngân hàng trong giai đoạn khó khăn, góp phần giúp PG Bank nâng cao vị thế của mình để tìm đối tác chiến lược tốt nhất khi Tập đoàn Xăng Dầu Petrolimex đang buộc phải thoái vốn theo quy định.
Hạn chế
Mặc dù tình hình kinh doanh của PG Bank vẫn có lợi nhuân hàng năm, tuy nhiên khả năng sinh lời của PG Bank vẫn còn nhiều hạn chế, tác giả đưa ra 3 hạn chế điển hình như sau:
Thứ nhất: Tỷ suất sinh lời của PG Bank không ổn định và thiếu bền vững qua các năm, đặc biệt biến động giảm mạnh khi có thông tin sáp nhập và tăng trưởng lại khi việc sáp nhập không có tiến triển hoặc không thành công.
Tỷ suất sinh lời thể hiện qua hai chỉ số ROA, ROE của PG Bank đang suy giảm ở mức thấp đáng báo động, hiện ở mức gần như thấp nhất trong toàn ngành. Điều này khiến các cổ đông hiện tại của PG Bank đang mất dần niềm tin, gây bất lợi cho PG Bank trong quá trình lựa chọn đối tác chiến lược
Thứ hai: Cơ cấu thu nhập của PG Bank chưa hợp lý, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn thu từ lãi trong khi nguồn thu nhập từ phí và dịch vụ còn ở mức rất thấp, không đáng kể. Trong khi xu hướng chung của các NHTM hiện nay là tăng tỷ trọng thu nhập từ phí và dịch vụ, giảm thiểu được rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất,..giúp các ngân hàng tăng trưởng một cách bền vững.
Thứ ba: Nợ xấu của PG Bank đang ở mức rất cao, năm 2018 vẫn xấp xỉ ngưỡng cho phép của NHNN, PG Bank phải liên tục gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 5 năm liên tục gần đây khiến khả năng sinh lời của PG Bank bị ảnh hưởng bất lợi rất lớn.
Nguyên nhân hạn chế
Với ba hạn chế điển hình về khả năng sinh lời của PG Bank như đã nêu ra ở trên, theo tác giả nguyên nhân chính do:
Trong vòng 4-5 năm qua PGBank lúc nào cũng trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập, nên Ban lãnh đạo của ngân hàng không thể ra được chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ đưa ra các chỉ tiêu ngắn hạn nhằm mục đích phát triển ổn định và hoạt động an toàn nên TSSL của PG Bank không ổn định. Đặc biệt là sự biến động nhân sự lớn do ảnh hưởng sáp nhập, số nhân sự nghỉ việc có năm lên tới hơn 20% trong đó rất nhiều nhân sự chủ chốt khiến hoạt động kinh doanh cũng như câc hoạt động khác của PG Bank bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
PG Bank vẫn chưa thực sự có những chính sách kinh doanh tập trung thúc đẩy mảng dịch vụ. Các sản phẩm của PG Bank không có khác biệt so với các ngân hàng khác. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ chưa được quan tâm đầu tư, đi sau các ngân hàng khác, chưa phù hợp với xu thế hiện tại.
Nguyên nhân nợ xấu tăng cao, ngoài lý do khách quan do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, còn lý do xuất phát từ phía ngân hàng là do việc kiểm soát sau cho vay chưa tốt, công tác quản lý hàng tồn kho thế chấp chưa chặt chẽ dẫn đến khách hàng sử dụng vốn sai mục đích đặc biệt là sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn và đầu tư bất động sản. Còn nguyên nhân nữa là việc định giá sai tài sản bảo đảm gây mất khả năng trả nợ và tổn thất cho ngân hàng đòi hỏi PG Bank cần có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.