Cung cầu thị trường lao động
Thị trường lao động được hiểu là thị trường lao động quốc gia và thị trường lao động quốc tế. Sự dư thừa hay thiếu hụt lao động ở từng ngành hay toàn bộ thị trường đều ảnh hưởng gây lực kéo – đẩy mạnh đối với các quốc gia tham gia vào liên kết kinh tế quốc tế. Sự mất cân đối cung cầu trong thị trường lao động quốc gia càng lớn thì xu hướng di chuyển càng lớn. Tuy nhiên, đặc điểm của thị trường lao động quốc gia mới chỉ ảnh hưởng tới dòng di chuyển lao động quốc tế nói chung.
Chi phí di cư, chi phí cơ hội khi di chuyển lao động
Chi phí di cư gồm có chi phí dành cho việc làm thủ tục hành chính để di chuyển sang nước khác, chi phí di chuyển, chi phí đảm bảo cuộc sống tại nước đó để thực hiện cung lao động và chi phí trở về. Chi phí này ở đâu càng thấp thì sẽ khiến cho người lao động càng có động lực di chuyển tới đó. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy di chuyển lao động nội khối phát triển bởi đặc thù của một khối kinh tế luôn có sự hợp tác, liên kết cao giữa các nước thành viên làm giảm những chi phí về
một khối kinh tế thường là những nước láng giềng có khoảng cách địa lý ngắn nhất so với các nước khác trên thế giới nên việc di chuyển có thể thực hiện bằng nhiều phương thức vận chuyển khác nhau với chi phí thấp hơn.
Đặc điểm nguồn nhân lực
Trong một khối kinh tế, nếu có sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ tăng trưởng kinh tế thì di chuyển lao động sẽ được đặc trưng rõ nét bởi các dòng di chuyển khác biệt về kỹ năng. Còn đối với khối kinh tế mà các quốc gia thành viên có sự tương đồng về tăng trưởng kinh tế thì thường dòng di chuyển lao động sẽ đặc trưng bởi sự khác biệt về ngành nghề do chuyên môn hóa lao động nội khối quy định. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn thấp ở các thị trường lao động đều giảm khiến cho dòng di chuyển lao động này cũng dần ít đi thay bằng những dòng di chuyển lao động được đào tạo và dòng di chuyển lao động chuyên môn cao đang trở nên ngày càng nhiều hơn ở tất cả các quốc gia.
Chính sách thúc đẩy xuất khẩu, thu hút nhập khẩu lao động
Mỗi quốc gia đều có chính sách khác nhau về xuất nhập khẩu lao động. Ngay trong cùng một khối kinh tế thì điều này vẫn xảy ra dù tồn tại cộng đồng kinh tế. Các chính sách thúc đẩy xuất khẩu và thu hút nhập khẩu lao động được xây dựng dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị quốc gia, quan điểm, định hướng phát triển đất nước, đặc điểm của thị trường lao động quốc gia và những cam kết về di chuyển lao động với các nước khác. Ngược lại, những chính sách về xuất nhập khẩu lao động của một quốc gia lại ảnh hưởng tới mức độ tham gia di chuyển lao động của nước đó.